Phát biểu tại hội nghị tập huấn về thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tổ chức ngày 9-6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ khẳng định để triển khai thực hiện tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như bảo đảm an toàn, chính xác, khách quan, minh bạch thì đòi hỏi sự vào cuộc sát sao, nghiêm túc, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT; các bộ, ban, ngành liên quan và 63 tỉnh - thành phố.
Bộ Công an phối hợp chặt chẽ
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các địa phương đặc biệt chú ý lựa chọn nhân sự tham gia vào khâu tổ chức thi cử vừa vững chuyên môn vừa có đạo đức, trách nhiệm. Những người có nhân thân không đáp ứng yêu cầu thì tuyệt đối không giao nhiệm vụ. Đồng thời, cần tập huấn kỹ lưỡng để nhân sự nắm chắc quy chế, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, tăng cường thanh - kiểm tra các khâu của kỳ thi và xử lý tốt các tình huống phát sinh. "Khi làm đúng và làm tốt từ ban đầu, những bước tiếp theo của kỳ thi sẽ được bảo đảm" - ông Nguyễn Hữu Độ nói.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) đang ôn thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Phạm Quốc Khánh, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho hay do thay đổi mục tiêu nên việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có một số điều chỉnh. Cụ thể, kỳ thi được giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức tại địa phương. Quy chế thi tốt nghiệp THPT đã quy định rõ trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh phải là lãnh đạo UBND tỉnh. Lãnh đạo UBND cấp quận - huyện - thị xã - thành phố thuộc tỉnh cũng được yêu cầu có mặt trong thành viên ban chỉ đạo thi này. Tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của thành viên các ban, hội đồng được quy định rõ ràng.
Khâu coi thi của kỳ thi cũng có điểm mới là không có sự tham gia của giảng viên các trường ĐH, CĐ. Quy chế quy định trưởng điểm thi, phó trưởng điểm thi (không phụ trách cơ sở vật chất), cán bộ coi thi và cán bộ giám sát phòng thi không được làm nhiệm vụ tại điểm thi có học sinh lớp 12 của trường mình dự thi trong năm 2020.
Mỗi phòng thi bố trí 2 cán bộ coi thi ở 2 trường phổ thông khác nhau; mỗi cán bộ giám sát thực hiện giám sát không quá 3 phòng thi trong cùng một dãy phòng thi. Bảo đảm nguyên tắc 1 cán bộ không coi thi quá 1 lần tại 1 phòng thi trong kỳ thi. Trong quá trình coi thi, các tình huống bất thường (nếu có), đặc biệt là tình huống ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, cán bộ coi thi phải thông qua cán bộ giám sát để báo ngay cho trưởng điểm thi xem xét quyết định trước khi xử lý.
Ông Phạm Quốc Khánh đề nghị các địa phương tập huấn kỹ lưỡng quy chế, hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT tới toàn bộ cán bộ, giáo viên được phân công tham dự tổ chức kỳ thi này.
Theo đại diện Bộ Công an, đơn vị này xác định việc bảo đảm an toàn, an ninh cho kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến nhiều ngành nhưng công an có vai trò nòng cốt. Bộ Công an sẽ tăng cường chỉ đạo công an địa phương phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng nhằm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
Chỉ được thi 1 bài tổ hợp
Bộ GD-ĐT cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn thi thành phần là vật lý, hóa học, sinh học; 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải làm 4 bài gồm 3 bài độc lập bắt buộc và 1 bài tổ hợp tự chọn; thí sinh giáo dục thường xuyên dự 2 bài độc lập bắt buộc và 1 bài tổ hợp tự chọn. Khác năm 2019, thí sinh có thể đăng ký cả 2 bài tổ hợp thì năm nay các em chỉ được dự thi duy nhất 1 bài tổ hợp, môn thi thành phần của 1 bài thi tổ hợp.
Về sắp xếp thí sinh, quy định phải bố trí thí sinh lớp 12 giáo dục THPT cùng các thí sinh tự do khác; bảo đảm tỉ lệ có ít nhất 60% thí sinh lớp 12 giáo dục THPT trong tổng số thí sinh của điểm thi. Trường hợp đặc biệt cần có ý kiến của Bộ GD-ĐT. Mỗi phòng có tối đa 24 thí sinh, bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh cạnh nhau là 1,2 m theo hàng ngang.
Cũng tại buổi tập huấn, Bộ GD-ĐT đã công bố danh sách dự kiến 64 hội đồng thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Chấm kiểm tra ít nhất 5% bài tự luận
Tài liệu tập huấn ghi rõ chủ tịch hội đồng thi (hoặc người được chủ tịch hội đồng thi ủy quyền) tiến hành đặt các mật khẩu trên phần mềm tại mỗi bước đọc ảnh, sửa lỗi bài thi, chấm điểm; chỉ cung cấp mật khẩu cho ban chấm thi trắc nghiệm để tiến hành bước đó khi đã nhận được CD chứa dữ liệu của bước trước đó. Đối với chấm kiểm tra bài thi tự luận, phải bố trí đủ cán bộ chấm thi để thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi theo tiến độ chấm của ban chấm thi tự luận. Các thành viên của tổ chấm kiểm tra chỉ làm việc trực tiếp với các tổ chấm thi có liên quan theo chỉ đạo của trưởng ban chấm thi tự luận.
H.Lân
Bình luận (0)