Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2016-2017, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức ngày 5-8, trở thành sự kiện quan trọng khi có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo 63 tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều tồn tại của ngành giáo dục được nhìn nhận lại, đồng thời người đứng đầu Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm chấn hưng nền giáo dục.
Chất lượng nguồn nhân lực còn yếu
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết hiện nay Hà Nội đang có hơn 2.622 trường học với hơn 9.000 phòng học, chất lượng giáo dục ở thủ đô được nâng lên. TP tích cực đào tạo, nâng cao trình độ giáo viên, ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh đầu cấp qua mạng nhưng còn nhiều bất cập, chẳng hạn tình trạng trái tuyến, dạy thêm - học thêm.
Tình trạng quá tải các trường ở nội thành, trong khi khu vực ngoại thành có những nơi chưa đến 20 học sinh/lớp. Ông Chung cũng nhìn nhận có hai vấn đề rất nhức nhối hiện nay ở các trường học tại Hà Nội là nước sạch và nhà vệ sinh. Hiện UBND TP đang chỉ đạo rà soát cơ sở vật chất tất cả các trường, trồng cây xanh, lắp đặt internet đến các trường.
Ông Chung cũng đề xuất Bộ GD-ĐT cần có một chương trình định hướng cho học sinh từ lớp 9. “TP cũng đề xuất bộ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong GD-ĐT, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. TP chủ trương đưa ngành du lịch, khách sạn là ngành mũi nhọn nhưng khi rà soát lại thì nguồn nhân lực rất yếu” - ông Chung nói.
Trong khi đó, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, đề nghị Bộ GD-ĐT tham mưu cho Chính phủ tạo cơ chế tự chủ cho địa phương, cơ chế huy động các nguồn lực xã hội hóa cho giáo dục.
Chia sẻ với thực trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng Bộ LĐ-TB-XH cùng Bộ GD-ĐT, Tổng cục Thống kê cần phân tích kỹ để có định hướng điều chỉnh lại cơ cấu các trường, cơ cấu ngành nghề chưa phù hợp. Bà Lan nêu những kiến nghị liên quan đến phân luồng; đẩy mạnh đào tạo ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên; tiếp tục quan tâm đến giáo dục trẻ khuyết tật và nên duy trì một số trường chuyên biệt; có chính sách tốt hơn với học nghề, tăng sức thu hút học sinh học nghề.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, đề xuất Bộ GD-ĐT tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên. Nên có định hướng, mô hình mới, đặc biệt mô hình hội nhập với thế giới để giúp sự nghiệp giáo dục của chúng ta lên tầm cao mới. Nên chọn mô hình điểm để chỉ đạo điểm, sau đó nhân rộng...
Băn khoăn với vấn đề thu hút hiền tài, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nêu thực trạng hiện nay cơ sở vật chất ở các trường sư phạm rất khó khăn trong khi yêu cầu giáo dục đòi hỏi sự phát triển đổi mới từ các trường sư phạm. Đó cũng chính là hạn chế khiến các trường không thu hút được người giỏi về nước. “Tiền lương chỉ là một vấn đề nhưng quan trọng nhất là môi trường làm việc, là phòng thí nghiệm, môi trường nghiên cứu hiện nay chúng ta không có” - ông Minh nói.
Phải giảm tải nhanh
Trước nhiều ý kiến sôi nổi, thẳng thắn của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiều hạn chế, yếu kém gần đây của ngành giáo dục đã được khắc phục một bước nhưng chưa thật căn bản. Đó là chưa coi trọng đúng mức đến giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, gây lo ngại cho xã hội với nhiều vụ bạo lực học đường, còn nhiều tội phạm vị thành niên. Trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, của học sinh phổ thông rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh chúng ta ngày càng hội nhập sâu. Đặc biệt là học sinh của chúng ta còn thiếu kỹ năng sống, dẫn đến nhiều trẻ đuối nước hoặc bị tai nạn thương tích.
Giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp chất lượng hạn chế, chưa gắn với nhu cầu xã hội, thị trường lao động dẫn đến nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn, thất nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhất là lao động có chuyên môn cao. Nội dung học tập và kết quả học tập, nghiên cứu trong trường ĐH chưa gắn với yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Số lượng trường ĐH tăng nhanh nhưng điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu.
“Chất lượng đào tạo sau ĐH (tiến sĩ, thạc sĩ) đáng lo ngại. Đây là sự phản ánh của bệnh thành tích, sính bằng cấp. Đa số các luận án tiến sĩ không được áp dụng trong thực tiễn; nhiều tiến sĩ nhưng lại thiếu những công trình khoa học có giá trị đối với xã hội. Việc này cần phải nghiêm túc chấn chỉnh” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết người dân vẫn rất lo lắng đối với việc học hành của con em, từ việc xin vào học ở đầu cấp học (nhất là ở thành phố), học thêm, dạy thêm, học phí... Việc khắc phục quá tải đối với học sinh phổ thông còn rất chậm. Nhiều nội dung học không có giá trị thực tiễn cho cuộc sống sau này.
Nghiêm túc chấn chỉnh
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải nghiêm túc chấn chỉnh những tồn tại, khắc phục bất cập và cần những giải pháp đột phá, tạo chuyển biến nhanh trong công tác GD-ĐT để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đối với giáo dục phổ thông, chương trình phải bảo đảm hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân trẻ với tính hiện đại, hội nhập; phải giảm tải nhanh, không quá nặng về khối lượng, không quá thiên về kiến thức chuyên môn mà cần phát triển một cách toàn diện văn - thể - mỹ. Cần dạy cho học sinh biết yêu lịch sử, truyền thống dựng nước và bảo vệ đất nước của cha ông, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; chú ý giáo dục thể chất, mỹ thuật, nghệ thuật. Chú trọng dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, bảo đảm các kỹ năng cơ bản nghe, nói, đọc, viết.
Đối với với giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp, phải bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Trình độ đào tạo phải hướng tới “công dân toàn cầu”, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh chúng ta tham gia Cộng đồng ASEAN. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tự chủ ĐH, xác định một cách rõ ràng “trách nhiệm xã hội” của trường ĐH.
“Bộ GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách để chấn hưng và thúc đẩy giáo dục phát triển; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý, chế độ chính sách, đời sống vật chất tinh thần của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận.
Coi học sinh là trung tâm
Dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý đổi mới giáo dục phải coi học sinh là trung tâm. Ông lấy ví dụ như đổi mới khai giảng phải thực hiện đúng việc coi học sinh là nhân vật chính. “Chúng ta phải quyết tâm làm lại đúng tinh thần học sinh làm trung tâm, với mục tiêu là phát triển toàn diện cả về đạo đức, thể chất” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Có khó cũng phải làm
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết trong 9 nhiệm vụ lớn của năm học 2016 - 2017 thì nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được xem là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Dù khó nhưng không thể không làm. Muốn vậy, ưu tiên giải pháp thể chế; làm tốt công tác rà soát các quy định của văn bản và đổi mới cơ chế từ mầm non đến ĐH một cách căn cơ, qua cách tiếp cận là chất lượng.
“Sắp tới đây, ngành GD-ĐT sẽ cụ thể hóa các nhiệm vụ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng thành những đề án, dự án, có sự phối hợp rất cụ thể giữa Bộ GD-ĐT và các bộ, ban, ngành khác; đặc biệt với các địa phương để cùng tổ chức thực hiện” - ông Nhạ nói.
Bình luận (0)