Lớp tích hợp hôm đó học về vần “ap” của môn tiếng Việt. 30 học sinh được chia thành các nhóm quả táo, ngôi sao...và xoay bàn ghế theo từng nhóm để học. Từng nhóm tìm các từ có vần “ap” để điền tên lên bảng. Khi nhóm này tìm thì nhóm kia sẽ nhận xét.
Giờ học trở nên sôi nổi, sống động khi học sinh hào hứng tìm từ, hào hứng nhận xét. Những cánh tay giơ lên nhận xét “bạn này nói nhỏ quá, nghe không rõ” rồi đề nghị bạn hãy tự tin nói to lên. Có em nhận xét vần “ap” trong từ nước Pháp thì từ Pháp phải viết hoa...
Tương ứng với các từ mà học sinh tìm ra, giáo viên sẽ lập tức gõ từ đó trên bảng tương tác để có hình ảnh minh họa. Chẳng hạn, khi với vần “op”, học sinh tìm được từ con cọp thì giáo viên sẽ tìm hình ảnh con cọp trên bảng tương tác.
Giờ học tiếng Việt không còn đơn điệu theo cách dạy đọc - chép truyền thống mà trở thành những cuộc bàn luận sôi nổi. Học sinh đã thực sự làm chủ lớp học, giáo viên chỉ đóng vai trò là người điều phối. Sau vần “ap”, học sinh lại tiếp tục với các vần còn lại của bài học. Lại những cánh tay hào hứng giơ lên. Thậm chí, nhiều em “năn nỉ” xin được phát biểu.
Điều đặc biệt nhất của tiết học Open House là phụ huynh được chứng kiến thực tế tiết học của con em mình để có những hợp tác hay góp ý cần thiết.
Chị Nguyễn Tú Anh, phụ huynh lớp 1.1, cho biết rất hạnh phúc khi được tận mắt chứng kiến con mình đang học tập ra sao và ngạc nhiên khi trong một thời gian ngắn mà con tiến bộ, trưởng thành hơn rất nhiều. “Trẻ lớp 1 là những bé mới chuyển từ bậc mầm non lên tiểu học, nghĩa là thay đổi môi trường rất lớn. Thế nhưng, chỉ trong một học kỳ, các bé đã mạnh dạn, tự tin phát biểu, thể hiện bản thân khiến những phụ huynh như chúng tôi cảm thấy rất an tâm” - chị Tú Anh bày tỏ.
Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho hay mục đích của giờ học Open House là để phụ huynh chứng kiến con em mình học tập nhằm phối hợp với nhà trường giáo dục học sinh tốt hơn; đồng thời nhận xét, góp ý phương pháp giảng dạy của giáo viên để nhà trường có những điều chỉnh phù hợp. Giờ học cũng là một cách để nhà trường lắng nghe nhằm cải tiến phương pháp, sao cho học sinh được học với môi trường và phương pháp giáo dục tốt nhất. “Trước hết, những giờ học mở thế này giúp các em mạnh dạn, tự tin, biết bàn luận, biết phản biện và trao đổi trong môi trường tập thể” - cô Hà nhận xét.
Open House giờ học được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm tạo môi trường giáo dục thân thiện, hòa đồng giữa thầy với trò, trò với trò, nhà trường với phụ huynh. Ở các trường tại Việt Nam, hình thức này còn khá mới mẻ do bị chi phối bởi cách dạy truyền thống.
Giờ học Open House đang được một số trường tiểu học tại TP HCM thực hiện nhằm xây dựng tiết học đồng bộ giữa thầy với trò, phát huy năng lực học sinh, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là bảng tương tác, trong giờ học. Cách dạy học này bước đầu đã tạo được hứng thú cho phụ huynh và học sinh.
Bình luận (0)