Hôm nay (5-8), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017. Trước hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo các sở GD-ĐT và các cơ sở đào tạo trong cả nước, nhiều kỳ vọng đặt vào ngành giáo dục trong năm học mới.
Còn nhiều bất cập
Nhìn lại năm học 2015-2016, Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận bên cạnh những mặt làm được như đổi mới hoạt động dạy học, thi cử, kiểm tra, đánh giá, mô hình dạy học được đổi mới theo hướng mở, chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học..., ngành giáo dục cũng còn nhiều bất cập, yếu kém.
Điều dễ nhận thấy là việc quy hoạch hệ thống giáo dục quốc dân chậm được điều chỉnh và chưa được quan tâm đúng mức, chưa trở thành cơ sở quan trọng cho công tác quản lý và điều hành, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí nguồn lực. Công tác dự báo, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa hiệu quả, chưa sát với nhu cầu. Công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa tốt, chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do sự quan tâm, đầu tư cho việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, chưa tương xứng. Môi trường giao tiếp ngoại ngữ hạn chế, học sinh ít có cơ hội thực hành ngôn ngữ ngoài thời gian học trên lớp. Đa số giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn năng lực tiếng Anh dù có bằng cấp theo trình độ đào tạo. Trong khi đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ngoại ngữ ở nhiều địa phương, cơ sở giáo dục (nhất là khu vực nông thôn, miền núi) còn nhiều khó khăn. Tiến độ triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Đối với giáo dục ĐH, các cơ chế, chính sách về tự chủ còn thiếu và chưa đồng bộ. Việc giao quyền tự chủ, nhất là với giáo dục ĐH, mới chỉ thực hiện trong phạm vi hẹp; điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính, trong khi các khía cạnh khác như năng lực tự chủ về học thuật, tổ chức và nhân sự chưa được chú trọng đầy đủ. Đặc biệt, nhiều cơ sở đào tạo còn tư duy bao cấp, dựa vào nhà nước. Chất lượng giáo dục còn hạn chế, nhất là ở bậc ĐH, chưa thực sự tạo thành động lực để phát triển kinh tế cho đất nước.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thẳng thắn nhìn nhận có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hạn chế nêu trên. Trong đó, thiếu tư duy đổi mới và quyết tâm hành động là nguyên nhân quan trọng nhất.
Minh bạch chất lượng
Trong năm học tới, Bộ GD-ĐT sẽ tăng quyền tự chủ cũng như yêu cầu về trách nhiệm giải trình của các trường nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Việc mở rộng quyền tự chủ cần bảo đảm theo đúng năng lực tự chủ, phải quy định đầy đủ, rõ ràng các chuẩn chất lượng, đặc biệt là chuyển từ quản lý chất lượng đầu vào sang tăng cường quản lý chất lượng đầu ra, tăng cường kiểm định chất lượng và có biện pháp hữu hiệu để bảo đảm thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện, cơ chế để các cơ sở đào tạo được tăng nguồn thu cho tương xứng với việc tăng chất lượng đào tạo. Bắt buộc các cơ sở đào tạo phải minh bạch thông tin về chất lượng đào tạo, mức thu học phí để người học lựa chọn và xã hội giám sát; tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.
Để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, trong năm học 2016-2017, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tập trung bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với giáo dục phổ thông, chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường đối với tất cả cơ sở nghề nghiệp, cơ sở giáo dục ĐH. Hỗ trợ các trường ĐH sư phạm và CĐ sư phạm triển khai đào tạo giáo viên ngoại ngữ theo chương trình ngoại ngữ mới; chú trọng đào tạo giáo viên ngoại ngữ trình độ CĐ, ĐH ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Bên cạnh đó, hoàn thiện chương trình, tài liệu, sách giáo khoa, hệ thống học liệu ngoại ngữ trực tiếp và trực tuyến để đáp ứng mục tiêu đào tạo. Xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình dạy và học một số ngoại ngữ khác (ngoài tiếng Anh); chương trình, tài liệu dạy và học ngoại ngữ tăng cường, chuyên ngữ và song ngữ ở một số môn học của giáo dục phổ thông, một số môn học, ngành học của các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ và trung cấp, đáp ứng yêu cầu của từng vùng và địa phương, phù hợp với nhu cầu người học.
Đổi mới thi, kiểm tra ngoại ngữ
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ triển khai đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo chuẩn đầu ra ngay trong quá trình và kết quả từng giai đoạn GD-ĐT; xây dựng, hoàn thiện các định dạng đề thi theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện, phát triển ngân hàng đề thi quốc gia; khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên soạn câu hỏi thi, đội ngũ giám khảo phục vụ đổi mới thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu.
Bình luận (0)