Dự án được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu Cải tiến Y tế (Center for Healthcare Improvement Research - CHIR) cùng Hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam (Làng SOS), với sự hỗ trợ từ Quỹ ASIF Foundation. Dự án được triển khai từ tháng 8 đến tháng 12-2021 tại 17 Làng trẻ em SOS ở 17 tỉnh, thành.
Dự án được thành lập nhằm đào tạo, tập huấn các mẹ, các dì và đội ngũ nhân viên chăm sóc trẻ về an toàn phòng chống dịch, phòng tai nạn thương tích khi trẻ ở nhà. Ngoài ra, dự án còn hướng đến thay đổi tư duy về an toàn cho trẻ của các phụ huynh, người chăm sóc trẻ, trường học và cộng đồng. Chuyên gia của dự án sẽ phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội nhằm giúp trẻ tự do trưởng thành trong an toàn.
Các mẹ, dì và trẻ em Làng SOS Đà Nẵng trong một buổi học của Dự án “An toàn tại nhà cho trẻ”. (Ảnh: CHIR)
Những nội dung cụ thể được triển khai gồm: Nhận diện và xử lý nguy cơ mất an toàn cho trẻ tại nhà; quản lý chủ động các nguy cơ mất an toàn cho trẻ bằng công cụ 5S; chăm sóc ban đầu và phòng ngừa các bệnh lý lây nhiễm thường gặp ở trẻ; cách xử trí và phòng chống các sự cố an toàn cho trẻ; an toàn cho trẻ khi di chuyển và kiến thức an toàn cho trẻ tại nhà trong mùa dịch Covid -19.
Trẻ em tại Làng SOS Gò Vấp (TP.HCM) trong một buổi học đeo khẩu trang đúng cách. (Ảnh: CHIR)
Tất cả được truyền tải dưới dạng lý thuyết kết hợp thực hành, đào tạo song song cho cả người và trẻ ở làng SOS thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến CHIR-Elearning; các hội thảo; tọa đàm chia sẻ.
Là người trực tiếp chia sẻ kiến thức trong dự án lần này, bác sĩ Lan Viên, Chuyên gia từ CHIR, cho biết đây là khóa học đặc biệt để các mẹ, các dì và trẻ em tại Làng SOS thay đổi hành vi, vì mục tiêu an toàn cho trẻ.
Cô Trương Cẩm Tiên - đang chăm sóc cho trẻ ở làng SOS Gò Vấp, TP HCM - cho hay khi được tham dự Khóa học An toàn cho trẻ, cô đã có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, phương pháp phòng ngừa cũng như xử lý các sự cố của trẻ.
Bên cạnh đó, trẻ trong làng SOS cũng đã rèn được nhiều kỹ năng đa dạng như: giải phóng stress bằng yoga cười, rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách, thực hiện 5S, 5K. Trẻ cũng nắm bắt được một số nguy cơ, cách sơ cứu và kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản.
"Qua buổi học, mẹ và trẻ có cơ hội hiểu nhau hơn, từ đó có những giải pháp chung cùng thực hiện để khi có sự cố xảy ra có thể tự tin xử lý ngay" - cô Tiên nhận xét.
Bình luận (0)