Nghị định 116/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (SP) có hiệu lực từ ngày 15-11-2020 quy định sinh viên SP được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học.
Sinh viên sư phạm được cấp 3,63 triệu đồng/tháng
Ngoài học phí, nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.
Năm 2020, điểm sàn khối ngành sư phạm chỉ 18 trong khi điểm sàn khối ngành sức khỏe có 3 mức: 19 - 21 - 22 điểm. Nhiều năm qua, điểm sàn, điểm chuẩn khối ngành SP ở nhiều trường luôn thấp hơn khối ngành sức khỏe dù sinh viên SP được miễn học phí.
Môi trường làm việc tốt cũng là yếu tố thu hút người học vào trường sư phạm. Ảnh: TẤN THẠNH
Chính sách miễn học phí cho sinh viên SP trong thời gian tới và cấp sinh hoạt phí với mức 3,63 triệu đồng/tháng từ khóa tuyển sinh năm 2021 trở đi được đánh giá là nhằm thu hút nhân tài và ít nhiều có tác dụng. TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng chính sách miễn học phí rồi cấp sinh hoạt phí có tác dụng thu hút học sinh giỏi vào ngành SP vì xã hội vẫn còn rất nhiều người khó khăn, trong đó có những em theo đuổi ước mơ trở thành giáo viên trong tương lai.
Tại Trường ĐHSP Hà Nội và Trường ĐHSP TP HCM, điểm trúng tuyển vào một số ngành năm 2019 khá cao. Chẳng hạn tại Trường ĐH SP Hà Nội, điểm chuẩn vào ngành SP toán (dạy toán bằng tiếng Anh) lần lượt là 26 - 26,35 - 26,4 tùy tổ hợp xét tuyển; một số ngành khác như SP tiếng Anh, SP văn… có điểm chuẩn trên 24.
Tại Trường ĐHSP TP HCM, điểm chuẩn vào ngành SP toán hay SP tiếng Anh là cao nhất với 24 điểm. Nhưng cũng tại 2 trường ĐH này, điểm chuẩn của nhiều ngành khác thấp đáng kể. TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng sở dĩ có những ngành SP điểm chuẩn thuộc dạng cao là vì những ngành đó học sinh có nhu cầu học thêm, giáo viên có điều kiện cải thiện thu nhập. Những ngành không có cơ hội dạy thêm thì học sinh giỏi không vào học nên điểm chuẩn thấp.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP HCM, cho biết chính sách giảm, miễn học phí có cách đây chừng 20 năm, đã có tác dụng thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Nhưng chính sách đó chỉ có tác dụng trong khoảng dăm bảy năm, về sau tác dụng giảm dần. Nay, chính sách cấp sinh hoạt phí cho sinh viên có thể cũng tương tự chính sách miễn học phí, chỉ thực sự giúp ích cho những học sinh muốn theo đuổi ngành SP chứ khó có tác dụng là đòn bẩy để thu hút học sinh giỏi vào học như nhiều ngành khác.
Quan trọng là cải thiện thu nhập
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng nhẩm tính với mức hỗ trợ 36,3 triệu đồng/năm cùng mức học phí tạm tính khoảng 20 triệu đồng/năm thì trong 4 năm học, sinh viên SP được hỗ trợ tầm 225 triệu đồng.
Với số tiền trên, ông Hồng cho rằng sinh viên nhiều ngành khác tốt nghiệp rồi đi làm có thể trả hết trong vòng 2 - 3 năm nhưng với sinh viên SP tốt nghiệp đi dạy thì chừng đó thời gian chắc chắn không trả hết. Nói như vậy để thấy thu nhập sau khi tốt nghiệp mới là yếu tố quyết định chứ không phải là hỗ trợ ban đầu. TS Nguyễn Đức Nghĩa cũng đồng tình quan điểm rằng ngành nào có thu nhập cao khi làm việc thì sẽ thu hút được người tài. Thực tế cho thấy một số ngành SP có cơ hội dạy thêm hay những ngành dù không được miễn học phí hay hỗ trợ sinh hoạt phí nhưng điểm chuẩn vẫn cao chót vót.
TS Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP HCM, đánh giá chính sách miễn học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên SP có tác dụng kích thích học sinh giỏi vào ngành SP. Tuy nhiên, đây chỉ là phần khởi đầu bởi chính sách về lương, cơ hội cải thiện thu nhập của nhà giáo mới có tác dụng quyết định. Ngoài chính sách về lương bổng, thu nhập, nhà giáo cũng cần có môi trường làm việc tốt, có điều kiện để nghiên cứu, nâng cao chuyên môn…
Các trường hợp phải hoàn kinh phí
Nghị định cũng quy định các đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt như: Sinh viên SP đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; sinh viên SP được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.
Bình luận (0)