Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang sáng 15-10, Hội đồng xét xử (HĐXX), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), các luật sư tiếp tục xét hỏi bị cáo trong vụ án.
Bị cáo Phạm Văn Khuông
Bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 366 Bộ luật hình sự 2015, cho biết mặc dù có con trai học trường chuyên của tỉnh nhưng "chỉ lo con trượt tốt nghiệp" THPT nên đã nhờ bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Giang) "quan tâm đến cháu". Con của bị cáo Khuông sau đó được nâng 13,3 điểm.
Theo lời khai của bị cáo Khuông, bản thân chỉ mong con vượt qua kỳ thi tốt nghiệp để học nghề tại một trường trung cấp nghề nào đó. Hiện, con trai bị cáo đang học Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ tại Hà Nội. "Mỗi khi nhắc đến chuyện này, con bị cáo rất buồn vì bị ảnh hưởng bởi tâm lý, bởi nếu không nâng điểm thì con trai bị cáo vẫn đủ điểm vào trường này. Đây là điều mà bị cáo vô cùng đau lòng, bị cáo vô cùng ân hận về việc này" - bị cáo Khuông nói.
Tiếp đó, HĐXX hỏi bị cáo Khuông: "Con đã là học sinh trường chuyên thì phải học giỏi, tại sao lại lo trượt tốt nghiệp, phải chăng ngày trước con trai bị cáo đã phải "chạy" để vào trường chuyên?", Khuông trả lời: "Con bị cáo không chạy vào trường chuyên. Bị cáo chỉ lo tốt nghiệp vì lúc ôn thi có một vài môn cháu không chú tâm lắm, chỉ sợ con trẻ sơ sảy một tí là bị điểm liệt".
Về quá trình "nhờ" cấp dưới là bị cáo Hoài, Khuông cho biết trong một bữa cơm liên hoan của cơ quan, bị cáo nói "chỉ lo con trai trượt tốt nghiệp" và Hoài nói "em hiểu". Bị cáo hoàn toàn không nói đến chuyện nâng điểm môn nào, nâng bao nhiêu điểm, chỉ nhờ "chung chung" vậy, còn giúp đỡ đến đâu thì tùy thuộc vào anh em giúp.
HĐXX đặt vấn đề "đây có phải là nhờ nâng điểm không?", bị cáo Khuông đáp "Bị cáo có nhờ Hoài quan tâm, nhưng không nói rõ là nâng điểm".
Còn đại diện VKS cho rằng bị cáo Khuông nhận thức rõ về quy chế mà lại nhờ Hoài giúp đỡ con thi cử, bị cáo Khuông khai nhận: "Việc nhờ Hoài là chuyện rất thường tình trong cuộc sống, anh em quan tâm thì bị cáo nhờ. Bị cáo nhận thức sau sự việc xảy ra là sai, bị cáo đã khai rất đầy đủ tường tận với với cơ quan điều tra".
Bị cáo Khuông cũng khai thêm rằng trong quá trình như vậy bị cáo không biết giúp mọi người như thế nào. Bị cáo nói nguyện vọng mong muốn đỗ tốt nghiệp và đỗ vào các trường, bị cáo chỉ nói chung chung còn giúp đỡ đến đâu thì tùy thuộc vào anh em giúp.
Phiên toà sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang dự kiến diễn ra trong 3 ngày: 14, 15, 16-10. Các bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương, nguyên trưởng và phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại điều 356 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", quy định tại điều 358 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang và Lê Thị Dung, nguyên phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", quy định tại điều 366 Bộ luật Hình sự.
Các cơ quan tố tụng xác định 5 bị cáo nêu trên đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thực hiện hành vi sửa bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh. Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn, người thấp nhất 2,2 điểm đối với 1 môn.
Bình luận (0)