Sáng 1-11, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, cho biết đã chỉ đạo Trường THPT Nguyễn Trãi (đường Lê Hoàn, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) thu hồi các quyết định đuổi học đối với 7 học sinh lớp 10 của trường này do có hành vi nói xấu thầy cô giáo trên Facebook.
Xử phạt quá nặng
Theo bà Hằng, sau khi nhận được báo cáo của Trường THPT Nguyễn Trãi và đơn kiến nghị của phụ huynh học sinh, sở đã cho các đơn vị chuyên môn xuống trường nắm lại toàn bộ vụ việc. "Qua rà soát lại quy trình xử lý kỷ luật, sở nhận thấy việc đuổi học 7 học sinh của Trường THPT Nguyễn Trãi là hơi nóng vội, hình thức kỷ luật quá nặng nên đã chỉ đạo nhà trường thu hồi lại toàn bộ quyết định kỷ luật. Đồng thời, yêu cầu nhà trường phải lập tức thông báo cho những học sinh trên đến trường học bình thường vào ngày 2-11" - bà Hằng thông tin.
Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa), nơi xảy ra sự việc 7 học sinh bị đuổi học vì nói xấu giáo viên Ảnh: THANH TUẤN
Cũng theo bà Phạm Thị Hằng, sau khi thu hồi quyết định kỷ luật, sở cũng chỉ đạo nhà trường rà soát lại toàn bộ quy trình xử lý kỷ luật học sinh, tùy theo các mức độ hành vi sai phạm của học sinh để đưa ra các hình thức kỷ luật theo đúng quy định. Ngoài ra, sở cũng yêu cầu nhà trường giải trình, làm rõ trách nhiệm của tập thể cá nhân. Khi được hỏi về việc thu hồi điện thoại, đọc tin nhắn riêng tư của học sinh đang gây tranh cãi trong dư luận, nhiều người cho rằng đấy là hành vi "xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại", bà Hằng cho biết đang xác minh vấn đề này.
Làm việc với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bùi Nguyên Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, cho biết việc kỷ luật các học sinh được nhà trường căn cứ theo Thông tư 08/TT ngày 21-3-1988 về hướng dẫn khen thưởng và kỷ luật học sinh các trường THPT. "Sự việc bắt nguồn từ ngày 1-10, khi em Đ.M.Tr (học sinh lớp 10A5) sử dụng điện thoại di động trong giờ học nên bị cô giáo bộ môn thu, sau đó giao lại cho cô Đ.T. B (giáo viên chủ nhiệm). Đến chiều cùng ngày, cô B. tới trực ở trường thì thấy trên màn hình điện thoại của em Tr. (điện thoại không khóa màn hình) hiện cuộc nói chuyện từ tài khoản có tên là "Động cô B.", cuộc nói chuyện với nội dung bêu xấu thầy cô, nhà trường. Thậm chí, nhiều em còn có lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa" - ông Tiến thông tin.
Theo ông Tiến, nhà trường đã mời phụ huynh học sinh lên trao đổi về sự việc để chấn chỉnh lại các em. Tuy nhiên, trong thời gian khoảng 10 ngày, nhóm học sinh này không tỏ ra ăn năn, trong giờ học vẫn bị ghi sổ đầu bài. "Để tạo kỷ cương và cảnh báo hơn 1.000 học sinh trong trường, hội đồng kỷ luật đã họp và đưa ra hình thức cảnh cáo 1 em và đuổi học 7 em, trong đó có 3 em bị đuổi học 1 năm, 4 em bị đuổi học 1 tuần. Kỷ luật các em, chúng tôi cũng đau xót lắm nhưng không còn cách nào khác bởi đây là nhóm học sinh cá biệt của lớp này" - ông Tiến nói.
Vội vã, tùy tiện
Sau khi có thông tin về án kỷ luật đuổi học 7 học sinh trên, nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục đã bày tỏ quan điểm.
Cô Văn Trịnh Quỳnh An, giáo viên Trường THPT Gia Định (TP HCM), cho rằng việc đình chỉ 1 năm học với 3 học sinh nói xấu thầy cô là quyết định vội vã. "Một hội đồng kỷ luật thường sẽ gồm: Đại diện ban giám hiệu nhà trường, đại diện hội cha mẹ học sinh, các giáo viên liên quan... Chừng ấy người lớn, phải chăng đang xuống tay với 3 đứa trẻ để hả cơn giận dữ vì chúng xúc phạm mình? Chúng ta liệu có đang xử lý những vấn đề dựa trên sự nóng giận mà quên mất việc đánh giá hậu quả của "bản án" lên cuộc đời các em - những đối tượng thực sự cần giáo dục, uốn nắn?" - cô An bày tỏ và nhấn mạnh trường học không chỉ dành cho học sinh ngoan mà ở đó có cả học sinh cá biệt.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Đức Danh, Trưởng Khoa Khoa học Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP HCM, đuổi học là phương án bất đắc dĩ phải sử dụng khi các hình thức kỷ luật khác như khiển trách, cảnh cáo không còn tác dụng răn đe… Do đó, cần cân nhắc các hình thức khác trước khi quyết định đuổi học chứ không thể tùy tiện. TS Danh cho rằng đối với trẻ, đặc biệt là tuổi mới lớn thích nổi loạn, nhà trường vẫn là môi trường tốt nhất giúp hình thành, rèn luyện nhân cách. "Khi trẻ ở lại trường học thêm một ngày, học được thêm một chữ vẫn tốt hơn ra ngoài xã hội vốn nhiều cạm bẫy. Đặc biệt, những đứa trẻ có những hành vi xấu cần được giữ ở môi trường tốt để được trui rèn, sửa chữa" - TS Danh nhận định.
Xâm phạm quyền riêng tư có thể bị phạt
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng trong câu chuyện trên, cô giáo đã xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Theo luật sư Hậu, điện thoại là tài sản cá nhân, việc lấy điện thoại của học sinh phải hỏi ý kiến. Cô giáo đọc tin nhắn của các em là xâm phạm quyền riêng tư.
Luật sư Võ Đan Mạch cũng cho rằng xem tin nhắn của học sinh khi chưa được các em đồng ý thì cho dù vô tình hay hữu ý cũng là điều khó có thể chấp nhận được từ cả góc độ đạo đức lẫn quy định pháp luật. Theo quy định của pháp luật, quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Bộ Luật Hình sự 2015 quy định tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Bình luận (0)