Chiều 16-3, tại Trường THPT Trưng Vương (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), gần 2.000 học sinh (HS) đến tham dự chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2019" do Báo Người Lao Động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Bình Định tổ chức. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Định.
Học ĐH có "chắc ăn"?
HS đến từ TP biển đã khiến các thành viên ban tư vấn bất ngờ với những câu hỏi thật sự chất lượng. "Nếu trường nào cũng bảo đảm 100% sinh viên ra trường có việc làm thì tại sao hàng ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp? Có nhất thiết phải học ĐH không?" - một HS Trường THPT Trưng Vương hỏi.
Trả lời thắc mắc của HS này, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - khẳng định ĐH không phải là con đường duy nhất và có rất nhiều loại hình đào tạo sau THPT. Theo ông Nghĩa, khoảng 10% HS dừng con đường học vấn sau THPT, còn lại là tiếp tục tìm hướng học hành. "Các em cứ tìm cho mình hướng đi thích hợp. Hiện nay, có nhiều trường ĐH xét tuyển rất dễ và có nhiều loại hình để các em lựa chọn, như học nghề… miễn là phù hợp với năng lực, sở thích bản thân và điều kiện gia đình" - TS Nghĩa khuyên.
TS Hoàng Công Tú, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn, bổ sung thêm thống kê của các tổ chức giáo dục Mỹ cho thấy 90% HS sau lớp 12 chưa xác định mình làm gì nhưng cũng tỉ lệ đó xác định rằng học ĐH dẫn đến thành công. "Sau khi tốt nghiệp THPT, các em mới chỉ có kiến thức phổ thông nên cần trang bị các kỹ năng nghề nghiệp khác. Các em có thể lựa chọn trường nghề, ĐH nghiên cứu, ĐH thực hành. Hiện nay, kinh tế tăng trưởng, nhu cầu về nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 rất lớn nên các em đừng sợ thất nghiệp" - ông Tú trấn an.
Quan tâm ngành thời thượng
Em Hoàng Duy đến từ Trường THPT Quốc Học bày tỏ lo lắng ngành ngôn ngữ Anh sau 4 năm nữa liệu có nhiều cơ hội việc làm? ThS Nguyễn Văn Nhật, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo kinh tế tài chính ngân hàng, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới nên bất cứ ai cũng cần trang bị. "Vấn đề là em chọn trường nào phù hợp với sở thích hoặc giảng viên tiếng Anh hay phiên dịch tiếng Anh" - ông Nhật tư vấn.
Hoàng Anh, học sinh Trường THPT Quy Nhơn, quan tâm đến nhu cầu nhân lực ngành logistics. ThS Trần Đình Huyên, Trưởng Ban Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, cho rằng logistics và quản lý chuỗi cung ứng đang là ngành xu hướng mới hiện nay với nhu cầu nguồn nhân lực rất cao và giảng giải thêm: "Học ngành này, các em sẽ được trang bị kiến thức toàn bộ về quá trình từ lên kế hoạch, áp dụng, triển khai kiểm soát các luồng kiểm dịch hàng hóa, nguyên vật liệu đến khâu cuối cùng là người tiêu dùng; kiến thức liên môn liên quan đến quá trình triển khai việc giao nhận, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan...
Thí sinh Bình Định với những câu hỏi rất “hóc búa”, được ban tư vấn đánh giá thông minh, sắc sảo Ảnh: Quang Liêm
TS Nguyễn Phước Sơn, Trưởng Khoa Công nghệ may và Thời trang, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, bổ sung: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng hỗ trợ cho việc phân phối hàng hóa nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và cũng chính là yếu tố quan trọng tác động mạnh vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà. Tại Việt Nam, đặc biệt là ở TP HCM, nhu cầu về nhân lực ngành logistics hiện nay rất cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.
Tìm cơ hội tại chỗ
Khá nhiều câu hỏi trong chương trình gửi về Ban Tư vấn liên quan đến các ngành nghề tại địa phương. Sự lựa chọn của HS khiến các chuyên gia tuyển sinh đánh giá là sắc sảo, thực tế.
Với đặc thù là TP biển, khá nhiều câu hỏi của HS quan tâm đến ngành du lịch. Một HS hỏi: "Ba mẹ muốn em học ĐH nhưng em thích ngành bếp, vậy em học trường nào?". Hay như câu hỏi "nếu không học ĐH mà học CĐ ở địa phương thì chất lượng đào tạo ra sao?
Theo ThS Trần Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bình Định, ngay trong thời gian học, sinh viên sẽ học và làm việc trong doanh nghiệp. "Trong quá trình đó, doanh nghiệp nắm rõ năng lực, sở trường của sinh viên và có thể nhận các em làm việc ngay. Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp còn tùy thuộc vào năng lực của các em" - ông Bình nói.
Một HS đến từ Trường THPT Trưng Vương thẳng thắn: "Khi học du lịch xong, cơ hội việc làm cao không vì em cảm thấy muốn có việc phải chi tiền?" TS Hồ Hữu Thụy - Trưởng Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường ĐH Mở TP HCM - cho biết theo khảo sát của trường, tỉ lệ sinh viên ngành quản trị du lịch ra trường trong vòng 1 năm có việc làm là 93,55%. Con số này có thể không nói lên nhiều vì có việc làm phụ thuộc nhiều yếu tố như chất lượng người làm việc, nhu cầu thị trường.
"Chọn 1 ngành nào đó phải xuất phát từ đam mê nên nếu thích ngành du lịch thì em cứ mạnh dạn chọn. Trong thời gian học tập và làm việc em cần phải tận tụy với công việc" - ông Thụy khuyên.
ThS Nguyễn Sỹ Quỳnh, Phó Phòng Đào tạo Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, tư vấn thêm: "Riêng ngành du lịch, trường có cam kết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Hiện trường đã ký cam kết với hơn 1.500 sinh viên".
Trong khi đó, TS Lê Xuân Vinh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn, nhận định việc lựa chọn những ngành nghề có thế mạnh tại địa phương là lựa chọn đúng đắn. Bởi hiện nay, các trường ở Bình Định đào tạo theo hướng thích nghi để sinh viên ra trường có thể làm việc ngay.
"Đưa trường học đến thí sinh 2019" tại Khánh Hòa
Vào 8 giờ hôm nay (17-3), chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2019" sẽ diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa (Phân hiệu Trường ĐH Mở TP HCM ở thị xã Ninh Hòa). Chương trình được Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa truyền hình trực tiếp và Báo Người Lao Động tường thuật trực tuyến tại nld.com.vn.
Chương trình quy tụ hơn 2.000 HS các trường của thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, gồm: THPT Nguyễn Trãi, THPT Trần Cao Vân, THPT Tôn Đức Thắng, THPT Trần Quý Cáp, THPT Nguyễn Chí Thanh, THPT Lê Hồng Phong và Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp Ninh Hòa.
Ban tư vấn chương trình tại Khánh Hòa, gồm: TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam; PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Mở TP HCM; TS Đặng Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài Chính - Marketing; PGS-TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM; PTS-TS Trần Mạnh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng; TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM; ThS Trần Đình Huyên, Trưởng Ban Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2; TS Nguyễn Trọng Tuấn, Trưởng cơ sở An Phú Đông, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; TS Tô Văn Phương, Phụ trách Phòng Đào tạo, Trường ĐH Nha Trang; TS Phan Phiến, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo và Khảo thí Trường ĐH Khánh Hòa; ThS Nguyễn Sỹ Quỳnh, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn.
"Đưa trường học đến thí sinh 2019" do Báo Người Lao Động phối hợp với các sở GD-ĐT; các đài truyền hình; các trường ĐH, CĐ; các trường THPT tổ chức cùng các đơn vị đồng hành - tài trợ: Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ; Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền; Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank); Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang (Futa BusLines); Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần; Sun World Bà Nà Hills; cùng các đơn vị hỗ trợ: Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ:
Bình luận (0)