xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giáo dục đại học vì tiền

Phạm Dương thực hiện

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho đây là một thực trạng nhưng không ai chịu thừa nhận

Phóng viên: Từ thực tế giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong giáo dục ĐH, ông cảm nhận thế nào về chất lượng giáo dục ĐH hiện nay?

 

img

- GS-TS Nguyễn Minh Thuyết:
Có thể nói giáo dục ĐH thời gian qua phát triển quy mô đào tạo rất lớn nhằm đạt chỉ tiêu đến năm 2020 có 450 sinh viên/10.000 dân. Chính vì xác định như vậy mà thời gian qua, chúng ta đã cho mở ồ ạt các trường ĐH. Tỉ lệ số trường ĐH được duyệt lên tới 90%, trong khi những điều kiện như chất lượng đào tạo, tỉ suất đầu tư, cơ sở vật chất, trường lớp, giảng viên... chưa bảo đảm được nhu cầu giảng dạy.
 
Thả nổi chất lượng
 
* Thưa ông, chất lượng giáo dục ĐH thấp, vậy tại sao Bộ GD-ĐT lại không biết cũng như không có động thái chấn chỉnh?
 
- Câu hỏi này tôi nghĩ phải đặt ra với Bộ GD-ĐT, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục. Có thể thấy chúng ta đã mải mê chạy theo số lượng. Vừa qua, Bộ GD-ĐT có tiến hành đánh giá chất lượng đào tạo ĐH nhưng chủ yếu là các trường tự đánh giá mình... Điều này thực ra không có ý nghĩa gì. Tôi cho rằng đã có khuyết điểm lớn trong quản lý chất lượng.
 
* Phải chăng chỉ chạy theo số lượng mà thả nổi chất lượng?
 
- Đúng vậy. Ví dụ như suất đầu tư, Nhà nước quy định 6 triệu đồng/sinh viên/năm đối với các trường công lập. Nhưng trên thực tế, các trường được Bộ GD-ĐT duyệt chỉ tiêu đào tạo gấp 3, 4 lần nên dẫn đến việc giảm suất đầu tư xuống còn 2 triệu đồng/sinh viên/năm. Cộng với học phí khoảng 1,8 triệu đồng/năm thì cũng chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/sinh viên. Như thế là quá thấp.
img
Poster tuyển sinh năm học 2010-2011 của Trường Đại học Công nghệ thông tin
Gia Định đang được dán trên cổng nhà dân ở quận 3 - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
 
* Ngoài chạy theo số lượng, theo ông, nguyên nhân gì khiến chất lượng giáo dục ĐH thấp như vậy?
 
- Mọi việc đều có nguyên nhân của nó. Việc cho mở nhiều trường ĐH, nâng cấp các trường trung cấp lên CĐ, CĐ lên ĐH... một cách dễ dãi chứng tỏ tiêu chí của Nhà nước đặt ra để xét duyệt mở các trường, các ngành không được tôn trọng. Còn tại sao không được tôn trọng thì có nhiều lý do và cũng có nhiều lời đồn thổi nhưng để chứng minh thì không đơn giản.
 
“Mỡ nó rán nó”
 
* Việc các trường chạy theo số lượng như vậy thì họ có lợi gì?
 
- Tất nhiên là có lợi, có thêm ngành là có thêm sinh viên, có thêm sinh viên thì có thêm tiền trang trải những chi phí hoạt động. Mở thêm hệ tại chức, đào tạo từ xa, liên kết... đều có lợi về mặt vật chất cả. Cho nên họ không tự kìm hãm được mong muốn tăng số lượng.
 
* Như vậy, chúng ta nói sợ thương mại hóa giáo dục nhưng trên thực tế nó đang diễn ra một cách rất sâu sắc và tràn lan?
 
- Đúng thế. Đáng lẽ phải thừa nhận có thị trường hóa giáo dục để điều tiết nhưng chúng ta không thừa nhận. Có những người hoạt động giáo dục không vì mục đích vụ lợi nhưng có những người vì lợi nhuận.
 
Việc tăng quy mô bất kể điều kiện đào tạo, tăng sĩ số trong lớp lên quá lớn... đã thể hiện rõ động cơ lợi nhuận. Hiện nay, mỗi lớp có hàng trăm sinh viên, lớp tại chức  có thể tới 150 sinh viên. Đó chính là biểu hiện của thương mại hóa giáo dục.
 
Các trường dân lập, tư thục đang hành xử theo kiểu “mỡ nó rán nó”, tức là lấy ngay học phí của sinh viên để tái đầu tư vào đào tạo chứ không có bổ sung gì. Một số trường thậm chí còn đợi xem Bộ GD-ĐT duyệt chỉ tiêu tuyển sinh, càng nhiều càng tốt, sau đó mới chạy đi thuê lớp, thuê giáo viên.
 
* Phải chăng có chuyện “đà điểu rúc đầu xuống cát”, không chịu nhìn vào thực tế thương mại hóa giáo dục để có giải pháp?
 
- Có thể nói người quản lý hoặc không nhận ra hoặc cố tình không nhận ra để có biện pháp quản lý thích hợp.
 
* Đã đến lúc thừa nhận có thương mại hóa giáo dục để có biện pháp quản lý tương xứng?
 
- Đáng ra phải nhận ra từ lâu chứ không phải bây giờ. Trước đây, khi trả lời báo chí, tôi cũng đã nhiều lần cảnh báo vấn đề cần quan tâm trong giáo dục hiện nay là giáo dục ĐH, dạy nghề chứ không phải giáo dục phổ thông.

 

Tập trung chất vấn về dân sinh

 
Trong tuần làm việc thứ 4 kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa XII, từ chiều ngày 10 đến trưa 12-6 sẽ diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo Văn phòng QH, đến ngày 5-6, đã có khoảng 160 câu hỏi chất vấn của đại biểu tập trung vào các vấn đề “nóng” hiện nay như: ùn tắc giao thông, đầu tư hạ tầng giao thông, thiếu điện, xuất khẩu gạo, cho thuê đất rừng, tài nguyên môi trường... Toàn bộ phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
 
Trong tuần, QH sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH. QH cũng cho ý kiến chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM, thảo luận đồ án quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội...

T.Dũng

Tài trợ cho con nhà giàu

 
Ông Nguyễn Minh Thuyết cho biết vận hành nền giáo dục của ta hiện rất hỗn độn. Nào mở trường Pháp, trường Mỹ, trường Úc... với đủ các thứ chương trình. “Tôi không hiểu nếu cứ để thế này thì bản sắc giáo dục của VN sẽ đi về đâu?” - ông băn khoăn.
 
Theo ông Thuyết, trong báo cáo giám sát, Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo về các chủ trương xây dựng các trường ĐH quốc tế... Nhà nước tính đầu tư vào đây tới hơn 180 triệu USD nhưng khóa đầu chỉ có... 28 sinh viên. Nhà nước tài trợ mỗi sinh viên một nửa học phí. Những sinh viên được tài trợ học phí có lẽ là con nhà giàu bởi học phí mỗi năm tới hàng trăm triệu đồng.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo