xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đồng nhất văn bằng, lo lập lờ chất lượng

YẾN ANH

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải cân nhắc, đánh giá thật kỹ việc kiểm soát chất lượng giữa các hình thức đào tạo trước khi chỉ cấp một loại văn bằng dù đào tạo chính quy hay tại chức

Theo dự Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi), hình thức đào tạo chính quy hay tại chức sẽ không được ghi lên văn bằng như quy định hiện hành. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho rằng việc phân biệt hình thức đào tạo thành chính quy và thường xuyên tạo cảm giác ngay trong hình thức đào tạo đã thể hiện các hạng chất lượng khác nhau.

Hai hình thức, một chất lượng?

Theo bà Phụng, chính vì vậy, dự luật mới đã đưa ra 2 hình thức là tập trung và không tập trung. Cụ thể, khoản 2, điều 6 quy định về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục ĐH nêu rõ các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH được thực hiện theo 2 hình thức là tập trung và không tập trung. Dự kiến hình thức không tập trung sẽ bao gồm đào tạo bán thời gian và từ xa. Trong khi đó, theo Luật Giáo dục ĐH hiện hành, các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH được chia theo 2 hình thức là giáo dục chính quy và thường xuyên.

Đồng nhất văn bằng, lo lập lờ chất lượng - Ảnh 1.

Sinh viên hệ chính quy của Trường ĐH Sư phạm TP HCM trong lễ tốt nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH

Bà Phụng cho biết việc đào tạo không tập trung chỉ khác nhau về phương thức mà còn từ chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, cách thức tổ chức, kiểm tra đánh giá và chuẩn đầu ra phải được xây dựng giống như hình thức tập trung. Tất cả đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn (!?).

Khác nhau "một trời một vực"

Một số chuyên gia cho rằng trên lý thuyết, đúng là không có sự phân biệt về chất lượng giữa các hệ đào tạo; văn bằng của 2 hệ này có tính chất như nhau, được đánh giá như nhau. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc kiểm soát chất lượng hoàn toàn không như nhau.

GS Đào Trọng Thi, nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội, nêu thực tế nhiều trường mở rộng tuyển sinh hệ tại chức tại các địa phương. Việc tổ chức đào tạo và kiểm tra, đánh giá ngay tại địa phương, chất lượng đào tạo rất hạn chế.

"Rõ ràng như thế thì chất lượng không thể giống nhau được. Nếu có kỹ thuật đánh giá tiên tiến, việc kiểm tra, đánh giá độc lập với quá trình đào tạo thì có thể làm được điều này, nghĩa là học theo hình thức khác nhau nhưng đánh giá như nhau. Trong điều kiện chưa thể kiểm soát tốt việc kiểm tra, đánh giá thì nên ghi hình thức đào tạo lên văn bằng. Đó là một cách thông tin cho người sử dụng lao động để họ tuyển chọn được nhân lực phù hợp với yêu cầu của mình" - ông Thi nhìn nhận.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cũng có chung lo lắng này. Theo TS Vinh, "phông" văn hóa của người Việt còn nhiều vấn đề, nhất là sự trung thực trong học tập và điều này lại chịu tác động của thị trường lao động, nhất là trong lĩnh vực công.

Tuy nhiên, TS Vinh cho rằng việc loại bỏ hình thức đào tạo trên văn bằng là quy định nên làm nhưng đi kèm với nó là các điều kiện chặt chẽ. Với quy định này, trách nhiệm các trường và người học rất lớn.

Đẩy mạnh kiểm định chương trình đào tạo

Trước những lo ngại liên quan tới tiêu cực có thể phát sinh khi văn bằng không còn phân biệt hình thức đào tạo chính quy và tại chức như trước, người đứng đầu Vụ Giáo dục ĐH kỳ vọng các cơ sở đào tạo khi quan tâm chất lượng đào tạo của cơ sở mình thì phải cẩn thận khi cấp văn bằng.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, một khi phát sinh tiêu cực thì sinh viên sẽ không đồng ý và đấu tranh vì bằng của họ bị lẫn lộn với bằng không bảo đảm chất lượng khác. "Tất cả văn bằng khi cấp ra phải đạt chuẩn vì không phân biệt văn bằng tại chức hay chính quy nữa. Đây sẽ là lời khẳng định với xã hội về chất lượng đào tạo của trường" - bà Phụng nói. Theo bà, sắp tới đây, việc kiểm định chương trình đào tạo sẽ được đẩy mạnh. Kiểm định chương trình sẽ gắn với kiểm định quá trình tổ chức, quản lý đào tạo từng chương trình và cấp bằng cho chương trình đó.

TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh phải làm rõ khái niệm tập trung và không tập trung ở đây chỉ là tập trung toàn thời gian và không tập trung toàn thời gian. Việc này nên đưa vào luật vì trình độ đã được quy định theo khung trình độ quốc gia, với "xương sống" của nó là chuẩn đầu ra và số lượng tín chỉ. Các trường phải cụ thể hóa cho mỗi ngành đào tạo theo khung đó. Thứ nữa là điều kiện bảo đảm chất lượng của nhà trường, gồm: luật pháp, quy chế, chất lượng - phẩm chất đội ngũ, đặc điểm nguồn tuyển, nguồn lực, tổ chức thực hiện chương trình, thi kiểm tra đánh giá, quan hệ trường và doanh nghiệp... Những điều kiện này tương đối khó chuẩn hóa và đây là một thách thức.

"Việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo có thể rút ngắn ở hình thức chính quy và kéo dài ở hình thức không chính quy miễn đạt được số tín chỉ quy định, chuẩn đầu ra và kèm theo đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng" - ông Vinh nhận xét.

Không công bằng cho hệ chính quy!

Khi dự Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) được lấy ý kiến rộng rãi, một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm là các trường ĐH sẽ chỉ cấp một loại văn bằng cho hình thức đào tạo hệ chính quy và hệ tại chức.

Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định như vậy là không công bằng về giá trị của các hệ đào tạo. Bởi lẽ, ai cũng biết việc đào tạo hệ chính quy tại các trường ĐH hiện nay theo một chương trình tập trung, chuyên nghiệp và chất lượng hơn. Việc tuyển sinh tại các trường ĐH hệ chính quy thường chặt chẽ, kiểm soát tốt chất lượng đầu vào. Khi ra trường, sinh viên có đầy đủ trình độ, kiến thức và kỹ năng để có thể làm việc.

Quá trình tham gia đào tạo ĐH hệ chính quy, sinh viên luôn tuân thủ quy chế giáo dục của các trường. Nếu không đáp ứng được chương trình đào tạo, sinh viên có thể bị đình chỉ học hoặc không thể ra trường. Chính vì thế, giá trị của tấm bằng hệ chính quy luôn được xã hội coi trọng. Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng luôn ưu tiên đối với các sinh viên có bằng chính quy.

Tại cơ quan nhà nước hiện nay, một số địa phương đã quy định việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại… cán bộ, công chức đều ưu tiên đối với người có bằng ĐH chính quy, hạn chế đối với người có bằng tại chức hoặc từ xa.

Bên cạnh đó, việc đào tạo ĐH hệ tại chức hay từ xa hiện nay là hệ đào tạo vừa làm vừa học. Nhiều trường ĐH tuyển sinh cho các hệ này thường chú trọng số lượng, ít quan tâm đến chất lượng đầu vào. Có trường hợp chỉ cần thí sinh ghi danh là có thể theo học. Chương trình học tập thì ngắn, quy chế quản lý sinh viên thì lỏng lẻo; tình trạng học hộ, thi hộ diễn ra tràn lan, khó kiểm soát… Do đó, hầu hết việc đào tạo ĐH hệ từ xa hay tại chức chủ yếu là để hợp thức hóa hồ sơ tuyển dụng. Trong đó, một bộ phận cán bộ, công chức đang chạy theo hệ đào tạo này để đủ điều kiện được đề bạt, luân chuyển, bố trí và sắp xếp cán bộ… trong hệ thống các cơ quan nhà nước.

Do đó, dự Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) quy định sắp tới chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo hệ chính quy và hệ tại chức là không công bằng với sinh viên đang học tập hệ chính quy, không phân biệt rõ chất lượng đào tạo, ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu tìm việc làm của họ sau khi tốt nghiệp. Quy định này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến các trường ĐH đang tổ chức đào tạo sinh viên hệ chính quy trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc đào tạo.

Chính vì vậy, dự luật sắp tới nên tiếp tục kế thừa các quy định đào tạo hệ chính quy và hệ tại chức để phân biệt rõ về chất lượng của các hình thức đào tạo.

ĐỖ VĂN NHÂN

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo