Mấy hôm nay, phụ huynh chúng tôi đang chuyền nhau các clip ghi lại những tiết học có giáo viên dự giờ và phát hoảng thật sự. Đáng chú ý là một clip ghi lại hình ảnh các cháu lớp 1 đang học đánh vần chữ "ca" và xung quanh là vô số giáo viên chăm chú theo dõi, ghi chép.
Học sinh ở dãy bàn bên phải theo thứ tự đứng bật dậy đọc chữ "ca" rồi luân phiên sang từng em ở dãy bàn bên trái. Tiếp theo là từng cặp học sinh đứng dậy đọc và sau đó là đọc theo dãy bàn rồi cả lớp cùng đọc.
Các cháu bắt đầu đánh vần bằng cách vỗ tay 3 nhịp tương ứng với từng tiếng "cờ" - "a" - "ca". Rồi từng đôi vỗ tay, từng bàn vỗ tay, từng phía vỗ tay và cả lớp cùng vỗ tay. Xem clip, hẳn tôi và nhiều người đều có chung cảm giác các cháu lớp 1 đang học cách đánh vần chẳng khác gì một cái máy. Một lần nữa, người ta lại bàn luận không dứt về các tiết dự giờ và diễn xuất của những "diễn viên không chuyên".
Hình ảnh cắt từ clip tiết học dự giờ
Nếu như trước đây, mọi người thường bật cười nghe kể về những "giai thoại" liên quan đến dự giờ như "mẹo" giơ tay (em nào biết giơ tay thẳng băng, em không biết giơ tay cụp các ngón để cô giáo biết mà gọi), "mẹo" dặn bài (em A trả lời câu 1, em B trả lời câu 2 cứ thế mà giơ tay phát biểu)...
Những lát cắt ấy đã trở thành hình ảnh "kinh điển" trong lĩnh vực giáo dục gắn liền với những tiết dự giờ mang đậm tính diễn xuất của cả thầy và trò. Tất nhiên, chúng ta có thể thông cảm phần nào với tâm thế lo lắng và sự chuẩn bị chu toàn cho tiết dạy của giáo viên. Tuy nhiên, mọi sự chuẩn bị vượt quá giới hạn cho phép biến thầy trò thành những diễn viên xuất sắc trên bục giảng lại là điều cấm kỵ.
Học sinh lớp 1 chỉ mới là những cô bé, cậu bé tập tành làm quen với việc học. Các con có thể chưa hiểu bài, còn đọc sai. Có như vậy, cô giáo mới là người có cơ hội uốn nắn, điều chỉnh cách đọc và vun đắp tình yêu việc học trong con trẻ. Nhưng nhìn vào thực tế tiết dự giờ đó, tôi bắt gặp những cỗ máy không cảm xúc: lưng ngồi thẳng, mắt nhìn thẳng, tay vỗ theo nhịp sẵn có, cơ thể bật dậy đúng thời điểm...
Clip chỉ dài 5 phút và mọi thứ có vẻ như đang diễn ra theo đúng kịch bản của cô giáo (sau lưng cô là cả tổ chuyên môn, ban giám hiệu trường). Hẳn là cô và trò đã tập dượt không biết bao nhiêu lần cho sự trình diễn trong vòng mấy chục phút này.
Lý thuyết bao giờ cũng là dự giờ để học tập kinh nghiệm lẫn nhau, góp ý giúp nhau tiến bộ. Nhưng thực tế có không ít trường hợp người ta đánh giá chuyên môn, nhận xét năng lực người dạy một cách khắt khe, quy chụp vào xếp loại thi đua, nâng hạ bậc lương. Bởi vậy, dù muốn dù không, người thầy cũng phải soạn kịch bản, làm đạo diễn và biến mình cùng học sinh thành những diễn viên bất đắc dĩ.
Ngành giáo dục đang đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Nhưng còn tồn tại những tiết dự giờ đối phó lẫn nhau như thế này thì bao giờ giáo dục mới về đích?
Bình luận (0)