Tại buổi tập huấn, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chỉ rõ về tổng thể, công tác tuyển sinh ĐH năm 2022 cơ bản ổn định như các năm trước. Tuy nhiên, năm nay, Bộ GD-ĐT thay đổi 6 điểm cơ bản nhằm bảo đảm tính công bằng, chính xác, khách quan cho thí sinh và các trường trong quá trình xét tuyển.
TS Phạm Như Nghệ đưa ra số liệu đáng lo ngại: "Việt Nam là 1 trong những nước xếp vào nhóm nước có người dân theo học ĐH thấp nhất trên thế giới. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu cả thầy lẫn thợ trên thị trường lao động. Chúng ta có 55-56 triệu người trong độ tuổi lao động, song chỉ khoảng 22% trong số đó có trình độ ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, tỉ lệ sinh viên hiện nay đang là 185-190 sinh viên/vạn dân trong khi tỉ lệ này trong khu vực là trên 300 sinh viên/vạn dân. Chúng ta đang phấn đấu đến năm 2030 sẽ đạt 280 sinh viên/vạn dân".
TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, phát biểu tại buổi tập huấn - Ảnh: Tấn Thạnh
Có một thực tế được TS Phạm Như Nghệ nêu ra, đó là nếu xét theo năng suất lao động, 10 lao động Việt Nam chỉ tương đương với 1 lao động Singapore.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2018 phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông trong giai đoạn 2018-2025", trong đó đưa ra các chỉ tiêu cụ thể nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, con số đạt được hiện nay thấp hơn chỉ tiêu đề ra.
Để thực hiện công tác hướng nghiệp đạt kết quả tốt, giáo viên cần hiểu rõ 7 khối ngành và 23 lĩnh vực để tư vấn cho học sinh. Đây là một điều không hề dễ dàng đối với đội ngũ giáo viên đang phải kiêm nhiệm nhiều vai trò và chưa được bồi dưỡng kỹ năng hướng nghiệp một cách thường xuyên. Do đó, TS Phạm Như Nghệ chia sẻ khó khăn của thầy cô giáo trong vấn đề này và mong buổi tập huấn sẽ là cơ hội tốt để đội ngũ giáo viên có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để giúp ích cho học sinh trước khi lựa chọn ngành học phù hợp.
TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai, phát biểu đây là chương trình ý nghĩa vì các trường luôn quan tâm đến công tác hướng nghiệp cho học sinh. "Thầy cô đóng vai trò quan trọng vì hiểu rõ năng lực, sở thích, khả năng, đam mê của các em bên cạnh chương trình đào tạo của trường ĐH và kiến thức thực tế từ doanh nghiệp. Trong thời gian tới, tôi hy vọng mối liên kết này sẽ thêm vững chắc để giúp các em chọn đúng ngành nghề, từ đó có công ăn việc làm ổn định sau này; bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ lựa chọn đội ngũ nhân viên đúng năng lực" - TS Lê Anh Đức nhận định.
Hơn 100 giáo viên đã háo hức trao đổi cùng chuyên gia hướng nghiệp TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác Sinh viên, ĐHQG TP HCM. TS Mai chia sẻ những khó khăn trong công tác hướng nghiệp của giáo viên THPT hiện nay và cung cấp các thông tin hướng nghiệp và kỹ năng hướng nghiệp để giáo viên tư vấn, định hướng sâu sát hơn cho học sinh chọn nghề, chọn ngành và chọn trường phù hợp.
TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai, phát biểu tại buổi tập huấn - Ảnh: Tấn Thạnh
Giáo viên tham gia tập huấn phát biểu - Ảnh: Tấn Thạnh
Giáo viên chia sẻ khó khăn trong hướng nghiệp tại buổi tập huấn - Ảnh: Tấn Thạnh
Toàn cảnh hội thảo
Bình luận (0)