Tìm người tiên phong, có thể thay đổi xã hội
Các quốc gia trên thế giới đều "khát" nhân tài. Dẫn một khảo sát quốc tế về nhu cầu nhân tài trên thế giới, TS Lê Mai Lan, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cho hay quốc gia "khát" nhân tài nhiều nhất là Ấn Độ với 89%, châu Á Thái Bình Dương là khu vực "khát" nhân tài nhiều nhất, với tỷ lệ 87%, ít nhất là khu vực Bắc Âu. Trong bối cảnh robot đang thay thế dần cho con người thì nhu cầu nhân tài càng cần thiết bởi nhân tài là những người có năng lực dẫn dắt sự thay đổi.
Ở châu Á, nhiều nước đã đầu tư những khoản tiền lớn để làm việc này bởi xác định đây là yếu tố sống còn tạo nên sự thịnh vượng. Hàn Quốc có chương trình Brain Korea 21 được đầu tư 3,5 tỉ USD; Đài Loan có chương trình 550 đầu tư 1,7 tỉ USD; Trung Quốc có chương trình China 985 đầu tư 10 tỉ USD hay Nhật Bản với GCE Japan đầu tư 2,5 tỉ USD. Tất cả đều hướng tới mục tiêu đầu tư cho đại học tinh hoa, nhằm tìm kiếm, đào tạo và phát triển nhân tài. Tại Mỹ, chính phủ, các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân đã xây dựng nên hệ thống 8 trường Ivy League chính là mô hình trường tinh hoa đào tạo nhân tài.
Bà Lê Mai Lan chia sẻ ĐH VinUni mong muốn góp phần tạo ra một thế hệ người tài có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của quốc gia
Việt Nam hiện có hơn 400 trường ĐH. Nhưng mô hình ĐH của Việt Nam hiện nay chủ yếu là trang bị kiến thức cho sinh viên. "Điều đó cũng rất quan trọng, nhưng ĐH cũng cần đào tạo những người có tính tiên phong, có thể thay đổi xã hội, tạo được khát vọng cho người khác. Đó là lý do VinUni mong làm được" – bà Mai Lan chia sẻ trong buổi toạ đàm về việc xây dựng ĐH tinh hoa vừa được tổ chức tại Hà Nội. Theo bà Mai Lan, lãnh đạo của tập đoàn này đi nhiều nước trên thế giới, tìm hiểu kinh nghiệm để xây dựng đại học tinh hoa trong 3 năm. "ĐH VinUni mong muốn góp phần tạo ra một thế hệ người tài có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của quốc gia" - bà Mai Lan khẳng định.
Việt Nam có dễ đào tạo nhân tài?
Tuy nhiên, để có một trường ĐH tinh hoa đào tạo nhân tài ở Việt Nam không phải dễ dàng.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Truyền thông Lê, băn khoăn tham vọng có được trường ĐH tinh hoa liệu có khả thi với hệ thống giáo dục hiện nay? Theo ông Vinh, giáo dục Việt Nam có nhiều biểu hiện triệt tiêu cá tính của học sinh, học sinh có ý tưởng phản biện bị coi là học sinh cá biệt, không được tạo cơ hội để phát triển khả năng của mình. "Để có được ĐH tinh hoa, phải thay đổi được tư duy giáo dục hiện nay, để những tài năng của học sinh Việt Nam không bị thui chột từ lúc ngồi ghế trường phổ thông, trước khi lên tới ĐH mới được phát hiện, đào tạo thành nhân tài" – ông Vinh nói.
Đội tuyển Việt Nam giành 2 huy chương vàng, 4 huy chương bạc tại kỳ thi OLympic toán học quốc tế 2019 được tổ chức tại Vương quốc Anh. Phần lớn các học sinh đoạt giải quốc tế nhiều năm qua đều đi nước ngoài du học.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết ý tưởng xây dựng trường đại học "đẳng cấp thế giới" theo định hướng đại học tinh hoa từng xuất hiện hơn 10 năm trước đây và một mô hình đại học kiểu Harvard tại Việt Nam khá trầy trật mới ra được hình hài. Do đó, mục tiêu việc xây dựng đại học tinh hoa là một cố gắng rất lớn.
Chuyên gia này cũng đặt câu hỏi, liệu những người tài được đào tạo theo mô hình Mỹ có phát huy được trong môi trường văn hóa, mô hình tổ chức xã hội của Việt Nam hay không? Sinh viên sau này ra trường, làm cho hệ sinh thái của tập đoàn thì phù hợp nhưng mức độ thích nghi với xã hội thế nào? Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nếu không có gắn kết với văn hóa, với môi trường xã hội ở Việt Nam, thì chưa chắc "người tài" đã thành công.
Bình luận (0)