Báo Người Lao Động vừa tổ chức talk show với chủ đề: "Nhìn lại tuyển sinh các trường ngoài công lập". Đây là chương trình cuối cùng trong chuỗi chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2017" do Công ty CP Phân bón Bình Điền tài trợ chính và Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Thương mại và Truyền thông thời đại (Sun Group) tài trợ phụ.
Mổ xẻ nguyên nhân khó tuyển
Chương trình được tổ chức khi các trường đã khép lại nhiều đợt xét tuyển bổ sung. Theo đánh giá của các khách mời, hầu hết các trường ngoài công lập đã trải qua một mùa tuyển sinh vất vả. Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, cho biết kết quả đăng ký xét tuyển đợt tháng 4-2017, các trường ĐH ngoài công lập có hàng ngàn thí sinh đăng ký nhưng khi các trường chốt điểm trúng tuyển thì nhiều trường ĐH ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường thông báo xét tuyển bổ sung hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chỉ tiêu.
Điều này có thể thấy thí sinh thật sự chưa mặn mà với trường ngoài công lập với các lý do là thí sinh, phụ huynh vẫn tập trung vào trường công khi quan niệm học phí trường công luôn thấp và giá trị bằng cấp của trường công hơn trường tư mà quên rằng nhiều trường tự chủ tài chính mức học phí cũng ngang ngửa trường tư và giá trị bằng cấp ngang nhau. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chỉ quy định các trường phải đào tạo theo chương trình khung của bộ từ 60%-65%, còn lại các trường xây dựng chương trình theo thế mạnh riêng của mình. Doanh nghiệp khi tuyển dụng cần kiến thức, kỹ năng, thái độ của người học chứ họ không quan trọng tấm bằng.
Các khách mời tham gia talk show tại Báo Người Lao ĐộngẢnh: Tấn Thạnh
TS Tô Hoài Thắng, Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng năm 2017 có 868.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia thì chỉ tiêu vào trường ĐH công lập là 352.000. Trừ số đi du học và các hệ đào tạo khác thì số còn lại cho 132 trường ĐH, CĐ ngoài công lập là hơn 200.000 thí sinh - chỉ tiêu này khá ít để phân bổ cho các trường. Nội bộ của nhiều trường ngoài công lập lủng củng dẫn đến thiếu lòng tin của người học; thứ nữa là đầu tư yếu, cơ sở vật chất thiếu thốn, sinh viên kêu ca tạo hiệu ứng xã hội không tốt. Ngoài ra, cũng có trường được đầu tư tốt nhưng những người có quyền quyết định lại không am hiểu giáo dục nên đưa ra quyết định không phù hợp thời điểm…
Hệ CĐ cũng trải qua một mùa tuyển sinh khó khăn. TS Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết 2017 là năm đầu tiên khối các trường CĐ (ngoài trường sư phạm) tách khỏi hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và nằm trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nên thông tin không đến được với học sinh như trước đây dẫn đến nhiều thí sinh, phụ huynh không nắm được thông tin tuyển sinh của các trường, quy chế tuyển sinh của hệ giáo dục nghề nghiệp. Điều này khiến nhiều trường trước đây tuyển sinh rất thuận lợi nhưng năm nay gặp khó khăn.
Cần điều chỉnh quy chế tuyển sinh
Khi gia nhập hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các trường CĐ trước đây vốn thuộc Bộ GD-ĐT không còn bị ràng buộc bởi điểm sàn xét tuyển, chỉ cần tốt nghiệp THPT hoặc tương đương là đủ điều kiện xét tuyển. Đây là thuận lợi của khối trường CĐ, đồng thời các trường cũng được tuyển sinh quanh năm.
Thế nhưng, TS Trần Mạnh Thành cho rằng về khía cạnh đào tạo, việc cho phép các trường được tuyển sinh quanh năm tạo cho thí sinh tâm lý lúc nào đi học cũng được nên sẽ khó khăn trong việc tập trung đào tạo. Các trường không thể tổ chức đào tạo khi lớp học có quá ít người học. Theo ông Thành, quy chế tuyển sinh cần quy định một năm tuyển sinh vào 4 mùa hoặc tập trung theo 2 học kỳ để việc tổ chức đào tạo thuận lợi hơn. Tuy các trường ngoài công lập đang khó khăn trong tuyển sinh nhưng ông Thành vẫn lạc quan bởi theo ông, thời gian đào tạo đã được rút ngắn xuống còn 2-3 năm (tùy ngành) đồng nghĩa với việc các trường sẽ chỉ tập trung vào những môn học thiết thực, tăng thời gian thực hành, thực tập để bảo đảm các em tham gia tốt vào thị trường lao động, điều này sẽ khuyến khích thí sinh theo học.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tuyển sinh, ông Nguyễn Quốc Cường nhận thấy thí sinh nếu không trúng tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia thì sẽ làm thủ tục trúng tuyển bằng học bạ chứ không có nhiều thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung. Các trường, đặc biệt là trường ngoài công lập, muốn tuyển sinh tốt cần phải gia tăng nội lực và giải quyết được việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Đây mới là mấu chốt.
Công tác hướng nghiệp chưa hiệu quả
Trong khi đó, với các trường ĐH, dù năm 2017 Bộ GD-ĐT dùng phần mềm lọc ảo chung nhưng vẫn không thể chống được ảo khi cho phép thí sinh được quyền đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng vào các trường ĐH. Bên cạnh đó, các trường ĐH ngoài công lập còn xét tuyển theo kết quả THPT (học bạ).
TS Tô Hoài Thắng cho biết vào thời điểm xét tuyển đợt 1, khi phần mềm của Bộ GD-ĐT đóng lại, chỉ có 170 trường đạt 100% chỉ tiêu tuyển sinh, tỉ lệ từ 70%-73%, thì có 234 trường nhiều trường hợp thí sinh trúng tuyển nhưng vẫn không đến làm thủ tục khiến phải xét tuyển bổ sung. Điều này phần nào cho thấy công tác hướng nghiệp chưa thật sự hiệu quả.
Tài trợ chính
Tài trợ phụ
Bình luận (0)