xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Đưa trường học đến thí sinh" tại Quảng Trị: Hóa giải nhiều vấn đề sát sườn

HUY LÂN - ĐẶNG TRINH

Trong chương trình, học sinh đặt hàng trăm câu hỏi bày tỏ sự băn khoăn về những vấn đề sát sườn như chọn nghề, học phí, việc làm, kinh nghiệm làm việc…

Ngày 19-3, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" - lần 22 năm 2023 do Báo Người Lao Động tổ chức diễn ra tại Trường THPT Đông Hà, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị với sự tham gia của 1.200 học sinh khối 12 các trường THPT trên địa bàn. Ban tư vấn gồm các thành viên đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và các trường ĐH, CĐ khu vực Huế, Đà Nẵng và TP HCM.

Chọn ngành mình giỏi hay ngành phù hợp?

Một học sinh đến từ Trường THPT Lê Lợi đặt câu hỏi đến TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), rằng hiện các trường có nhiều phương thức xét tuyển thì phương thức nào có lợi cho thí sinh nhất? Trả lời câu hỏi này, TS Phạm Như Nghệ cho biết hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển khác nhau nhưng từ năm 2023, thí sinh chỉ cần đăng ký ngành và trường chứ không phải lựa chọn phương thức, tổ hợp... như những năm trước. Trường có bao nhiêu phương thức thì phải xét tuyển cho thí sinh. Thí sinh phải cung cấp dữ liệu của mình trên hệ thống để các trường có dữ liệu xét tuyển.

Đưa trường học đến thí sinh tại Quảng Trị: Hóa giải nhiều vấn đề sát sườn - Ảnh 1.

Tiến sĩ Bùi Văn Viễn - Trưởng Khoa Quản Trị Kinh doanh, Trường ĐH Đông Á trả lời thêm các câu hỏi của thí sinh .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một học sinh đến từ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn băn khoăn trong chọn nghề giữa ngành em giỏi hay ngành đam mê?. TS Phạm Như Nghệ trả lời nếu em chọn ngành đam mê nhưng không giỏi thì khó làm việc, còn em chọn nghề mình giỏi nhưng không đam mê thì cũng khó duy trì công việc. TS Trần Đình Lý bày tỏ nếu ngành em chọn đáp ứng được cả 2 là tuyệt vời. Các trường đều mong muốn tuyển được những thí sinh chọn được ngành nghề phù hợp. Nếu chọn nghề không phù hợp thì mình không bỏ nghề, nghề cũng bỏ mình.

Em Linh Giang, Trường THPT Đông Hà nói ngành công nghệ thông tin đang rất "hot" nhưng liệu 4 năm tới khi em ra trường có dễ tìm việc? Con gái có lợi thế, bất lợi gì khi học ngành này? TS Bùi Văn Viễn, Trưởng Khoa Quản Trị Kinh doanh, Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng), trả lời chọn ngành nào cần xuất phát từ đam mê, sự phù hợp. Ngành công nghệ thông tin không là ưu thế của nam hay nữ nếu bạn thấy phù hợp thì nên học.

Trả lời câu hỏi của một học sinh Trường THPT Đông Hà rằng nên học ngành marketing hay công nghệ thông tin vì hai ngành này đang "hot", TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, khẳng định không có ngành "hot", nếu có thì chỉ có trong một giai đoạn rất ngắn. Các bạn hãy làm cho mình "hot", "hot" trước nhà tuyển dụng. Đó là các bạn có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng.

Quan tâm chi phí học và việc làm sau tốt nghiệp

Tại chương trình, nhiều học sinh đặt câu hỏi quan tâm về cơ hội việc làm, kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; rồi đối với ngành luật nên học gần nhà hay học ở thành phố lớn…

Theo TS Trương Thị Tường Vi, Khoa Chính trị - Luật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cơ hội việc làm của ngành luật rất rộng. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm luật sư, làm việc ở các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát… cũng có thể sử dụng kiến thức luật để kinh doanh… "Học gần nhà giúp bạn tiết kiệm chi phí, còn đi xa giúp bạn tăng tính tự lập và tiến bộ hơn" - TS Vi nói. TS Nguyễn Sơn Hà, Trưởng Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục Trường ĐH Luật - ĐH Huế, cho rằng khi học luật, nhiều người thường nghĩ mình sẽ làm luật sư nhưng không hoàn toàn như vậy.

Liên quan cơ hội việc làm ở ngành kế toán và quản trị kinh doanh, TS Cao Thị Cẩm Vân - Trưởng ngành kế toán, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn - cho hay hiện nay, kế toán và quản trị kinh doanh được xem là ngành truyền thống. Nhưng cơ quan nào cũng có bộ phận kế toán, kinh tế càng phát triển thì nhu cầu tuyển dụng đối với bộ phận kế toán cũng tăng theo.

Nhiều câu hỏi của học sinh đề cập về hành trang trên con đường lập nghiệp và làm gì để có kinh nghiệm khi đang là sinh viên… ThS Nguyễn Đỗ Tùng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Văn Hiến - giải thích kiến thức - kỹ năng - phẩm chất - năng lực cốt lõi là những yêu cầu quan trọng trong quá trình lập nghiệp. Người học có thể chọn bắt đầu từ đâu, có nghiêm túc hay không. Sự lựa chọn đôi khi khó nói đúng hay sai, quan trọng là khi sai thì làm lại.

Cô Nguyễn Hoàng Tiên - Phó Giám đốc Tuyển sinh Truyền thông Hệ thống Giáo dục Đại Việt Sài Gòn - khuyên các em cần xác định ngành nghề nào, bậc học nào phù hợp với bản thân. TS Nguyễn Đình Khiêm, Phó trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng trong xu hướng khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, việc cập nhật kiến thức là cực kỳ quan trọng. Ở các trường ĐH, trong đó có ĐH Nguyễn Tất Thành, luôn tăng cường thời lượng thực hành, thực nghiệp cho sinh viên. Do vậy, thí sinh yên tâm rằng luôn có 1/3 thời lượng chương trình cho thực hành, thực tập. 

Giúp học sinh chọn nghề, chọn ngành

TS Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết những năm qua, chỉ có khoảng 50% học sinh của tỉnh sau khi tốt nghiệp THPT tiếp tục theo học ĐH, CĐ. Vì vậy, công tác tư vấn tuyển sinh rất có ý nghĩa.

Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" của Báo Người Lao Động mang ý nghĩa thiết thực, diễn ra rất đúng thời điểm, vào lúc cần có các thông tin cập nhật về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ để học sinh đưa ra những quyết định, lựa chọn quan trọng. Công tác tư vấn sẽ giúp các học sinh có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản trong việc lựa chọn ngành học, trường học trong tương lai phù hợp khả năng, năng lực, sở thích, sở trường, nhu cầu thị trường lao động...

Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2023 tại Quảng Trị nhận được sự tài trợ, đồng hành của các đơn vị:

- Công ty CP Phân bón Bình Điền

- Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank)

- Tập đoàn Vingroup

- Công ty CP Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sun Group)

- Trường ĐH Văn Hiến

- Công ty CP Uniben

. Các trường đồng hành:

- Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU)

- Trường ĐH Tài chính - Marketing

- Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn

- Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM

- Trường ĐH Công nghiệp TP HCM

- Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

- Trường ĐH Đông Á

Bồi dưỡng kiến thức hướng nghiệp cho hơn 200 GV

Chiều 19-3, trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2023 tại tỉnh Quảng Trị, Báo Người Lao Động phối hợp với các chuyên gia giáo dục tổ chức buổi bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp cho hơn 200 giáo viên (GV) THPT trên địa bàn.

Tại chương trình, ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết hiện nay, trong chương trình giáo dục trung học, công tác hướng nghiệp được thực hiện thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện, đa phần phụ huynh và học sinh có sự đầu tư nhất định cho việc tìm hiểu và định hướng chọn nghề. Tuy nhiên, ở khía cạnh chung, công tác hướng nghiệp hiện nay trong học sinh chủ yếu còn ở phần ngọn, chưa sâu rộng và đồng bộ.

Thậm chí, có địa phương học sinh không chú trọng đến hướng nghiệp chọn nghề mà chỉ cốt đậu ĐH. Chính vì vậy, các em rất dễ chọn sai và hệ lụy là bị đào thải, khó tìm được việc làm sau khi ra trường. Vì vậy, việc Báo Người Lao Động tổ chức buổi bồi dưỡng kiến thức hướng nghiệp nêu trên là hết sức thiết thực.

Đ.Trinh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo