Bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 366 Bộ Luật Hình sự 2015, cho biết mặc dù có con trai học trường chuyên của tỉnh nhưng "chỉ lo con trượt tốt nghiệp" THPT nên đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài (nguyên trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) "quan tâm đến cháu". Con của ông Khuông sau đó được nâng 13,3 điểm.
Theo lời khai của bị cáo Khuông, bản thân chỉ mong con vượt qua kỳ thi tốt nghiệp để học nghề tại một trường trung cấp nghề nào đó. "Hiện, con trai bị cáo đang học Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ tại Hà Nội. Mỗi khi nhắc đến chuyện này, con bị cáo rất buồn vì bị ảnh hưởng tâm lý, nếu không nâng điểm thì con trai bị cáo vẫn đủ điểm đỗ. Đây là điều mà bị cáo vô cùng đau lòng, bị cáo vô cùng ân hận về việc này" - bị cáo Khuông nói.
Còn bị cáo Nguyễn Thanh Hoài khai nhân vật ký hiệu có tên "Q" mà Hoài nhắn tin báo cáo, cầu cứu và được giúp đỡ khi một số lãnh đạo ở Sở GD-ĐT "đang nâng cao quan điểm và làm khó" chính là ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Trong phần xét hỏi bị cáo Lê Thị Dung, nguyên phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Hà Giang, với cáo buộc nhờ Nguyễn Thanh Hoài "giúp đỡ", nâng điểm cho 20 thí sinh, trong số đó có nhiều thí sinh từ các tỉnh - thành khác đến Hà Giang để dự thi. Dung khai các thí sinh này chủ yếu do quen biết, quan hệ từ đồng nghiệp, bác sĩ trong bệnh viện, người giữ xe bệnh viện, nơi đến khám bệnh đến các thí sinh đi nghĩa vụ quân sự trở về.
Người bị xét hỏi cuối cùng trong 5 bị cáo là bị cáo Triệu Thị Chính, cựu Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, căng thẳng hơn khi bị cáo Chính không đồng ý với cáo trạng truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo điều 358 Bộ Luật Hình sự 2015. Bị cáo này thừa nhận có đưa cho Nguyễn Thanh Hoài 1 danh sách gồm 13 thí sinh, song chỉ nhờ xem điểm môn ngữ văn, không thống nhất với Hoài về số điểm cần nâng về bất kỳ thí sinh nào. Việc lập danh sách 13 thí sinh là do được 6 người nhắn tin và bằng lời trao đổi trực tiếp với ông Vũ Văn Sử (cựu Giám đốc Sở GD-ĐT). Trong tất cả tin nhắn không có người nhắn tin nào nhờ bị cáo nâng điểm.
Cũng theo bị cáo Triệu Thị Chính, trong vụ án này bản thân bị cáo và dư luận thấy rất cần thiết phải xem xét và kiến nghị HĐXX mở cuộc điều tra, làm rõ việc có lợi ích vật chất hay không trong vụ án này, với con số rất đông người liên quan như vậy mà lại không có vụ lợi gì thì phải hoài nghi. Ngoài ra, bị cáo Chính cũng kiến nghị HĐXX giữ lại kết quả điểm thi năm 2017, nếu cần thì xem xét làm rõ.
"Con bí thư đấy...!"
Tại buổi làm việc này, bị cáo Triệu Thị Chính cũng đã giải trình và ký vào biên bản. Trong biên bản này có nêu tên, tuổi cụ thể của 13 thí sinh cũng như phụ huynh, trong đó có 2 trường hợp đáng chú ý. Một là thí sinh Lưu Thủy Tiên, con của bà Chúng Thị Chiên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; trường hợp thứ hai là thí sinh Triệu Ngọc Mai, con của ông Triệu Tài Vinh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương). Biên bản ghi rõ lời bà Chính: "Trong cơ quan, nhiều người biết có con đồng chí Triệu Tài Vinh thi năm 2018. Mọi người có lúc trao đổi ngoài lề với nhau, đồng chí Vũ Văn Sử có nhắc con bí thư đấy, bà Chính nói em biết rồi".
Bình luận (0)