Đây là năm học TP HCM gặp những khó khăn chưa từng có từ trước đến nay bởi ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Riêng bậc tiểu học, học sinh (HS) sẽ bắt đầu học từ ngày 8-9 và bậc mầm non đến nay chưa có lịch học.
Thiếu phương tiện, nhiều học sinh không liên lạc được
Chiều 31-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều trường THCS cho biết hiện có tình trạng nhà trường không liên lạc được với HS. Ông Trương Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (quận 1), cho biết trường vẫn tiếp tục liên lạc và đang chờ đến ngày 1-9, xem HS tập trung thế nào vì hiện có hơn 200 HS chưa liên hệ được. Trường cũng xác định có 8 HS không thể học trên internet, trong đó có 1 em đang điều trị bệnh.
Học sinh TP HCM trở lại trường sau thời gian nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19 hồi tháng 5-2020 (Ảnh: TẤN THẠNH)
Ông Nguyễn Văn An, Hiệu trưởng Trường THCS Tăng Bạt Hổ (quận 4), thông tin trường có 5 HS không liên lạc được và thống kê 140/1.457 HS của trường không có điều kiện học online. "Nhiều thầy cô mong muốn dời thời gian bắt đầu năm học sẽ phù hợp với hoàn cảnh hiện nay" - ông An nói.
Học trên mạng nhưng thiếu phương tiện học tập là tình trạng chung ở rất nhiều cơ sở giáo dục - đặc biệt ở những quận, huyện vùng ven, ngoại thành. Theo Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, số HS không có điều kiện học trên internet sẽ rất lớn vì HS tại quận đa số là con em công nhân, lúc bình thường đã không có điều kiện, giờ dịch bệnh, nhiều người mất việc, đời sống càng khó khăn hơn. Tại quận Gò Vấp, ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho hay tỉ lệ HS không có điều kiện học online là 15%.
Tránh dồn ép tiến độ cuối năm học
Trước công điện của Bộ GD-ĐT về trao quyền chủ động cho địa phương, có thể lùi ngày bắt đầu năm học mới cho đến khi kiểm soát được dịch bệnh, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết Bộ GD-ĐT đã có quyết định về kế hoạch thời gian năm học 2021-2022. Trong đó, thời gian tựu trường sớm nhất là ngày 1-9, thời gian kết thúc năm học là ngày 31-5, bộ cũng cho phép các địa phương lùi thời gian kết thúc năm học 15 ngày so với quy định. Từ kế hoạch đó, lãnh đạo sở nhận thấy nếu TP HCM bắt đầu năm học sớm sẽ tránh được việc dồn ép tiến độ cuối năm học để bảo đảm các kỳ thi cuối cấp, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Do đó, Sở GD-ĐT thành phố đã rất cân nhắc và tham mưu với UBND thành phố quyết định cho HS THCS, THPT bắt đầu năm học mới từ ngày 1-9 với việc tổ chức lớp học, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên mạng và củng cố kiến thức cho HS. Ngày 6-9 sẽ chính thức giảng dạy theo chương trình năm học mới. Riêng bậc tiểu học sẽ bắt đầu muộn hơn, là ngày 8-9, để thầy cô và HS làm quen với nhau, rèn nền nếp, kỹ năng và ngày 20-9 sẽ học theo chương trình của năm học mới.
Cũng theo ông Hiếu, với tình hình hiện nay, việc lùi lại thêm vài tuần nữa cũng không mang nhiều ý nghĩa, không giải quyết được những khó khăn do dịch bệnh. Nếu lùi lại vài tuần thì HS vẫn phải học online chứ cũng không thể đến trường học trực tiếp ngay được.
Trước tình trạng HS không có điều kiện học tập online, ông Hiếu cho biết Sở GD-ĐT TP HCM đang đề nghị các cơ sở giáo dục tổng hợp, báo cáo về số liệu HS không thể học online, từ đó sẽ liên hệ với các đơn vị để tạo điều kiện cho phụ huynh mua trả góp điện thoại thông minh, máy tính; miễn hoặc giảm cước phí 4G.
Trước mắt, đối với những trường hợp không có phương tiện để học online, các trường sẽ có đội ngũ tình nguyện viên mang tài liệu học tập đến tận nhà cho HS.
Lớp 1, lớp 2 chủ yếu học toán, tiếng Việt
Cũng trong ngày 31-8, Sở GD-ĐT TP HCM đã có hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học đầu năm học. Theo Sở GD-ĐT TP HCM, trong quá trình dạy học trên internet, tuyệt đối không sắp xếp thời khóa biểu trực tuyến giống hoàn toàn với thời khóa biểu khi học trực tiếp, điều này sẽ gây quá tải cho người học, người dạy và không phát huy được hiệu quả của việc học tập trên internet.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cũng cho biết ở bậc tiểu học, từ đầu tháng 8, sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục lựa chọn những giáo viên giàu kinh nghiệm để ghi hình các tiết dạy đăng trên website của trường và gửi về cho phụ huynh, HS, phát trên Đài Truyền hình thành phố để HS, phụ huynh tham khảo. Sở cũng yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, không gây quá tải cho HS.
Sở GD-ĐT TP HCM cũng chỉ đạo việc giảng dạy trên internet ở cả 3 bậc học đều được thực hiện theo hướng tinh giản nội dung, không mở rộng, nâng cao. Đặc biệt, HS lớp 1, lớp 2 chủ yếu chỉ học toán và tiếng Việt.
Bình luận (0)