xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giáo dục đại học thụt lùi, vì đâu? (*) Buông lỏng quản trị hệ thống

PHẠM THỊ LY

Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn loay hoay với việc chỉ đạo những vấn đề lẽ ra là việc của cấp trường, như tuyển sinh hay nhân sự lãnh đạo

Giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH gần đây hứng chịu nhiều phê phán của công chúng. Những chỉ trích đó có khi trái ngược nhau. Một mặt, các trường kêu gọi được trao nhiều quyền tự chủ hơn và phê phán những quy định chặt chẽ, bất cập của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Mặt khác, xã hội phàn nàn là bộ buông lỏng quản lý dẫn đến tuyển sinh bừa bãi, chất lượng giảm sút, thất nghiệp tràn lan và ở trường tư thì xảy ra hiện tượng tranh chấp nội bộ.

Tư duy làm chính sách không có bước tiến

Trong bối cảnh đó, vẫn có một số ít trường tạo ra kết quả đáng khích lệ, là nhờ lãnh đạo cấp trường có tầm nhìn xa, có năng lực lãnh đạo, có khả năng thu hút người giỏi và can đảm thực hiện những sáng kiến đổi mới. Để làm được điều đó, họ cần có khả năng thích ứng với bối cảnh chính sách, với đòi hỏi của thị trường và điều hòa được lợi ích của các bên khác nhau.

Tuy nhiên, những trường hợp như vậy không nhiều. Phần lớn các trường vẫn phải chạy theo việc đáp ứng các quy định nhiều khi bất cập của bộ, thiếu động lực để đổi mới và thiếu tầm nhìn để đầu tư dài hạn.

Bộ GD-ĐT vẫn loay hoay với việc chỉ đạo những vấn đề lẽ ra là việc của cấp trường, như tuyển sinh hay nhân sự lãnh đạo. Đến bộ trưởng cũng từng nhìn nhận bộ này chẳng khác nào “Bộ thi” vì dường như việc chỉ đạo tuyển sinh chiếm gần hết thời gian và nỗ lực của bộ.


Phụ huynh đợi con thi trong kỳ thi ThPt quốc gia 2016 Ảnh: hoàng Triều

Phụ huynh đợi con thi trong kỳ thi ThPt quốc gia 2016 Ảnh: hoàng Triều

Trước thực tế ấy, cải thiện chất lượng quản trị hệ thống, hay nói cụ thể hơn là chất lượng xây dựng chính sách, trở thành một nhu cầu bức thiết.

Từ trước tới nay, người ta thường thấy vai trò chỉ đạo của bộ thể hiện qua việc đưa ra những quy phạm về mọi mặt hoạt động của nhà trường để hướng dẫn các trường về những việc được phép làm và làm như thế nào. So với cách đây vài chục năm, phải nhìn nhận là những quy định hiện nay đã thông thoáng hơn rất nhiều, và xu hướng nhất quán là quyền tự chủ của các trường ngày càng được mở rộng. Có nhiều ví dụ cho thấy điều đó, cụ thể nhất là tuyển sinh, hay quy định về việc tổ chức sinh hoạt học thuật có yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên, tư duy làm chính sách thì không có bước tiến nào đáng kể. Chủ yếu là đưa ra các quy định hướng dẫn và thời gian sau này là ban hành các tiêu chuẩn (tiêu chuẩn kiểm định, tiêu chuẩn chất lượng trường ĐH, tiêu chuẩn giảng viên, tiêu chuẩn phân tầng...). Vấn đề là, nếu những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng đó không gắn với các chính sách khích lệ nhằm tạo ra động lực cải thiện cho các trường thì nó sẽ chỉ kích thích cách làm đối phó. Mà những cách ấy chẳng phải lúc nào cũng có thực chất hay góp phần thực sự cải thiện hoạt động của các trường.

Vai trò quản lý nhà nước ở đâu?

Vai trò của Bộ GD-ĐT không phải là cho cái này, cấm cái khác, càng không phải là can thiệp vào những việc cụ thể của các trường - ví dụ như nhân sự lãnh đạo, chỉ tiêu hay phương thức tuyển sinh - mà là tạo ra những cơ chế khích lệ các trường chọn cách xử sự phù hợp với những mục tiêu nhà nước mong muốn.

Ví dụ, nhà nước không nên cấm các trường hoặc hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo những ngành hiện nay có tỉ lệ thất nghiệp cao, với lý do những ngành này đang thừa nhân lực và đào tạo thêm sẽ làm tăng khả năng khủng hoảng thừa, gây lãng phí cho xã hội và cho người học. Tuy lý do ấy rất cao đẹp và hợp lý song trong thực tế nó rất dễ bất cập. Vì kinh tế tri thức và toàn cầu hóa ngày nay biến đổi rất nhanh, nhiều ngành đang rất “hot” hôm nay có thể sẽ biến mất hoàn toàn trong vài năm nữa do những tiến bộ công nghệ. Dù nhà nước nắm trong tay nguồn lực và nguồn tư liệu lớn, cũng không thể dự báo chính xác ngành nào sẽ cần bao nhiêu người trong vài năm tới.

Thay vào đó, dựa trên dữ liệu thống kê bộ có thể theo dõi được chính xác số liệu sinh viên của từng ngành trong cả nước. Số liệu này nên được truyền thông rộng rãi để tất cả các bên (bao gồm cả nhà trường, người học, phụ huynh, giới doanh nghiệp...) có cơ sở đưa ra những quyết định trên cơ sở thông tin đầy đủ. Vai trò can thiệp của bộ có thể thể hiện qua việc cấp học bổng cho sinh viên những ngành có ít người học nhưng bao giờ cũng cần cho việc xây dựng nền tảng xã hội, như những ngành khoa học nhân văn, dân tộc, khảo cổ... Những ngành đã có dấu hiệu thừa người như ngành sư phạm hiện nay, thì không cần cấp học bổng, mà nên cấp kinh phí cho các trường này thực hiện việc huấn luyện chuyên môn phục vụ cho các chương trình cải cách.

Bằng cách đó, bộ không cần phải cấm đoán các trường cũng sẽ vận động theo hướng tự điều tiết. Một ví dụ khác, thay vì quy định điểm sàn chung cho cả hệ thống, bộ nên để các trường tự xác định phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có vấn đề điểm sàn. Điều quan trọng là phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh đó cần được nêu công khai trên trang web của trường, để thí sinh có đủ thông tin và đối chiếu, xã hội cũng có thông tin để đánh giá về chiến lược, năng lực, cũng như tính chính trực của các trường.

Chính sách cần được phản biện bởi chuyên gia độc lập

Năng lực xây dựng chính sách có ý nghĩa cốt lõi trong quản trị hệ thống. Thay vì chỉ dựa vào một đội ngũ chuyên viên hoặc dựa vào ý kiến của các trường, bộ cần sự hỗ trợ của lực lượng chuyên gia độc lập. Sở dĩ cần có vai trò của chuyên gia độc lập vì họ ở vị trí khách quan để xem xét vấn đề. Bộ nên tham vấn họ thay vì chịu ảnh hưởng ý kiến của số đông trên mạng xã hội. Thực tế chứng minh là chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về số đông, nhất là một đám đông thiếu thông tin. Chuyên gia độc lập là những người có năng lực chuyên môn và có đủ dữ liệu, thông tin để gạn lọc những ý kiến có giá trị trong công chúng, không để những bình luận cảm tính, định kiến, không có cơ sở ảnh hưởng tới việc phân tích và nhận định của mình. Họ cần được tạo điều kiện để thực hiện công việc của mình một cách chuyên nghiệp và khách quan.

(*) Xem diễn đàn: Giáo dục ĐH thụt lùi, vì đâu?

Bài kỳ trước: Chương trình, giảng viên lạc hậu

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo