Năm học 2022 - 2023, TP HCM tăng thêm gần 22.000 học sinh. Muốn con em được kèm sát sao tại nhà với lộ trình riêng và chi phí hợp lý, nhiều phụ huynh gửi gắm tin tưởng cho gia sư sinh viên.
Gia sư thời công nghệ
Nếu trước đây, sinh viên được giới thiệu chủ yếu bằng hình thức truyền miệng từ người quen hoặc các trung tâm giới thiệu việc làm (có phí) thì nay cộng đồng gia sư trên các nền tảng như Facebook, Zalo... rất phổ biến. Ưu điểm của các nhóm này là đa dạng thông tin, tiết kiệm thời gian tìm hiểu, kết nối cung cầu cho đôi bên.
Không khó tìm gia sư dạy kèm từ các môn khoa học tự nhiên và xã hội như toán, lý, hóa, sinh, ngữ văn... đến các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa. Ngoài ra, sinh viên có thể tìm việc thông qua các câu lạc bộ ngay chính trong trường. Chẳng hạn Câu lạc bộ Gia sư Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM thuộc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và việc làm với fanpage trên 32.000 người theo dõi, có hotline hỗ trợ dịch vụ gia sư; tư vấn tận tình, chất lượng và miễn phí. Nơi này là cầu nối cho sinh viên có chuyên môn cao và còn trang bị kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết cho việc dạy các môn phổ thông, chương trình quốc tế, ngoại ngữ, dạy theo yêu cầu.
Tác giả (góc dưới, phải) dạy học trực tuyến cho một học sinh cấp 3
Gia sư sinh viên dần "chuyên nghiệp" hơn khi chuẩn bị CV (Curriculum Vitae) khái quát thông tin cá nhân, quá trình học tập, thành tích và mục tiêu tương lai. Nhiều sinh viên sư phạm, y dược, bách khoa... được đánh giá cao và làm gia sư ngay học kỳ đầu ở đại học. Ngoài bảo đảm kiến thức và kỷ luật, nề nếp, gia sư bây giờ rất đa năng khi nắm vững phương pháp dạy tại chỗ lẫn trực tuyến.
Nếu trong ký ức các thế hệ trước, hình ảnh gia sư thường gợi nghĩ về những người ngày ngày mang cặp sách đến nhà tỉ mẩn dạy học trò thì gia sư hiện nay kết nối với phụ huynh bằng mạng xã hội, có ứng dụng thông minh hỗ trợ việc dạy và học. Bản thân người viết cũng là một gia sư sinh viên, tôi nhận thấy mình và các bạn đồng trang lứa rất thuận lợi tiếp xúc những tiện ích mới và linh hoạt về thời gian lẫn địa điểm dạy học. Việc dạy có thể tiến hành qua phần mềm như Google Meet, Zoom, Microsoft Teams, Skype… Tôi còn dùng Adobe Illustrator (phần mềm chỉnh sửa đồ họa vector được phát triển bởi Adobe Inc) để thiết kế lịch học, nội dung bài giảng sinh động.
Nghề càng khó càng phải biết lo
So với mặt bằng các việc làm thêm như PG, phục vụ, tài xế… thì mức lương gia sư tốt hơn. Học sinh lớp càng cao đòi hỏi việc dạy càng phức tạp, thu nhập cũng tăng theo tỉ lệ thuận. Tuy vậy, sinh viên dễ bị xem là thiếu nghiệp vụ sư phạm và kinh nghiệm nên phải ý thức nâng cấp mình toàn diện. Dù mọi vấn đề tưởng như đều có thể được tra cứu trên internet lẫn các app tự học song gia sư vẫn có vai trò nhất định, không chỉ trao truyền kiến thức mà còn là người bạn đồng hành, có thể lắng nghe và hỗ trợ học trò, nhất là tuổi dậy thì nhiều xáo trộn trong thể chất và suy nghĩ. Gia sư thành thạo quản lý, theo dõi tiến trình của người học qua Google Classroom, Shub... và nhận phản hồi qua các ứng dụng như Google Form, SurveyMonkey, Slido... là lợi thế. Để giờ học thêm hấp dẫn, có thể tạo trò chơi qua công cụ Kahoot, Quizizz, cung cấp cho người học hành trình học tập năng động, sáng tạo.
Lớp nhỏ mang đến nhiều niềm vui và động lực cho Trần Phạm Khánh Duy.
Lê Hữu Phát (sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM) có nền tảng môn tiếng Anh vững chắc. Việc được dạy kèm môn ngoại ngữ có tính toàn cầu này cho các bạn nhỏ hơn giúp Phát có động lực trau dồi khả năng của chính mình và Phát còn nhiệt tình tìm hiểu sâu thông tin các chương trình học bổng uy tín để cập nhật cho người học.
Trần Phạm Khánh Duy (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM) có ước mơ trở thành giáo viên dạy hóa. Làm gia sư với chàng trai 18 tuổi là cơ hội đáng giá để thực tập nghề nghiệp ngay khi còn ngồi trên giảng đường. Duy đang kèm môn hóa cho học sinh THCS, bạn trẻ này chia sẻ: "Mình may mắn được làm gia sư vào thời điểm này. Vì vừa trải qua thời học sinh nên mình vẫn nắm bắt được tâm lý các em và không có rào cản quá lớn về tuổi tác. Mình làm gia sư bằng tất cả nhiệt huyết, trách nhiệm".
Không phải sinh viên nào cũng làm được
Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, làm gia sư nhìn chung lý tưởng với sinh viên vì gắn với việc truyền thụ tri thức và hướng dẫn kỹ năng học tập. Sinh viên cũng là người đi trước, ít nhiều có kinh nghiệm học tập hướng dẫn lại cho học sinh phổ thông. Sinh viên các nước cũng thường nhận công việc như gia sư, trợ giảng, vừa giúp củng cố kiến thức của chính mình vừa có thể làm việc bán thời gian, có thêm thu nhập. Anh Khánh Nguyên nhấn mạnh: "Cái được của việc làm gia sư là nếu công việc dạy học gắn với chuyên ngành của mình, ví dụ sinh viên toán kèm môn toán, sinh viên ngoại ngữ kèm ngoại ngữ... thì gia tăng cơ hội đào sâu, học hỏi kỹ lưỡng các khía cạnh tri thức để truyền đạt lại cho học sinh. Tuy nhiên, cũng có mặt trái. Ví dụ, nếu là sinh viên ngành kinh tế hay kỹ thuật thì đi làm bán thời gian những việc liên quan đến kinh doanh, kỹ thuật thường mang giá trị thực tiễn hơn cho nghề nghiệp tương lai. Hơn nữa, nếu gia sư không thực sự giỏi và không đam mê việc giảng dạy thì giữa người dạy và người học có thể không phải mối quan hệ cả hai cùng thắng mà là cả hai cùng thua. Do vậy, công việc gia sư không phải phù hợp cho tất cả sinh viên".
Ng.Thuận ghi
Bình luận (0)