Thí sinh tranh thủ đọc Báo Người Lao Động trước giờ bắt đầu chương trình
Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2018" bắt đầu từ 8 giờ ngày 24-3, do Báo Người Lao Động tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Hiền, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được tường thuật trực tiếp trên Đài PT-TH Quảng Nam. Báo Người Lao Động Online tường thuật trực tuyến chương trình này.
Ban tư vấn chương trình:
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP HCM;
TS Hoàng Tịnh Bảo - Trưởng ban Khảo thí và Đảm bảo chất lương Giáo dục, ĐH Huế
PGS-TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM;
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM;
ThS Nguyễn Anh Vũ, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM;
ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính - Marketing;
ThS Nguyễn Anh Vũ - Phó trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM
Ông Đặng Thanh Vũ - Giám đốc Điều hành ĐH Văn Hiến
Bà Đinh Thị Kim Ly - Trưởng phòng tuyển sinh Công ty Du học Hàn Quốc Dream Works
TS Hoàng Đức Bình - Đại diện Trường ĐH Bắc Đan Mạch tại Việt Nam
TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường ĐH Duy Tân;
TS Trần Đình Chính - PGĐ Phân hiệu Trường ĐH Nội vụ tại Quảng Nam
Đại diện Trường ĐH Đông Á - TS Trần Ngọc Sơn
Ông Nguyễn Sĩ Quỳnh - CĐ Đại Việt Sài Gòn
Chương trình có sự tham dự của khoảng 1.200 học sinh đến từ 3 trường THPT: Nguyễn Hiền, Sào Nam, Lê Hồng Phong.
Đại biểu chương trình gồm: Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam; Thầy Hà Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền; Thầy Dương Hữu Thu - Hiệu trưởng Trường THPT Sào Nam; ông Dương Quang - Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động.
Mời bạn đọc xem một số hình ảnh trước khi diễn ra chương trình
Ban tư vấn chương trình
Thí sinh vui tươi trước giờ bắt đầu chương trình
Từ 7 giờ 45 phút, chương trình bắt đầu với các tiết mục từ trường ĐH Duy Tân, THPT Nguyễn Hiền, ĐH Huế...
Học sinh tập trung đông đủ, ngồi ngay ngắn trên sân trường từ 7 giờ sáng 24-3
Ông Dương Quang - Phó tổng biên tập Báo Người Lao Động - tặng hoa cho ban tư vấn và đại biểu
Thầy Hà Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền phát biểu mở đầu chương trình.
Lúc 8 giờ 15, Thầy Hà Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền phát biểu mở đầu chương trình. Thầy cho biết Duy Xuyên là vùng đất hiếu học, nhờ sự điều kiện của sở, chính quyền địa phương và sự phấn đấu không ngừng của thầy và trò. Hằng năm, tỉ lệ học sinh lớp 12 trên địa bàn huyện đậu ĐH-CĐ luôn chiếm tỉ lệ cao. Hôm nay, thầy và trò vùng đất này có cơ hội "vàng" được tiếp cận trực tiếp thầy, cô giáo trong ban tư vấn đến từ các trường ĐH danh tiếng. Thầy Hà Văn Ngọc hy vọng đây sẽ là dịp quý báu để học sinh lớp 12 và phụ huynh có điều kiện tiếp cận với nguồn thông tin chuẩn xác về cách thức, chỉ tiêu tuyển sinh và điều kiện học tập về điều kiện học tập của các trường ĐH, cũng như giúp các em chọn được ngành, trường phù hợp với sở trường, năng lực, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng sau này.
Lúc 8 giờ 20, chương trình trao 40 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng từ Vingroup cho 30 học sinh và 10 giáo viên. Trường ĐH Duy Tân cũng tặng 6 suất học bổng trị giá 1 triệu đồng/suất cho học sinh khó khăn hiếu học. Qua đây, Trường ĐH Nội Vụ cũng tặng 5 suất học bổng cho học sinh 3 trường. Chương trình cũng có những phần quà dành cho học sinh có câu hỏi hay.
TƯ VẤN CHUNG
Lúc 8 giờ 30, chương trình bước vào phần tư vấn chung.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP HCM cung cấp những thông tin cơ bản về kỳ tuyển sinh 2018. Cụ thể: Kỳ thi vẫn tổ chức tại địa phương, đề thi bổ sung thêm kiến thức lớp 11. Thí sinh có 3 bài thi độc lập toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp gồm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Lưu ý, thí sinh được quyền lựa chọn 1 trong 2 bài thi hoặc cả 2 nhưng nếu chọn cả 2 bài, các em cần tham dự đầy đủ để tránh điểm thi thành phần rơi và trạng thái điểm liệt, không được xét tốt nghiệp THPT quốc gia.
TS Mai cung cấp thông tin năm 2017, Quảng Nam có tới 81% thí sinh có nguyện vọng sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, trong khi con số này cả nước chỉ 74%.
TƯ VẤN TRỰC TIẾP
* (Nguyễn Trần Đức Duy - Trường THPT Lê Hồng Phong) Đến bây giờ em vẫn chưa chốt gì cho tương lai, chưa biết thi ngành gì và đang rất bối rối trước kỳ thi lớn của cuộc đời. Ban tư vấn cho em lời khuyên.
- TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM: Thầy cho rằng lo lắng của các em là có cơ sở vì thời điểm này là lúc các em đã phải có sự tính toán để làm sao chọn được một ngành, nghề phù hợp năng lực của mình. Nếu chỉ mục đích tìm chỗ ngồi trong 1 trường ĐH thì thời gian sau, các em ngẫm nghĩ lại mình không phù hợp ngành, nghề đó, rồi thì lại thì vô cùng lãng phí. Vô hình trung, các bạn đã cung cấp ngày càng dài ra của các sinh viên bị buộc thôi học, rồi lượng kỹ sư, cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường. Điều này rất đáng tiếc!
1-4 đến 20-4 này, các em sẽ đăng ký nguyện vọng nhưng chưa xác định được ngành nghề mình thích thì rất đáng lo lắng. Ngoài việc nắm kỹ thông tin về quy chế kỳ thi để đăng ký đúng, về góc độ hướng nghiệp, các em cần tính đến chuyện bền vững, lâu dài. Các em cần lựa chọn lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp năng lực, sở trường. Sau đó, để làm được nghề này, các em phải trả lời được câu hỏi em là ai? Làm nghề này có thể học ngành nào, bậc học, trường nào? Nghề mình thích chưa chắc mình hợp. Do đó, các em nên lấy gốc làm hướng nghiệp rồi lựa chọn các trường sau.
Nếu các điều kiện đã thỏa, các em nên cân nhắc việc chọn các trường gần nhà để tiện "học trường gần, ăn cơm nhà" tiết kiệm chi phí.
TS Trần Đình Lý
* (Phạm Đăng Long, 12/1 Nguyễn Hiền) Phân hiệu Trường ĐH Nội Vụ Hà Nội tại Quảng Nam là trường đặc thù, chúng em mới được biết đến. Xin quý thầy cô tư vấn?
- TS Trần Đình Chính, ĐH Nội Vụ Hà Nội - phân hiệu Quảng Nam: Trường chúng tôi đào tạo các ngành lĩnh vực nội vụ như: Quản trị văn phòng, quản trị nhân lực, quản lý nhà nước, thông tin văn hóa... Tốt nghiệp ngành này, các bạn có thể làm việc ở các cơ quan hành chính, văn phòng, marketing. Phân hiệu Quảng Nam của trường đóng trên địa bàn xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, gần 3 trường THPT đang tư vấn. Trường đào tạo không đủ đáp ứng nhu cầu xã hội. Do đó, em nào muốn sự ổn định hãy xem xét.
*Khi học tại các trường ĐH, thực hành và lý thuyết tỉ lệ như thế nào? Em quan tâm vì lý thuyết nhiều, thực hành mới tạo nên năng lực chuyên môn sau này (Phạm Trần Nguyên)
- Đại diện Trường ĐH Đông Á: Bộ GD-ĐT phân tầng ĐH thành 3 dạng trường: Nghiên cứu, ứng dụng, thực hành. Trường ĐH Đông Á xác định từ nay đến năm 2020 có được sinh viên phục vụ cho 1 triệu doanh nghiệp cả nước. Phần lớn chương trình học nhằm tổ chức sinh viên ra trường thông thạo việc làm để gia nhập doanh nghiệp một cách nhanh nhất. Học tại ĐH Đông Á có 8 học kỳ. Cụ thể, 1 học kỳ sinh viên chuyên làm khóa luận, đồ án, 7 học kỳ còn lại trong đó có 3 học kỳ dành cho sinh viên ra ngoài, 4 học kỳ học lý thuyết
*Em học lực khá và muốn theo học ĐH Duy Tân. Nghe nói trường có chương trình du học tại chỗ, vậy đó là ngành nào?
- TS Võ Thanh Hải, Đại học Duy Tân: Năm nay, trường có 3 phương án tuyển sinh: Tuyển thẳng (HS giỏi quốc gia), Xét tuyển kết quả THPT quốc gia, xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, chỉ tiêu và số ngành dành cho việc xét tuyển học bạ không nhiều. Các em có thể trúng tuyển 2 phương thức: Trúng tuyển thẳng hoặc xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia nhưng chỉ được chọn lựa 1 kết quả. Nếu chọn phương thức xét theo học bạ, các em vào website của Bộ GD-ĐT xem thông tin về việc chấm dứt nhận học bạ các trường. 3 năm trở lại đây, trường khởi động chương trình du học tại chỗ, liên kết với các ĐH của Mỹ, với chi phí thấp hơn nhiều so với chi phí du học nước ngoài. Hiện nay, có 100 học sinh học trường này và 28 học sinh Quảng Nam tham gia.
*Ở Trường ĐH Đông Á, các ngành nghề được đào tạo theo hướng thực hành? Vậy cụ thể là gì? (Hứa thị Kim Bằng, Trường THPT Nguyễn Hiền)
- TS Trần Ngọc Sơn, ĐH Đông Á: Quan tâm ĐH theo hướng thực hành. ĐH Đông Á đi theo mô hình trong 8 học kỳ có 1 học kỳ chuyên đi theo thực hành. 60% bài giảng đi theo thực hành, 40% lý thuyết.
TS Hoàng Tịnh Bảo - ĐH Huế
Bà Đinh Thị Kim Ly -Trưởng phòng tuyển sinh Công ty Du học Hàn Quốc Dream Works
* ĐH Huế có thay đổi gì trong xét tuyển sư phạm?
- TS Hoàng Tịnh Bảo - Trưởng ban Khảo thí và Đảm bảo chất lương Giáo dục, ĐH Huế: ĐH Vùng có 8 trường thành viên, 2 khoa trực thuộc và 1 phân hiệu. Quy mô tuyển sinh năm nay: 13.000 tuyển sinh, 19 ngành đào tạo. Năm nay, tuyển sinh trường phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của Bộ GD-ĐT. ĐH Sư phạm - ĐH Huế nằm trong khối sư phạm cả nước, nên chúng tôi cũng chờ quyết định của Bộ.
*Em vừa đọc được thông tin Trung tâm tư vấn Du học Hàn Quốc Dream Works tuyển sinh điều dưỡng đi Hàn Quốc. Cụ thể chương trình này là như thế nào ạ?
-Bà Đinh Thị Kim Ly - Trưởng phòng tuyển sinh Công ty Du học Hàn Quốc Dream Works: Chương trình điều dưỡng đi du học Hàn Quốc: không xét kết quả THPT quốc gia mà chỉ xét học bạ THPT. Trường phối hợp với các trường Hàn Quốc và các bệnh viện, viện dưỡng lão cho các em mượn chi phí 70%, sẽ trả dần hàng tháng số tiền mượn này sau khi các em đi làm. Hiện nay, tỉ lệ tốt nghiệp ra trường thất nghiệp cao, đồng thời dân số Hàn Quốc đang già nên cần người chăm sóc do đó chương trình rất cần thiết.
*Liệu ĐH có phải con đường duy nhất? ĐH và học nghề cái nào tốt hơn?
- CĐ Đại Việt: Vài năm gần đây, cơ hội vào ĐH của các bạn rất lớn và CĐ là một lựa chọn tốt do: Thời gian ngắn hơn, chi phí thấp. Năm nay, trường cam kết việc làm ngay khi sinh viên nhập học.
Đại diện Trường ĐH Đông Á - TS Trần Ngọc Sơn
Ông Nguyễn Sĩ Quỳnh - CĐ Đại Việt Sài Gòn
*Học tài chính - ngân hàng hiện nay có phải lựa chọn thông minh?
- ThS Nguyễn Anh Vũ - Phó trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM: Khi tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng, các bạn không chỉ làm ở các ngân hàng, mà còn có thể làm việc ở: Bộ phận tài chính các doanh nghiệp; Tổ chức tín dụng; Khối dịch vụ chứng khoán... Ngành này 2000-2010 phát triển tốc độ nhanh, nhu cầu tuyển dụng rất cao. Tuy nhiên, năm 2010-2015 ngân hàng tái cơ cấu và đến nay kết quả kinh doanh khả quan trở lại, tuyển dụng hàng chục ngàn nhân lực. Đây là ngành huyết mạch của toàn bộ ngành kinh tế nên sẽ còn phát triển rất nhiều. Thời gian tới, những công việc mang tính chất giản đơn, giấy tờ giảm dần và nhân lực chất lượng cao sẽ tăng lên. Do đó, công việc ngành này không thiếu, chỉ cần cố gắng học giỏi các em sẽ có được việc làm mong muốn.
ThS Nguyễn Anh Vũ - Phó trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM
* (Nguyễn Tấn Thắng, 12/10 Sào Nam) Hiện nay, em đọc báo thấy nhiều anh chị học sư phạm ra trường phải giấu bằng ĐH để làm công nhân. Vậy em có nên học ĐH? Học trường nào dễ kiếm việc? Cơ hội đi du học có phải lựa chọn tốt?
- ThS Hoàng Đức Bình - Đại diện Trường ĐH Bắc Đan Mạch tại Việt Nam: "Học gì ra trường có việc làm tốt?" là câu hỏi hầu hết thí sinh hiện nay. Vấn đề việc làm sau tốt nghiệp không chỉ phụ thuộc vào môi trường giáo dục mà phụ thuộc lớn vào bản thân các bạn. Do đó, các bạn cần có kiến thức, kỹ năng... thật tốt trước khi tốt nghiệp.
Trường ĐH Bắc Đan Mạch liên kết với trường ĐH Kiến trúc đào tạo ngành Công nghệ Kiến trúc và Quản lý Xây dựng. Về vấn đề có nên du học, các em cần cân nhắc do để du học, cần có kinh phí rất lớn. Muốn giảm thiểu, nhiều học sinh chọn cách săn học bổng thông qua các trường ĐH tại Việt Nam.
*ĐH Văn Hiến có những ngành nào? Khối ngành ngôn ngữ ở ĐH Văn Hiến đào tạo những gì?
Ông Đặng Thanh Vũ - Giám đốc Điều hành ĐH Văn Hiến: Trường thiên về đào tạo các ngành khoa học xã hội nhân văn trong đó đào tạo 3 ngôn ngữ thế mạnh: Nhật, Hàn, Anh. Đối với sinh viên học tiếng Nhật, trường liên kết nhiều công ty uy tín của nước này nhằm đưa sinh viên sang thực tập. Ngôn ngữ Hàn cũng là một ngành học được sinh viên các năm quan tâm. Do 2 nước Nhật, Hàn dân số già nên cơ hội trở lại làm việc của các bạn rất cao.
Ông Đặng Thanh Vũ - Giám đốc Điều hành ĐH Văn Hiến
*Theo tìm hiểu của em nghề báo là nghề vinh quang nhưng cũng có nhiều thử thách? Mong thầy cô tư vấn?
- Em dự định đăng ký nguyện vọng vào khoa báo chí - truyền thông của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Đầu ra có bạc?
- TS Thanh Mai: Đây là nghề đặc thù, các em đã chọn thì chấp nhận sống với nghề. Do đó, các em phải tìm hiểu rõ trước khi đăng ký. Những người theo ngành báo chí cần có năng khiếu về văn, sử dụng ngôn ngữ, phân tích vấn đề liên quan sự kiện. Hiện tại, quan trọng nhất hiện nay là năng lực học tập của thí sinh vì đây là ngành có điểm chuẩn thuộc tốp của trường.
Ngoài ra, trường có nhiều ngành khác như: văn học, báo chí... giúp các em có thể tiếp cận nghề báo.
- Ông Dương Quang - Phó tổng Biên tập Báo Người Lao Động: Không nhất thiết các bạn thi vào ngành văn, báo hay truyền thông mới có thể đi làm báo vì ngành này tổng hợp nhiều yếu tố ngoài lý thuyết báo chí. Hiện nay, tòa soạn Báo Người Lao Động tuyển phóng viên từ nguồn sinh viên tốt nghiệp các ngành: văn, báo chí, luật, xã hội học, thậm chí khoa học tự nhiên. Dù học ngành này, khi vào nghề, các bạn sẽ tiếp cận nhiều kênh thông tin, thành phần xã hội, từ đó nghề sẽ dạy nghề. Để theo nghề này lâu bền, các em cần tích hợp các yếu tố: Đam mê, hiểu về nghề; năng khiếu làm báo; kỹ năng diễn đạt. Hiện nay, nhiều bạn cử nhân báo chí truyền thông học 4 năm ra trường viết tin không được, tòa soạn phải đào tạo lại.
Ông Dương Văn Quang trả lời câu hỏi về báo chí
Theo tôi, học ngôn ngữ giúp ích nhiều cho báo chí. Những người học ngôn ngữ có khả năng diễn đạt tốt trong khi những người tốt nghiệp báo chí chưa chắc bằng. Thực tế tòa soạn, những phóng viên từng học các ngành tiếng Anh hoặc khối KHTN đã làm báo thì diễn đạt rất chặt chẽ, logic.
Về câu hỏi: "Làm báo có giàu không?", tôi cho rằng nghề gì cũng có thể làm giàu được, nghề báo cũng vậy nếu bạn thỏa mãn các yếu tố nêu trên.
*Du học tại chỗ là thế nào?
PGS-TS Lê Hiếu Giang: Các em có thể du học tại chỗ; thứ 2 có thể du học ở chương trình liên kết các trường mở ra (có thể 2 năm ở VN 2 năm nước ngoài); săn học bổng ở các trường nổi tiếng ở Mỹ, Úc, châu Âu. Ngoài ra, hiện nhiều nước du học không tốn học phí (Đức), hoặc học bổng đa dạng như Đài Loan..
*Em muốn học ngành quản trị khách sạn, nhà hàng, yêu cầu ngành này ra sao?
- ThS Phạm Thế Vinh: Quản trị du lịch nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt 1,2 năm gần đây trong xu thế hội nhập sâu trong khối ASEAN và châu Á. Hầu hết các trường trong khối kinh tế, quản trị kinh doanh cả nước đều có đào tạo ngành này. Các bạn ở Quảng Nam nên quan tâm các trường ở Đà Nẵng, Huế, Nha Trang... để tiết kiệm chi phí, đồng thời nắm bắt được nhiều cơ hội việc làm ở địa phương có địa hình ven biển.
Nếu trình độ ngoại ngữ không tốt, các bạn vào trung cấp, cao đẳng, các trường ĐH điểm chuẩn tương tối. Nói về ngoại ngữ, ở bộ phận nào cũng cần và nếu giỏi ngoại ngữ, khả năng thăng tiến của các bạn sẽ rất cao. Khi vào ĐH Trường ĐH Tài chính - Marketing, trường sẽ hỗ trợ về mặt ngoại ngữ cả chất và lượng cho sinh viên trong suốt quá trình học.
- ĐH Huế: Tại ĐH Huế, các bạn sẽ có cơ hội thực hành, cụ thể có thể thực hành tại Bà Nà Hill 4 học kỳ, đảm bảo 100% cơ hội việc làm.
- ThS Thanh Mai: Du lịch là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh Quảng Nam. Ai giỏi tiếng Anh có thể ra trường có mức lương cao do đối tượng phục vụ là du khách quốc tế. Nếu không, các em vẫn theo được ngành này với đối tượng phục vụ là khách trong nước. Hiện nay, chỉ cần tốt nghiệp CĐ có trình độ Tiếng Anh các em có thể làm HDV du lịch quốc tế.
*Cơ hội việc làm ngành thú y Trường ĐH Nông Lâm TP HCM? Nếu không đủ điểm có thể chuyển sang phân hiệu khác không?
- TS Trần Đình Lý: Đây là ngành có điểm chuẩn cao nhất trường. Có 2 chuyên ngành: BS thú y và dược thú y. Tổ hợp xét tuyển, kỹ năng, nội dung chương trình, làm ở đâu... các em có thể xem qua website của trường. Năm rồi, 23,75 các em trúng tuyển vào trường chính, nếu điểm thấp hơn 2-3 điểm các em có thể đăng ký tại các phân hiệu tại tỉnh Ninh Thuận và Gia Lai.
*(Quốc Vương, 12A1 Sào Nam) Trong thời kỳ hội nhập, đào tạo những sinh viên có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm. Các trường nào để bổ sung kỹ năng này cho sinh viên? Trường nào nổi bậc lĩnh vực này?
- ThS Phạm Thế Vinh: Tất cả các trường ĐH VN hiện nay đều quan tâm đào tạo kỹ năng mềm. Có những trường, tùy theo khối ngành, cấp độ học mà đào tạo kỹ năng mềm hợp lý đáp ứng cho các bạn. Nhiều trường đào tạo 4-8 kỹ năng, nhiều trường chọn đó làm môn học, số trường khác chọn đó là chuẩn đầu ra. Tại các trường, có đội ngũ giảng viên đào tạo các em về kỹ năng mềm. Các bạn hãy yên tâm rằng trong những năm tới, việc đào tạo kỹ năng mềm sẽ được phát triển và là một trong những điểm nhấn quan của ĐH Việt Nam.
ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính - Marketing;
"Đưa trường học đến thí sinh 2018" tại Quảng Nam kết thúc lúc 10 giờ cùng ngày. Trời nắng gắt nhưng thí sinh vẫn nán lại tới phút cuối và gặp riêng từng thầy cô ban tư vấn để hỏi thêm về ngành, trường mình sắp thi vào.
Vào lúc 8 giờ ngày 25-3, chương trình tiếp tục diễn ra tại Trường THPT Bình Sơn, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Người Lao Động Online tường thuật trực tuyến, mời bạn đọc theo dõi.
Chương trình do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Tập đoàn Vingroup và Công ty Cổ phần Cáp treo Bà Nà tài trợ.
Tài trợ chính:
Đồng tài trợ:
Bình luận (0)