xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 22 - 2023: Tìm cơ hội việc làm phù hợp đặc thù TP HCM

Đặng Trinh - Huy Lân

Học sinh TP HCM có sự quan tâm sâu sát từng ngành nghề cụ thể, so sánh cơ hội việc làm giữa các ngành trong tương lai nên đặt những câu hỏi sắc sảo đến ban tư vấn

Sáng 2-4, hơn 1.500 học sinh (HS) đến từ nhiều trường THPT tại TP HCM đã tham dự chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2023 do Báo Người Lao Động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, Trường THPT Hùng Vương (quận 5) tổ chức. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV Key - Đài Truyền hình TP HCM.

Cân nhắc để có lựa chọn thông minh

Ngay từ sáng sớm, vượt quãng đường xa xôi từ TP Thủ Đức, hơn 200 HS và giáo viên Trường THPT Dương Văn Thì, Trường THPT Thủ Đức đã có mặt để được nghe tư vấn. Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì, cho biết nhà trường mong muốn các em có thêm kiến thức về ngành nghề, được tư vấn kỹ càng hơn trước kỳ thi quan trọng. "Đây là quyền lợi của các em mà nhà trường luôn tạo điều kiện" - cô Trúc nhấn mạnh.

Không có những câu hỏi mơ hồ, ngay từ khi chương trình bắt đầu, hàng loạt câu hỏi sắc sảo được gửi đến các thành viên ban tư vấn.

Một HS Trường THPT Hùng Vương hỏi ngành truyền thông đa phương tiện và quan hệ công chúng ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo cụ thể ra sao? Học xong có thể làm việc ở đâu khi nhiều trường đào tạo nhưng cơ hội việc làm không nhiều như trước?

TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng chọn ngành nghề đúng có thể giúp các em mỗi ngày đi làm là một ngày vui, hứng khởi; ngược lại, nếu không đúng sẽ trở thành áp lực mỗi ngày. Vì vậy, các em khi đã quyết tâm chọn ngành nào rồi thì tìm hiểu những trường nào đào tạo, sau đó cân nhắc xem điểm thi của mình có thể vào được trường không, khả năng tài chính của mình có đáp ứng? Khi có lựa chọn thông minh rồi thì tập trung ôn thi cho tốt để có "điểm rơi phong độ" tốt nhất trong kỳ thi.

Ông Phương cho biết hiện nay, ngành truyền thông và quan hệ công chúng là 2 ngành phụ trách việc mang lại hình ảnh tích cực nhất cho doanh nghiệp. Nhấn mạnh đến cơ hội việc làm vô cùng rộng mở, ông thông tin rất nhiều cơ quan, tổ chức cần nhân sự của ngành này. Kể cả các chính trị gia cũng cần phải làm truyền thông, xây dựng hình ảnh cá nhân.

So sánh kỹ càng 2 ngành nghề, một HS Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5) đặt câu hỏi: Nên chọn thương mại điện tử hay thương mại quốc tế? HS này theo tổ hợp toán - lý - Anh, vậy nên vào ngành nào phù hợp?

ThS Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh - Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU), giải đáp: Ngành nào tốt hơn do các em lựa chọn dựa trên sự phù hợp. Thí sinh cần xác định rõ năng lực, sở trường ở đâu để quyết định. Các em cần nghiên cứu nhiều, đọc các yêu cầu tuyển dụng ở vị trí này. Hãy xem kỹ năng lực của mình ở đâu để có sự lựa chọn phù hợp nhất.

Theo ông Tư, thương mại điện tử và thương mại quốc tế khác nhau. Chúng ta đang sống trong thời đại số, ngoài việc mua hàng trực tiếp từ các cửa hàng còn có xu hướng mua online. Thương mại điện tử cần kiến thức kinh doanh, công nghệ thông tin, quản trị. "Hiện nay, tính liên ngành rất cao nên cả 2 ngành đều có cơ hội làm việc ở nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Các trường luôn thay đổi chương trình đào tạo để bắt kịp xu hướng xã hội" - ông cho biết.

“Đưa trường học đến thí sinh lần thứ 22 - 2023: Tìm cơ hội việc làm phù hợp đặc thù TP HCM - Ảnh 1.

Học sinh đặt câu hỏi cho Ban Tư vấn tại chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” năm 2023 diễn ra tại TP HCM sáng 2-4. Ảnh: TẤN THẠNH

Học xong làm gì ở TP HCM?

HS đã đặt hàng loạt câu hỏi về cơ hội việc làm sau khi ra trường, nhất là những ngành nghề phù hợp với TP HCM năng động.

Một HS Trường THPT Thủ Đức hỏi về cơ hội việc làm ngành công nghệ sinh học; Trường ĐH Mở TP HCM có bao nhiêu chuyên ngành, có thể làm việc ở đâu sau khi ra trường? TS Lê Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho hay ngành công nghệ sinh học của trường có 3 chuyên ngành: Sinh học trong nông nghiệp, y học, thực phẩm. Dựa vào 3 chuyên ngành đó, các em có thể định hướng nghề nghiệp. Đây là ngành khá vất vả và khá kén chọn thí sinh.

Một HS Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An hỏi học ngành quản lý bệnh viện của Trường ĐH Hùng Vương làm việc được ở đâu? Theo ThS Nguyễn Thị Mai Bình, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo - Trường ĐH Hùng Vương TP HCM, ngành này được trường đào tạo từ năm 1996 đến nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp đang làm việc tại các bệnh viện.

Theo ThS Bình, đối với ngành học này, các em sẽ có kiến thức về quản trị, quản trị nhân sự, chiến lược... Các em sẽ học về quản trị y dược, đấu thầu. Ngoài ra, các em có 8 tuần thực tập, kiến tập tại bệnh viện. Riêng về cơ hội việc làm, nhà trường sẽ giới thiệu việc làm, tập huấn kỹ năng cho sinh viên nhưng vẫn phụ thuộc vào chính bản thân các em nhiều nhất. Hiện nay, đa số sinh viên tốt nghiệp làm ở phòng tổ chức hành chính, công tác xã hội các bệnh viện.

Đi thẳng vào thực tế, một HS Trường THPT Dương Văn Thì thắc mắc nhiều anh chị học ĐH ra đôi khi vẫn thất nghiệp, vậy em học CĐ thì có cơ hội việc làm không?

Ông Lưu Văn Toàn, Trưởng Bộ phận Tuyển sinh chính quy - Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, nhận xét việc chọn ngành, trường nào tùy thuộc vào sự phù hợp với khả năng, sở trường của các em. Các trường ĐH lẫn CĐ luôn đổi mới chương trình đào tạo với các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao để sinh viên dễ dàng tìm kiếm việc làm. Riêng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn đã ký với nhiều doanh nghiệp để tạo việc làm cho sinh viên.

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho rằng thống kê sinh viên có việc làm chỉ là ở thời điểm 3 tháng, 6 tháng sau khi tốt nghiệp nhưng việc làm là cơ hội cả cuộc đời. Các em không nên lo lắng học CĐ hay ĐH mà hãy quan tâm chọn ngành nào phù hợp.

Theo bà Thủy, nhiều HS khi tốt nghiệp THPT không chọn học tiếp mà đi làm thì cơ hội nghề nghiệp rất hạn chế và không có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Dù là học ĐH hay CĐ thì các em phải không ngừng nâng cao kiến thức, học tập suốt đời. Hãy luôn cố gắng để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình đã chọn. 

Kênh thông tin bổ ích cho học sinh TP HCM

Dự chương trình, TS Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng HS hiện nay có nhiều điều kiện tiếp xúc thông tin nhưng kênh tiếp xúc trực tiếp với đội ngũ chuyên gia tuyển sinh là kênh thông tin bổ ích nhất.

Ông Hiếu nhấn mạnh chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" do Báo Người Lao Động tổ chức là điều kiện, cơ hội để HS tiếp xúc trực tiếp với đội ngũ chuyên gia tuyển sinh và các thầy cô đến từ nhiều trường ĐH. "Qua đó, các em có thêm thông tin để chọn chính xác ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường" - ông Hiếu nhấn mạnh.

Thông tin nhiều điểm mới trong kỳ tuyển sinh ĐH 2023

Tham gia chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2023 tại TP HCM, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, nhận được rất nhiều câu hỏi của HS. Nhiều vấn đề đã được bà giải đáp cặn kẽ.

Thông tin tại chương trình, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy cho biết Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch tuyển sinh. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống.

Năm nay, thí sinh đăng ký hoàn toàn trực truyến trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Thí sinh lưu ý phải theo dõi kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH nếu có đăng ký xét tuyển sớm. Tất cả nguyện vọng, phương thức xét tuyển đều phải đăng ký từ ngày 10 đến 17 giờ ngày 30-7.

Trong thời gian đăng ký nguyện vọng, thí sinh được điều chỉnh không giới hạn số lần. Thí sinh nộp lệ phí xét tuyển, sắp xếp các thứ tự nguyện vọng ưu tiên. Lưu ý, thí sinh không nên đăng ký chỉ một nguyện vọng để tránh rủi ro nhưng cũng không nên đăng ký quá nhiều. Thí sinh sẽ nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến từ ngày 31-7 đến 17 giờ ngày 6-8.

Thí sinh chỉ có thể trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất. Việc lọc ảo này nhằm tạo cơ hội cho thí sinh khác có cơ hội trúng tuyển. Sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh phải xác nhận nhập học trực tiếp, hoàn thành trước 17 giờ ngày 6-9.

. PGS-TS NGUYỄN THU THỦY, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT:

9-3

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy trả lời câu hỏi của thí sinh TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Học sinh trưởng thành trước mùa thi

Những câu hỏi của học sinh (HS) trong chương trình thể hiện các em rất trưởng thành và cũng đã biết tự chuẩn bị cho mình những hành trang trên con đường lựa chọn được nghề nghiệp, lĩnh vực ngành nghề đào tạo mà mình muốn theo đuổi.

Những câu hỏi của nhiều HS rất thông minh, thể hiện các em đã có sự chuẩn bị và tìm tòi thông tin trước khi đến với buổi tư vấn này, tức là bản thân các em rất có kiến thức. Với sự bùng nổ về thông tin hiện nay thì việc định hướng cho các em là rất quan trọng, giúp lựa chọn những thông tin đúng, thông tin hữu ích. Bởi lẽ, rõ ràng là với nhiều luồng thông tin thì các em có thể sẽ bị nhiễu, nhiều khi còn cả những thông tin sai lệch, thông tin truyền thông không đúng đắn về đào tạo ĐH và CĐ làm các em mất đi động lực học tập.

Điều mà Bộ GD-ĐT rất mong muốn truyền tải trong buổi tư vấn là để các em có được phương pháp học. Tâm thế học tập suốt đời là phải có sự trau dồi kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm ngay từ trên ghế nhà trường; không phải chỉ dừng lại ở tấm bằng ĐH hay CĐ mà phải hướng cho các em phương pháp học tập hôm nay để các em còn tiến xa hơn nữa. Các em phải tiếp tục học, có thể không phải vì bằng cấp mà vì nhu cầu rất thiết yếu để đáp ứng được sự phát triển của khoa học - công nghệ, sự biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội rất mạnh mẽ trong thời đại này.

. TS NGUYỄN QUỐC CHÍNH, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM:

9-1

TS Nguyễn Quốc Chính tư vấn cho học sinh tại chương trình. Ảnh: TẤN THẠNH

Đừng quá lo lắng vì lựa chọn sai!

Các câu hỏi trong chương trình thể hiện sự sâu sắc về ngành, tức là HS đã nghiên cứu và các em muốn có những ý kiến khuyên bảo, hỗ trợ thêm dựa trên định hướng của mình. Đây là sự khác biệt so với những chương trình trước.

Ở những chương trình trước, nhiều HS còn mông lung khi chọn ngành nghề. Nhưng trong chương trình này thì rất cụ thể, các em đang hướng vào ngành này, ngành kia và cần thầy cô cho lời khuyên… Đây là điều mà tôi đánh giá cao.

Thêm nữa, HS đã bắt đầu quan tâm đến sự liên ngành khi cảm thấy rằng một ngành không đủ đáp ứng nhu cầu xã hội. Đây cũng là một vấn đề mà các trường ĐH, CĐ cần lưu ý.

Hôm nay, có những câu hỏi liên quan đến việc phân cấp của các hệ đào tạo. Năm nay có rất nhiều câu hỏi về CĐ, như có nên học CĐ hay không; yêu cầu làm việc sau khi học CĐ và ĐH khác nhau thế nào, khả năng liên thông ra sao?… Rõ ràng là các em có sự quan tâm không chỉ đến ĐH mà còn đến hệ đào tạo khác nữa. Đây là những câu hỏi mang tính chuyên môn cao hơn so với các câu hỏi khác.

Khi học xong phổ thông, học CĐ hay ĐH thực ra cũng chỉ là bước cơ bản để tạo điều kiện làm việc trong thế giới việc làm. Thế giới việc làm thay đổi cực nhanh. Vì vậy, có thể các em chọn một ngành và sau đó đi làm đúng công việc đã học nhưng không còn phù hợp nữa. Thực ra, các em phải hiểu được rằng mình học để có được nền tảng cần thiết, để thích ứng với yêu cầu của xã hội vốn liên tục thay đổi.

Lời khuyên của chúng tôi với các em là hãy hiểu rằng lựa chọn bây giờ không phải là lựa chọn cuối cùng của cuộc đời. Lựa chọn này càng chính xác càng tốt nhưng nó có thể đi hơi xa công việc mà các em sẽ làm sau này. Mẫu số chung là nếu chọn những môi trường phù hợp thì các em có khả năng phát triển và có thể học tập suốt đời. Vào ĐH rồi, có thể các em sẽ cảm thấy mình phù hợp với ngành này hay ngành khác, có khả năng học liên thông, có khả năng học song bằng hay học đa ngành. Sau khi ra trường, các em có khả năng phát triển dựa vào bối cảnh của xã hội cũng như vào nền tảng của mình.

Nói chung, trường ĐH cung cấp một nền tảng cơ bản. Các em có thể lựa chọn sai vào ĐH nhưng hoàn toàn có khả năng điều chỉnh trong quá trình học cũng như trong quá trình đi làm. Học tập suốt đời là như thế. Đừng quá lo lắng rằng mình sẽ lựa chọn sai bởi rất nhiều người có thể chọn sai, bởi thị trường lao động việc làm biến động liên tục mà chúng ta không dự đoán trước được. Thành ra, hãy cứ đam mê, hãy cứ dại khờ - như Steve Jobs đã nói.

Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần 22 , năm 2023 có sự tài trợ của các đơn vị:

- Công ty CP Phân bón Bình Điền

- Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank)

- Tập đoàn Vingroup

- Công ty CP Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sungroup)

- Trường Đại học Văn Hiến

- Công ty CP Uniben

Các trường đồng hành tại TP HCM

- Trường ĐH Tài chính - Marketing

- Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU)

- Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

- Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn

- Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM

- Trường ĐH Mở TP HCM

- Trường ĐH Hùng Vương.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo