Hầu hết du khách đến Đà Lạt đều check-in các chốn quen tên như: chợ Đà Lạt, hồ Tuyền Lâm, thung lũng Tình Yêu… Đó cũng là nơi tôi và gia đình thường ghé. Lần này, tôi muốn khám phá điều mới mẻ hơn.
Thiên nhiên là kiến trúc sư vĩ đại
Khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) lúc tinh mơ, tim tôi lấp lánh niềm hân hoan của tuổi 18 khát khao được tự lập, sẵn sàng để trưởng thành. Bao thương mến tràn vào lồng ngực trước cả khi làn gió lạnh buốt của cao nguyên ùa đến. Chiếc xe chở tôi từ sân bay Liên Khương về trung tâm mất hàng giờ trong lúc sương mù che khuất non cao, lấp đầy vực sâu. Ai đã đánh rơi thành phố ngàn hoa vào lòng bàn tay của núi đồi? Kiến trúc Đà Lạt mềm mại nương theo những khúc khuỷu địa hình. Bao con đường hết lên rồi lại xuống mê hoặc lạ thường.
Bình minh trên đồi Đa Phú
Vượt vài con dốc mới đến được quán "Cà Phê Đen" nằm ở đường Hùng Vương, với vị trí đắc địa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bầu trời và núi đồi nên thơ. Phong cách bài trí của quán tối giản như cách đặt tên. Sàn nhà là nhiều tấm gỗ san sát, đặt vài bộ bàn ghế nhỏ. Menu đa dạng, giá phải chăng. Rất ít người mải miết chụp hình, quay phim hay ôm điện thoại lướt mạng xã hội như những gì ta thường thấy ở các quán cà phê đông đúc trong các đô thị lớn.
Trước buổi trình diễn nghệ thuật của thiên nhiên, dường như ai nấy đều say mê ngắm nhìn qua đôi mắt trần. Nơi tôi đứng cao bằng những ngọn mây. Chúng cứ tiến lại gần, cho tới khi va phải và đi xuyên qua tôi, lạnh buốt như gió đông và tơi xốp như kẹo bông gòn.
Không chụp ảnh nhiều để “sống ảo”, tác giả muốn khắc sâu khung cảnh trác tuyệt của tự nhiên trong chính tâm trí mình.
Nếu đứng ngang hàng những ngọn mây là chưa đủ phiêu lưu, hãy thử đứng trên cao hơn. Ngày thứ hai, tôi thức dậy từ 3 giờ sáng để trải nghiệm"săn mây".Và chẳng đâu phù hợp tận hưởng điều đó hơn đồi Đa Phú. Đồi Đa Phú chưa được quy hoạch làm điểm du lịch nên còn nét hoang sơ. Men theo lối mòn rất hẹp và khó đi, ngang qua một khu mộ nhỏ, tôi đã có mặt dưới chân đồi.
Sườn đồi dốc gần 60 độ làm tôi hoài nghi ý định leo bộ tới đỉnh. Tôi đứng trước hai lựa chọn: trả 80.000 đồng cho tấm vé đi xe địa hình hai chiều, hoặc bấu víu vào tảng đá nào đó rồi từ từ leo lên. Tôi không cố làm khó chính mình và kịp có mặt trên đỉnh đồi lúc 4 giờ 35 phút. Bình minh luôn đúng hẹn, mặt trời ló ra từ sau dãy núi. Cỏ cây ướt đẫm sương mai. Hôm ấy mây thưa, song khung cảnh trông như bức tranh màu nước mới vẽ thật hút mắt.
Quà lưu niệm của Đà Lạt là bình yên
Trên đường về, tôi ghé cửa hàng L’angfarm gần hồ Xuân Hương để mua mứt dâu và bông atisô cho bà tôi. Tuy L’angfarm có chi nhánh nhiều tỉnh, thành song tôi muốn mua ở Đà Lạt để mang về tặng mọi người mà tuyệt nhiên chưa bao giờ cần mua gì cho bản thân.
Trở thành sinh viên, không còn thu mình trong vòng tay gia đình mang cho tôi sự tự do chưa từng có, nhưng cũng đồng nghĩa phải dám đương đầu thử thách và ưu phiền. Đại học là chặng đua đường dài đòi hỏi sức bền và ý chí. Chuyến đi Đà Lạt đã tiếp thêm cho tôi vitamin tinh thần.
Phố núi giờ đây khơi dậy sự thanh thản, tĩnh lặng, lắng sâu thay vì niềm hào hứng và hồ hởi như ngày thơ bé. Đà Lạt không cho tôi lựa chọn nào khác ngoài để lòng mình bình yên. Đó cũng là món quà lưu niệm quý giá nhất, không phải lúc nào cũng sẵn hàng và không phải ai cũng may mắn mua được. Tôi biết người lớn phải dùng chúng rất nhanh. Khi trái tim cạn bình yên, tôi lại đến Đà Lạt!
Bình luận (0)