xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đưa trường học đến thí sinh 2018: Nhân văn, lan tỏa

Huy Lân - Lê Thoa

Chương trình tại Quảng Ngãi đã kết thúc chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2018" với hàng ngàn câu hỏi đã được giải đáp trong chuỗi chương trình tại 8 tỉnh, thành

Lúc 8 giờ ngày 25-3, tại Trường THPT Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2018". Đây là chương trình cuối cùng trong chuỗi 8 chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" do Báo Người Lao Động tổ chức trong năm 2018. Khác với thí sinh các tỉnh khác, thí sinh các trường THPT: Bình Sơn, Lê Quý Đôn, Vạn Tường và Trần Kỳ Phong không thắc mắc nhiều về quy chế thi tốt nghiệp THPT mà tập trung hỏi về ngành nghề - thử thách và cơ hội.

Ngành bắt kịp xu hướng

Do có sự thay đổi về quy chế ở khối trường đào tạo sư phạm nên hầu như chương trình nào thí sinh cũng băn khoăn về ngành này. Buổi tư vấn tại huyện Bình Sơn cũng không ngoại lệ khi một em hỏi "Thi sư phạm năm nay liệu có phải là quyết định đúng?". PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, cho biết thí sinh đã chọn sư phạm phải yêu nghề mới được bền vững. Ông thừa nhận không phải sinh viên nào ra trường đều được sắp xếp việc làm mà tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bản thân và xã hội, trong đó vùng miền cũng là yếu tố quan trọng. Bổ sung phần trả lời, PGS-TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết sinh viên thi vào ngành sư phạm của trường sẽ được miễn học phí, cấp học bổng nếu học giỏi, tốt nghiệp nhận hai bằng: Sư phạm và kỹ sư, nên không quá lo lắng về vấn đề việc làm.

Đưa trường học đến thí sinh 2018: Nhân văn, lan tỏa - Ảnh 1.

Học sinh Quảng Ngãi đặt câu hỏi cho ban tư vấn chương trình Ảnh: TỬ TRỰC

Trả lời câu hỏi: "Trường ĐH đã làm gì để đáp ứng đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?", PGS-TS Lê Hiếu Giang cho biết hiện nhiều trường ĐH đã chuyển đổi từ cung cấp kiến thức sang đào tạo toàn diện. Do lượng kiến thức trên internet rất nhiều nên thầy cô không chỉ dạy lý thuyết mà chuẩn bị môi trường, kỹ năng để sinh viên học tập, sáng tạo. Ông nhận định trong tương lai, nhiều ngành sẽ biến mất nhường chỗ cho nhiều ngành mới xuất hiện.

Bên cạnh đó, thí sinh cũng bày tỏ sự bối rối khi phân biệt hai ngành công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm. TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM, cho biết về nhu cầu trong tương lai, lĩnh vực công nghệ thực phẩm hay hóa thực phẩm có rất nhiều cơ hội việc làm. Hiện có nhiều trường đào tạo ngành này và mức điểm cũng khác nhau. Còn về ngành công nghệ sinh học, các em có 4 hướng chọn: nông - lâm - thủy, môi trường, thực phẩm, y. Nếu thí sinh muốn học công nghệ sinh học để tham gia ngay vào các nhà máy, nên chọn các trường kỹ thuật công nghệ như ĐH Bách khoa TP HCM, Nông Lâm TP HCM, Công nghiệp TP HCM. Còn nếu các em muốn tìm kiếm chế phẩm mới, sản phẩm sinh học mới... (như thực phẩm chức năng), nên chọn các trường có truyền thống như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM.

Nói về khối ngành kinh tế, cũng là cung cấp thông tin sơ bộ về đào tạo ĐH cho thí sinh, ThS Nguyễn Anh Vũ, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết khi vào ĐH, sinh viên được dạy kiến thức tổng hợp để có thể làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, khi ra trường, các em làm việc ở ngành nào thì phải bổ sung thêm kiến thức lĩnh vực đó. Qua đây, ông Vũ đưa ra lời khuyên: "Các em đừng quan niệm học ra phải làm sếp ngay. Đầu tiên, phải là những người làm việc trực tiếp giỏi, sau đó mới có cơ hội thăng tiến".

Đến vùng xa, chương trình thật sự hữu ích

Ngay khi chương trình kết thúc, học sinh của huyện Bình Sơn vẫn tiếp tục "đeo bám" các chuyên gia để được tư vấn sâu. Thầy Nguyễn Phiêu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn, chia sẻ thật vinh dự vì chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2018" được tổ chức tại trường. "Học sinh ở huyện Bình Sơn - một nơi khá xa thành phố, được gặp gỡ với đại diện rất nhiều trường ĐH là cơ hội quý của các em. Chúng tôi mong rằng học sinh nhiều vùng sâu, vùng xa khác sẽ được thụ hưởng chương trình rất ý nghĩa này" - thầy Phiêu nói.

Sau chặng hành trình đồng hành với "Đưa trường học đến thí sinh 2018", ThS Phạm Thế Vinh, đại diện Trường ĐH Tài chính - Marketing - thành viên ban tư vấn, nhìn nhận: "Chặng đường 17 năm của chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" là 17 mùa thi qua - đã khắc họa, in dấu và từng bước khẳng định vị thế và chiếm được lòng tin của triệu thí sinh, phụ huynh, độc giả trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đó là cái được, tràn đầy niềm tin yêu và sức lan tỏa của chương trình...".

ThS Phạm Thế Vinh cho biết chương trình năm 2018 cũng không ngoại lệ, vẫn đầy ắp những tiếng cười háo hức của thí sinh ở khắp các sân trường đầy nắng mà chương trình đi qua: Từ Tây Nguyên đến TP HCM và Bình Dương; từ miền Tây Nam Bộ đến Quảng Nam, Quảng Ngãi. "Thầy cô ơi, em có thể làm bài thi năm nay như thế nào?"; "Em học ngành nào để có nhiều cơ hội thăng tiến và việc làm trong tương lai?"... Những câu hỏi ấy sẽ còn đọng mãi trong tâm trí của các thành viên ban tư vấn. "Chương trình đã làm nên một phần bé nhỏ nhưng ngập tràn tính nhân văn và bổ ích cho các sĩ tử và phụ huynh hướng về tương lai" - ThS Phạm Thế Vinh nhận định.

TS Trần Đình Lý, đại diện Trường ĐH Nông Lâm TP HCM - thành viên ban tư vấn, cho rằng qua những câu hỏi của thí sinh ở 8 tỉnh, thành có thể thấy vẫn còn có 3 kiểu thí sinh: Có quan tâm lo lắng đến nghề nghiệp tương lai và có đủ sự tự tin, bản lĩnh để chọn cho mình một hướng đi phù hợp; có quan tâm lo lắng nhưng bế tắc trong việc lựa chọn lối bước vào đời; không quan tâm lo lắng gì cả, thờ ơ với tương lai cứ để "tới đâu thì tới". "Dạng thứ ba tuy không nhiều nhưng nếu không được tư vấn kịp thời các em sẽ mất phương hướng khi tham gia đăng ký xét tuyển theo cách chọn đại phó mặc cho may rủi. Các em này rất cần được quan tâm và chương trình đã rất chú trọng tư vấn cho các em này" - TS Lý nhận xét. TS Lý cũng cho rằng chương trình đã lựa chọn các tỉnh xa, nơi học sinh còn thiếu thông tin để tư vấn nên đây là chương trình rất hữu ích.

TS Lê Thị Thanh Mai, đại diện ĐHQG TPHCM - thành viên ban tư vấn, cho rằng chương trình đã kịp thời đưa thầy cô đến với những nơi vùng sâu, vùng xa để mang đến cho học sinh, thầy cô giáo những thông tin kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách. Được tiếp xúc với các thầy cô ban tư vấn, học sinh như được tiếp thêm động lực để tự tin hơn với lựa chọn của mình.

Những phút giây rụt rè đã được thầy cô xóa tan. Học sinh đã mạnh dạn đặt câu hỏi cũng như tìm hiểu sự khác nhau giữa các ngành học, ví dụ, công nghệ thực phẩm và công nghệ sinh học, như cơ khí và cơ điện tử, như kinh tế và quản trị kinh doanh... Không dừng lại ở đó, với thành phần ban tư vấn đến từ các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp đã giúp học sinh nhận diện ĐH không phải là con đường duy nhất để thành công mà quan trọng phải tìm được ngành nghề phù hợp, thực tế trong chọn ngành, chọn trường vì bất kỳ một ngành nghề nào cũng có cơ hội phát triển. "Chúng tôi mong chương trình tiếp tục duy trì và mở rộng nhiều hơn nữa" - TS Lê Thị Thanh Mai kỳ vọng. 

Thư cảm ơn

Báo Người Lao Động chân thành cảm ơn các đơn vị hỗ trợ, đồng hành cùng "Đưa trường học đến thí sinh 2018": Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Đắk Lắk, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), Đài Phát thanh - Truyền hình Đắk Lắk, Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai); Sở GD-ĐT TP HCM, Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM), Đài Truyền hình TP HCM; Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, Trường THPT Võ Minh Đức (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương); Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang, Trường THPT Long Mỹ (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang); Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu, Tỉnh đoàn Bạc Liêu, Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu; Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam; Trường THPT Bình Sơn (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và các thầy cô, học sinh từ nhiều trường THPT tại 8 tỉnh, thành đã nhiệt tình tham dự chương trình.

Chân thành cảm ơn Ban Tư vấn chương trình đến từ ĐHQG TP HCM và các trường ĐH: Nông Lâm TPHCM, Tài chính - Marketing, Ngân hàng, Sư phạm Kỹ thuật, Sư phạm TP HCM, Văn Hiến, CĐ Đại Việt cùng rất nhiều trường ĐH, CĐ tại các địa phương đã đồng hành cùng chương trình.

Chân thành cảm ơn Công ty CP Phân bón Bình Điền, Tập đoàn Vingroup và Công ty CP Cáp treo Bà Nà đã tài trợ cho chương trình.

BAN BIÊN TẬP

Tài trợ chính:

Đưa trường học đến thí sinh 2018: Nhân văn, lan tỏa - Ảnh 3.

Đồng tài trợ:

Đưa trường học đến thí sinh 2018: Nhân văn, lan tỏa - Ảnh 4.
Đưa trường học đến thí sinh 2018: Nhân văn, lan tỏa - Ảnh 5.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo