Học sinh có sự tập trung cao khi tham gia, đưa ra nhiều câu hỏi sâu, thể hiện sự nghiêm túc về định hướng nghề nghiệp, học tập. Đó là cảm nhận của các thành viên Ban Tư vấn trong chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2022 do Báo Người Lao Động tổ chức.
Hỏi hóc búa, giải đáp rõ ràng
Trong 4 chương trình được tổ chức tại Đồng Nai, Long An, Bình Thuận và Quảng Nam, những nét mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022 được đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thông tin thấu đáo, chính xác. Ngoài ra, thông tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm xét tuyển các tổ hợp truyền thống của 2 năm gần nhất; chiến lược phát triển kinh tế địa phương đã được các chuyên gia đến từ các ĐH lớn tại TP HCM, ĐH vùng và các ĐH địa phương cung cấp kịp thời nhằm định hướng cho học sinh trong việc chọn nghề, chọn ngành, chọn trường, chọn phương thức xét tuyển phù hợp.
Câu hỏi sắc sảo, đa dạng của học sinh các tỉnh cho thấy ngoài nhu cầu được cung cấp thông tin về những nét mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm thì học sinh quan tâm nhiều đến thông tin ngành nghề, chương trình đào tạo, phương thức xét tuyển của các trường ĐH - CĐ, học phí và cơ hội việc làm tại địa phương.
Học sinh Long An đặt câu hỏi cho ban tư vấn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Các ngành mới được thí sinh quan tâm như digital marketing, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, quy hoạch đô thị, công nghiệp ôtô, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, tâm lý học… Qua đây chứng tỏ các em nắm bắt nhanh và nhạy bén trong lựa chọn ngành nghề. Học sinh cũng đặc biệt quan tâm các ngành mũi nhọn và ngành phù hợp với quy hoạch phát triển tại địa phương, cơ hội việc làm tại quê nhà.
TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, thành viên ban tư vấn của chương trình - đánh giá học sinh đặt nhiều câu hỏi hay, có chiều sâu và rõ ràng, làm nổi bật được những nội dung liên quan công tác thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Một số câu hỏi khá hóc búa. Ngoài việc giải đáp, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều lời khuyên rất bổ ích.
Giáo viên được nâng cao kiến thức
TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM, thành viên ban tư vấn - cho rằng về xu thế chọn ngành, đa số các em định hình ngành nghề phụ thuộc vào định hướng của giáo viên và các buổi tư vấn tuyển sinh, cho nên mức tự tin về sự lựa chọn của bản thân các em chưa cao. Về thông tin tuyển sinh, kỹ thuật xét tuyển, học sinh cũng chưa nắm chắc. Vì vậy, tại các địa phương, chương trình đã tổ chức những buổi tập huấn, hoạt động bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức hướng nghiệp dành cho giáo viên rất có ý nghĩa.
Là chuyên gia đứng lớp hướng nghiệp cho giáo viên, TS Lê Thị Thanh Mai cho biết chương trình đã tiếp cận gần 1.000 giáo viên của 4 tỉnh. Khi kể về những hoạt động hướng nghiệp - tư vấn tuyển sinh mà nhà trường đã tổ chức cho học sinh thì có hơn 70% là các hoạt động tư vấn tại lớp, tại trường, tham quan doanh nghiệp và mời các trường ĐH, CĐ về tư vấn cho học sinh. Tuy nhiên, hầu hết các giáo viên kiêm nhiệm đều quá tải khi ngoài công việc chuyên môn kiêm luôn công tác hướng nghiệp. Việc tiếp cận công cụ hỗ trợ công tác hướng nghiệp chỉ dừng ở mức khá khiêm tốn là 10,5% trong số các ý kiến phản hồi. "Giáo viên rất tâm đắc với các chuyên đề bồi dưỡng vì bổ trợ cho giáo viên thông tin và kiến thức, kinh nghiệm khi tổ chức các buổi tư vấn cho học sinh" - TS Lê Thị Thanh Mai đánh giá.
TS Lê Thị Thanh Mai trao đổi với giáo viên tỉnh Quảng Nam. Ảnh: HẢI ĐỊNH
Qua khảo sát với giáo viên cũng cho thấy các trường ĐH, CĐ cần tiếp tục tăng cường thông tin về trường trên website và các ấn phẩm truyền thông.
Khó khăn khác mà giáo viên gặp phải là cần được trang bị thông tin có tính hệ thống phục vụ hoạt động hướng nghiệp, chính sách đối với một số ngành nghề, ví dụ sư phạm, công an, quân đội, du lịch, công nghệ thông tin, kinh tế số… Vì vậy, giáo viên cần được tập huấn, bồi dưỡng thông tin tư vấn tuyển sinh hằng năm 42,7%, cần chuyên gia hỗ trợ qua tọa đàm với phụ huynh học sinh 29%...
"Điều này cho thấy chương trình tập huấn hằng năm rất có ý nghĩa với giáo viên, đặc biệt là thông tin về tuyển sinh, ngành nghề và xu thế tuyển dụng. Vì vậy, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" 2022 thực sự có ý nghĩa khi đưa được thông tin hướng nghiệp tới cả giáo viên và học sinh" - TS Lê Thị Thanh Mai đánh giá.
TS PHẠM NHƯ NGHỆ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT:
Rất ý nghĩa
"Đưa trường học đến thí sinh" do Báo Người Lao Động tổ chức trong suốt hơn 20 năm qua, là chương trình thật sự có ý nghĩa khi các em sắp kết thúc giai đoạn phổ thông để bước vào giai đoạn mới với nhu cầu chọn nghề, chọn ngành, chọn trường để học tập. Chương trình sẽ giúp học sinh tương tác trực tiếp với các trường để có thêm thông tin.
Ông NGUYỄN QUANG THÁI, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An:
Giúp học sinh chọn đúng nghề
Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" do Báo Người Lao Động tổ chức đã giúp các bậc phụ huynh, học sinh nắm bắt kịp thời, chính xác những thông tin liên quan kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH, CĐ; đồng thời bồi dưỡng kiến thức tư vấn hướng nghiệp cho đội ngũ thầy cô giáo. Rất nhiều thí sinh nhờ chương trình đã chọn được ngành nghề đúng với năng lực.
UBND tỉnh Long An và Sở GD-ĐT đặc biệt quan tâm đến vấn đề tư vấn tuyển sinh nên rất ủng hộ kế hoạch của Báo Người Lao Động với cách làm sáng tạo, hiệu quả, đã hỗ trợ chuyên môn rất nhiều cho các trường THPT trong tỉnh. Chương trình với sự đồng hành của ban tư vấn tuyển sinh đã giải đáp thấu đáo nhiều câu hỏi của học sinh liên quan ngành nghề, chế độ học phí, ưu đãi học tập, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp...
ThS PHÙNG QUÁN, chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM:
Lan tỏa rộng
Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" của Báo Người Lao Động đã giúp các học sinh THPT có những thông tin chính xác, cần thiết nhất trong việc chọn nghề, chọn ngành và chọn trường phù hợp để các em tìm hướng đi đúng đắn cho tương lai. Chương trình này cũng giúp các em hiểu rõ những quy định mới trong việc xét tuyển của các trường ĐH, CĐ.
Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình các tỉnh, trên website đã lan tỏa rộng, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận thông tin. Đồng thời, chương trình cũng tặng nhiều suất học bổng cho học sinh khó khăn, nghèo, hiếu học, điều này rất đáng quý.
Huy Lân ghi
THƯ CẢM ƠN
Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2022 của Báo Người Lao Động đã được tổ chức thành công tại 4 tỉnh: Đồng Nai, Long An, Bình Thuận và Quảng Nam. Song song với chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho học sinh là các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hướng nghiệp cho giáo viên làm công tác kiêm nhiệm hướng nghiệp ở các trường THPT.
Ban Tổ chức chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, phối hợp tổ chức của Bộ GD-ĐT; UBND, Sở GD-ĐT, Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh: Đồng Nai, Long An, Bình Thuận, Quảng Nam. Cảm ơn các điểm trường đăng cai tổ chức chương trình tại địa phương.
Báo Người Lao Động cũng chân thành cảm ơn ĐHQG TP HCM và các trường ĐH thành viên; ĐH Đà Nẵng và các trường ĐH thành viên; Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, Trường ĐH Mở TP HCM, Trường CĐ Nova, Trường ĐH Đồng Nai, Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng); Trường ĐH Quảng Nam, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng... đã tham gia tư vấn cho các em học sinh.
Cảm ơn các đơn vị đồng hành, tài trợ: Công ty CP Phân bón Bình Điền, Công ty CP Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sun Group), Trường CĐ Nova (Nova College), Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM và Công ty CP Uniben.
Ban Tổ chức
Bình luận (0)