Huổi Lính là nơi sinh sống của 18 nóc nhà người dân tộc, nằm cheo leo trên đỉnh núi cao xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Nhà cô giáo Khoàng Hà Pơ, người dân tộc Hà Nhì, ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè, cách Nậm Chà hơn 200 km.
Cam lòng "nếu con trách mẹ..."
Cô giáo Khoàng Hà Pơ
Sinh con gái được 6 tháng, cô giáo Pơ đã phải rứt ruột xa con, nhờ bố mẹ và chồng chăm con gái để quay về với lớp, với các học trò nhỏ ở điểm trường Huổi Lính A, Trường Mầm Non xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
Hiện nay, con gái của cô Pơ đã gần 2 tuổi nhưng cô mới chỉ về thăm được vài lần vào kỳ nghỉ hè và dịp lễ, Tết. Cắm bản, cô giáo trẻ không thể nhớ hết đã bao lần nước mắt "chan cơm" vì cảm giác cô quạnh giữa núi rừng và thèm có tiếng nói, tiếng cười của người thân. Cuộc sống một mình, một mâm, một bát, một đôi đũa, nhiều khi khiến cô trào nước mắt.
Ngoài giờ lên lớp, mỗi tuần vài lần, cô giáo Pơ lại vào rừng hái nấm, tìm măng làm thức ăn cho các học trò nhỏ của cô dùng dần. Đường đi Huổi Lính rất khó khăn nên thực phẩm đặt mua theo chế độ ăn bán trú cho các cháu vùng cao, một tuần cũng chỉ chuyển đến được vài ba lần, mà thường là đồ ăn được đóng hộp, chế biến sẵn mới có thể lưu trữ được lâu. Những ngày trời mưa, đường núi trơn trượt thì đồ ăn khô cũng không thể đến điểm trường, cả cô và trò chỉ còn trông chờ vào nấm, măng mà cô giáo vào rừng kiếm được. Những lúc nhớ nhà, muốn gọi cho con nhưng điện thoại cũng không có sóng.
Những đứa trẻ ở điểm trường Huổi Lính A giờ đã như con của cô Pơ. Đôi khi buồn, nhớ con, muốn về nhà, cô giáo trẻ lại nhớ đến lá đơn nguệch ngoạc mà người dân bản Huổi Lính gửi ban giám hiệu xin cô ở lại, nhớ ánh mắt thơ ngây của bọn trẻ và nghĩ đến tương lai các em, cô xúc động nghẹn ngào, không nỡ rời xa.
Dù xa con cả năm trời nhưng cô Pơ vẫn bảo có thể gắn bó thêm 4-5 năm nữa ở điểm trường Huổi Lính A nếu dân bản yêu quý. "Nếu con có trách mẹ không ở thường xuyên với con thì tôi sẽ nói rằng mẹ còn bận dạy chữ cho các anh, các chị, con đã có bố và ông bà chăm sóc" - cô giáo trẻ ứa nước mắt.
Cô giáo Trần Thị Hòa
Không có phần thưởng nào sánh nổi
Trường THCS Lê Văn Tám đóng tại xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Jơ Ngây là xã có địa hình lắm núi đồi, khe suối, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn vì đường sá nhiều dốc cao; 90% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Cái nghèo khiến các phụ huynh ở đây phải vật vã với cơm áo, ít quan tâm đến việc học hành của con cái.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đông Giang, nên cô Trần Thị Hòa (SN 1984) thấu hiểu những khó khăn, thách thức và phong tục tập quán của người dân nơi này. Ước muốn của cô không gì hơn là mang cái chữ đến với học sinh nghèo, giúp các em ít nhiều thay đổi được cuộc sống. 22 tuổi, cô giáo Hòa bắt đầu đứng lớp lại Trường THCS Lê Văn Tám. Để học được con chữ, nhiều học sinh nơi đây ngày ngày phải vượt hơn 10 km đường núi đồi gập ghềnh mới có thể tới được lớp học. Khi mưa lớn, toàn xã bị chia cắt, cô lập thành nhiều vùng khác nhau bởi nước khe, suối dâng cao, chảy xiết rất nguy hiểm.
Thương học trò vùng cao vất vả, ngoài đến lớp còn phải phụ giúp gia đình đi rẫy, đi rừng, cô Trần Thị Hòa luôn chia sẻ với các học trò của mình. Ở bên học sinh những lúc khó khăn, cô Hòa còn đến tận nhà vận động các phụ huynh cho con lên lớp học chữ.
Nhờ có tấm lòng, cũng như sự kiên trì, cố gắng của thầy cô bám bản, tỉ lệ học sinh bỏ học ở Đông Giang hiện nay rất thấp. Một số học sinh nay đã trở thành cán bộ, giáo viên, bác sĩ, công an… Cô Hòa cho hay nhìn những học sinh của mình trưởng thành là niềm hạnh phúc lớn nhất, lớn hơn bất cứ phần thưởng, danh hiệu cao quý khác...
Bình luận (0)