Chiều 20-5, 160 giáo viên làm công tác hướng nghiệp ở 56 trường THPT tỉnh Quảng Nam đã tham gia buổi tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp THPT trong khuôn khổ chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” năm 2022 do Báo Người Lao Động tổ chức.
Tại buổi hướng nghiệp, TS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT khẳng định để hướng nghiệp được cho học sinh, giáo viên phải nắm được chính sách, quy trình, tâm lý và tư tưởng của học sinh. Thậm chí, năng lực của mỗi học sinh như thế nào thì giáo viên cũng cần nắm được để tư vấn cho các em. Bên cạnh đó, giáo viên cần biết được thế mạnh của học sinh tại tỉnh, nhu cầu của thị trường để giúp cho học sinh nhìn rõ hơn các ngành nghề.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT phát biểu tại buổi tập huấn
Liên quan đến những ngành mũi nhọn, định hướng phát triển của tỉnh Quảng Nam, thầy Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết những năm gần đây Quảng Nam thuộc nhóm phát triển hàng đầu của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Mỗi năm, tỉnh thu ngân sách khoảng 23.000-25.000 tỉ đồng, đứng ở nhóm 16 tỉnh/thành cân đối ngân sách cho trung ương.
Trong những năm đến, tỉnh chủ trương đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá trong cả nước. "Để làm được việc này, tỉnh đã chủ trương phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ, kinh tế biển... vùng đồng bằng phát triển mạnh để làm động lực phát triển 9 huyện miền núi" - thầy Tường nói.
Thầy Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam chia sẻ thông tin với thầy cô trong buổi tập huấn
Theo thầy Tường, để đạt được sự phát triển, cần có nguồn nhân lực làm được việc. Nhưng 2 năm qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến tỉnh, nhiều ngành nghề cũng thay đổi. Báo Người Lao Động đã đưa chương trình" Đưa trường học đến thí sinh" đến với tỉnh Quảng Nam, để kịp thời đưa những thông tin về tuyển sinh, ngành nghề cho các em học sinh.
Song song với tuyển sinh, Báo còn tổ chức buổi bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp cho giáo viên THPT, nhằm cung cấp kiến thức để có thông tin trong công tác tuyển sinh hướng nghiệp.
"Thay mặt lãnh đạo sở, tôi cảm ơn chuyên gia, cảm ơn báo, cảm ơn các trường ĐH đã quan tâm đến công tác hướng nghiệp của tỉnh nhà. Đây là hoạt động hết sức cần thiết để giáo viên có cái nhìn toàn diện, có kiến thức thông tin tư vấn, hướng dẫn lại cho học sinh trong mùa tuyển sinh năm nay" - thầy Tường cho hay.
Nhà báo Dương Quang, Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động tặng hoa cảm ơn đến Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam
Tại buổi tập huấn, thầy Chung, giáo viên Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu bày tỏ những khó khăn trong hướng nghiệp cho học sinh. Trong đó, nổi cộm là vấn đề tư vấn ngành học sư phạm, thầy Chung thừa nhận còn bối rối trước những câu hỏi của học sinh về ngành học này. Có học sinh rất thích ngành sư phạm, nhưng em chia sẻ rằng bản thân lo lắng khi ngành này ít cơ hội việc làm, lương thấp. Trước những câu hỏi đó, thầy Chung cũng khó thuyết phục, tư vấn cho học sinh.
Đồng quan điểm với thầy Chung, thầy Bùi Ngọc Luận, giáo viên Trường PTDT nội trú Nam Trà My, cho hay đây là vấn đề trăn trở của nhiều người, nhiều học sinh thắc mắc. Theo thầy Luận thì học sinh muốn theo nghề sư phạm thì nên hy sinh.
160 giáo viên từ 56 trường THPT ở Quảng Nam đặt câu hỏi tình huống thực tế cho chuyên gia
Thầy Lê Thành Tích, giáo viên Trường THPT Đỗ văn Tuyển, cho rằng hiện nay giáo viên của các trường vừa đủ hoặc thiếu ít, nhưng số lượng sinh viên sư phạm ra trường nhiều, nên tỷ lệ thất nghiệp cao.
"Ở trường tôi, nhiều thầy cô lớn tuổi nói rằng không dạy nổi hơn 60 tiết/tuần, trong khi đó giáo viên trẻ không có. Tôi nghĩ cần có chính sách để giáo viên lớn tuổi dạy vừa sức, mở nhiều cơ hội cho giáo viên trẻ để được phục vụ, cống hiến" - thầy Tích chia sẻ.
Thầy cô chia sẻ những tâm tư, khó khăn của mình trong công tác hướng nghiệp cho học sinh
Về vấn đề này, TS Hùng khẳng định Bộ GD-ĐT đã nhận ra vấn đề và đưa ra nhiều chính sách phù hợp, nhiều năm qua lượng giáo viên dư thừa giảm tương đối. Thi ngành sư phạm hiện nay cũng không dễ nữa và cơ hội việc mở ra nhiều hơn.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên - ĐHQG TP HCM cùng TS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT giải đáp nhiều thắc mắc của giáo viên
Buổi tập huấn đã nhận sự quan tâm, bàn luận sôi nổi của giáo viên, nhiều tình huống thực tế được đưa ra cho các chuyên gia. Thầy Hoàng Đình Vương, giáo viên Trường THPT Sào Nam nói rằng trường vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin tuyển sinh của các trường ĐH, nguồn thông tin đến các em rất hạn chế.
Thầy Hoàng Đình Vương, giáo viên Trường THPT Sào Nam chia sẻ những khó khăn của trường trong việc hướng nghiệp cho học sinh
Chia sẻ về việc này, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên - ĐHQG TP HCM cho biết hiện nay có nhiều kênh để tiếp cận nguồn thông tin từ các trường ĐH, CĐ. Ví dụ, trường ĐH, CĐ về tận trường phổ thông để phát tờ rơi thông tin, gặp gỡ giải đáp thắc mắc cho học sinh. Thầy cố giáo cũng có thể chủ động lập lên trang thông tin của các trường để cập nhật, lấy thông tin.
TS Lê Thị Thanh Mai đưa ra những hướng dẫn để giáo viên áp dụng trong quá trình hướng nghiệp đạt được kết quả tốt hơn.
"Nếu 2 năm trước, tỷ lệ thí sinh muốn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH chiếm khoảng 70-74%, nhưng năm nay lên đến trên 80%. Cho thấy chuyện tư vấn cho học sinh sử dụng hiệu quả kết quả thi tốt nghiệp THPT càng ngày càng quan trọng" - TS Mai nhấn mạnh.
TS Lê Thị Thanh Mai giao lưu với giáo viên
Bình luận (0)