Có nhiều lựa chọn nghề nghiệp đầy hấp dẫn và thời thượng, song Phạm Thế Long (ngụ TP Hà Nội) quyết tâm trở thành giáo viên cho thanh thiếu niên khuyết tật trí tuệ, tự kỷ.
Tình thương là hành trang lớn
Phạm Thế Long là một trong những giáo viên trẻ nhất tại Trung tâm Nghiên cứu Bồi dưỡng kỹ năng sống, hướng nghiệp S.E.E.D CENTER - nơi dạy nghề cho các thanh thiếu niên khuyết tật trí tuệ, tự kỷ tại TP Hà Nội. Ở tuổi 23, Long sớm rèn luyện được sự nhẫn nại, đầy thấu hiểu khi đối tượng học viên của anh đòi hỏi sự quan tâm, chăm sóc ân cần hơn muôn phần so với các môi trường khác.
Thầy Phạm Thế Long (đứng) trong tiết dạy học viên pha nước chanh
Một ngày của thầy trò nơi đây bắt đầu từ 8 giờ. Các bạn vừa học nghề vừa học kỹ năng sống: tự phục vụ (lặt rau, rửa bát, quét nhà, cất đồ dùng cá nhân, vệ sinh lớp học...); giao tiếp (chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, cách mượn đồ, bày tỏ suy nghĩ...) và các kỹ năng xã hội khác (ứng phó với người lạ, cách đi chợ…); được giáo dục giới tính, học cách quản lý chi tiêu. Cuối buổi là giờ vận động và nghe nhạc thư giãn. Các hoạt động học tập diễn ra từ thứ hai đến thứ năm, mỗi tiết 45 phút, thời khóa biểu được sắp xếp để động - tĩnh đan xen nhau, có cả giờ thiền để học điều hòa nhịp thở và cảm xúc. Riêng thứ sáu dành cho hoạt động trải nghiệm, sáng tạo theo chủ đề như đi công viên, nấu ăn, vẽ tranh…
Cô giáo Lưu Hoàng Hà (phải) hướng dẫn học viên làm bánh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
S.E.E.D có cách thức giúp học viên từ từ thích ứng với môi trường làm việc, là bước đệm chuyển tiếp để các bạn có thể đi đến cơ sở làm việc thực thụ.
Long bộc bạch: "Dạy học vốn đã là một nghề vô cùng cao quý, bản thân tôi có tình yêu thương với đối tượng trẻ đặc biệt, nên hết sức mong muốn các em được phát triển khả năng của mình: không chỉ được học nghề mà còn là học cách tự lập trong cuộc sống, có thể hòa nhập với cộng đồng".
Một đồng nghiệp khác của Thế Long là Lưu Hoàng Hà (giáo viên chủ nhiệm lớp Hoa Hướng Dương - lớp dạy nghề làm bánh tại S.E.E.D CENTER) cũng chia sẻ chính tình cảm sâu sắc với học trò đã làm nên sức mạnh để cô gắn bó với công việc. Xuất phát điểm của Hoàng Hà là giáo viên can thiệp sớm cho lứa tuổi mầm non và từ năm 2019 thì cơ duyên đưa Hà đến với lớp làm bánh tại trung tâm này. Không chỉ là một người đứng lớp giỏi nghề, yêu thích bánh và muốn truyền đạt kỹ năng cho học trò mà cô gái 28 tuổi còn trở thành người bạn lớn của các thiên thần nhỏ. Hà tâm tình: "Với tôi, đây không chỉ là nơi làm chuyên ngành mình được đào tạo hồi đại học mà còn tiếp lửa cho bản thân khi được dìu dắt, nâng đỡ các thanh thiếu niên tự kỷ và khuyết tật trí tuệ. Sự hồn nhiên, trong trẻo, đáng yêu và cố gắng của học viên khiến tôi hết sức xúc động và ngày càng dành nhiều tâm huyết, tình cảm cho các bạn".
Không ngừng hy vọng và nỗ lực
Đối với Thế Long, một thách thức đáng kể là việc quản lý hành vi của học viên, vì các bạn chưa làm chủ được cảm xúc và dễ mất bình tĩnh, khó thể hiện được mong muốn của bản thân. Không nản lòng khi gặp trường hợp khó, chàng trai gen Z đầy nhạy bén đã học hỏi, tìm hiểu và ứng dụng những phương pháp riêng để thật sự nắm bắt tâm tư học viên và đưa ra quyết định phù hợp.
Các học viên thảo luận trong giờ học kỹ năng
Đáng chú ý là tại đây, giáo viên ở độ tuổi 22 - 29 chiếm đa số. Tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng, các thầy cô giáo trẻ tuổi cùng làm nên không gian học đường mang màu sắc thân thiện, lấp lánh niềm vui, tất cả vì các học trò thân yêu.
Theo Hoàng Hà, yếu tố tiên quyết phải có khi theo đuổi con đường giáo viên can thiệp sớm là sự kiên nhẫn và niềm tin với học viên. Cô kể: "Với người bình thường, có những việc chỉ cần học trong một tích tắc nhưng với các học viên này, có khi mất đến nửa năm hay thậm chí cả năm mới thành thạo được. Thêm nữa, trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ cực kỳ nhạy cảm với các biến đổi như thời tiết hoặc yếu tố bất ngờ nào cũng có thể ảnh hưởng cảm xúc của các bạn. Do đó, đôi khi các thầy cô sẽ có vài "dấu ấn" trên người. Tuy nhiên, khi thật sự quen và dần hiểu các bạn thì hiếm khi có chuyện tương tự".
Hoàng Hà mong là các học viên đặc biệt của mình luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương, công nhận của cộng đồng
Hà cho biết sự tiến bộ dù chỉ là một chút của học viên đều xứng đáng xem là thành quả để khích lệ, động viên và sự đồng hành, gắn kết cùng phụ huynh cũng là động lực lớn cho thầy cô. Từng sự phản hồi, quan tâm từ học trò là kỷ niệm đẹp được Hà trân quý, khắc ghi. Bên cạnh đó, những tình huống dở khóc dở cười mà không nghề nào có cũng là niềm vui riêng. Còn mong muốn lớn nhất của Thế Long là trong tương lai, đối tượng trẻ đặc biệt ở nước ta ngày càng có điều kiện tốt để học tập, hòa nhập với xã hội.
Cần lắm sự chung lòng của cộng đồng
Hoàng Hà tin rằng sự đồng thuận và công nhận của cộng đồng dành cho học viên là điều có ý nghĩa quan trọng. Có một tín hiệu tích cực gần đây là mỗi khi đưa các bạn ra nơi công cộng, thay vì những cái lắc đầu ngán ngẩm và ánh nhìn thương hại như trước thì giờ đây, nhiều người đã có cái nhìn thiện cảm hơn, dành lời khen ấm áp, hỏi han đến các bạn.
Hiện nay, sản phẩm của thanh thiếu niên khuyết tật trí tuệ, tự kỷ dần được nhiều người biết đến, tin tưởng sử dụng. Bản thân Hoàng Hà cũng là một "phát ngôn viên" về những câu chuyện trong quá trình làm nghề đầy ý nghĩa của mình trên mạng xã hội, chuyển tải bao thông điệp giàu tính nhân bản. Cô tha thiết: "Rất cần sự chung tay của cả xã hội, của các ban - ngành để những giá trị của các bạn được lan tỏa và công nhận nhiều hơn nữa".
Bình luận (0)