xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng kinh doanh giáo dục!

Tô Hà - Thế Dũng

Trước ý kiến gay gắt của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân công nhận những yếu kém trong quản lý giáo dục bậc ĐH nhưng để khắc phục cần phải có thời gian

Ngày 7-6, Quốc hội (QH) “nóng” khi bàn việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH.

img
Đại biểu Triệu Thị Bình (Yên Bái): Xử phạt vi phạm trong tuyển sinh ĐH chưa đủ sức răn đe. Ảnh: Thế Dũng
 

Ồ ạt mở trường, có tiêu cực không?

 
Trình bày báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi nhấn mạnh qua 3 đợt giám sát trong cả nước, cho thấy quy mô đào tạo bậc ĐH đã vượt xa năng lực đào tạo.
 
Ông Thi nêu rõ bằng nhiều phương thức khác nhau, từ năm 1998 đến 2009, đã có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó, có 230 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn.
 

Phó Thủ tướng  Nguyễn Thiện Nhân cam kết: “Ban cán sự Bộ GD-ĐT đã ra nghị quyết và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị về vấn đề này. Một lộ trình 3 năm (đến năm 2012) đã được vạch rõ với khâu đột phá là đổi mới quản lý giáo dục ĐH nhằm tạo ra những chuyển biến căn bản, nâng cao chất lượng của giáo dục ĐH”.

Từ thực tế này, nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ lo ngại về chất lượng đào tạo ĐH. ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nêu câu hỏi: “Bộ GD-ĐT cho thành lập tràn lan các trường ĐH, CĐ, cần làm rõ có chạy chọt, tiêu cực không?”.
 
Còn theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), trong thực tế, việc mở trường ĐH không khác mở một công ty, vì lợi nhuận.
 
Đồng quan điểm, ĐB Trương Văn Nọ (Long An) nói: “Đừng để con em của chúng ta trở thành nạn nhân của việc kinh doanh giáo dục”.
 
Lo tuyển sinh, lờ chất lượng
 
Theo ông Thi, do chú trọng phát triển quy mô đào tạo nên các cơ sở giáo dục ĐH chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng đầu vào của sinh viên (SV). Để trở thành SV, nhiều thí sinh chỉ cần đạt 13,4 điểm, như vậy điểm mỗi môn thi chỉ cần đạt từ 4,3 đến 4,7.
 
Phần lớn các trường ĐH ngoài công lập, trường quốc tế tuyển sinh với điểm chuẩn sát điểm sàn. Điểm chuẩn của các trường CĐ còn thấp hơn.
 
Chưa thỏa mãn với chỉ tiêu tuyển sinh “thoáng”, nhiều trường còn tham lam tuyển vượt chỉ tiêu. Năm 2009, có 32 trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, điển hình là Trường CĐ Cần Thơ vượt 88,64%, Trường ĐH Phan Thiết vượt 91,73%...
 
Đáng nói hơn, theo ĐB Triệu Thị Bình (Yên Bái), có trường tự tuyển thêm hàng trăm SV vào những ngành mà Bộ GD-ĐT chưa cho phép mở nhưng chế tài xử lý những vi phạm này chưa đủ sức răn đe.
 
Thậm chí, một số trường ĐH còn “liều mạng” vi phạm luật bằng việc mở nhiều cấp học, từ trung cấp đến sau ĐH nhưng Bộ GD-ĐT chưa xử lý trường hợp nào. 
 
ĐB Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) cho rằng các cơ sở đào tạo ĐH ngoài công lập thành lập không theo một quy định nào cả, trường không ra trường, lớp không ra lớp, chủ thể quản lý không rõ ràng vẫn mặc nhiên tồn tại.
 
Thầy vừa thiếu vừa “yếu”
 
Bên cạnh sự yếu kém, thiếu thốn, thậm chí là “trắng” về cơ sở vật chất của số đông trường ĐH, CĐ  như “trắng” ký túc xá, thư viện, phòng lab..., nhiều ĐB còn quan ngại chất lượng giảng viên.
 
ĐB Nguyễn Ngọc Minh nhận xét: “Tình trạng học giả bằng thật khá phổ biến hiện nay, Bộ GD- ĐT cần sớm có hướng khắc phục” .
 
Theo ông Thi, từ năm 1987 đến 2009, số SV tăng 13 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Do đó, tỉ lệ SV/giảng viên chênh lệch quá cao so với quy định.
 
Trong năm học 2008 – 2009, mức trung bình chung của cả nước là 28 SV/giảng viên, vẫn cao hơn so với quy định. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, tại một số trường, tỉ lệ này có khi lên đến trên 40 SV/giảng viên.
 
Cá biệt, có trường chỉ có 53 giảng viên cơ hữu, trong khi số giảng viên thỉnh giảng là 375. Giảng viên thỉnh giảng của một số trường trùng nhau. Nhiều giảng viên dạy tới 1.000 tiết/năm, trong khi quy định chỉ có 260 tiết/năm.
 
ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) nói thẳng: “Cần có giải pháp chấm dứt tình trạng cử nhân dạy SV, để đào tạo SV có chất lượng, giảng viên phải là TS”.
 
ĐB Ngọc Minh, ĐB Trịnh Tiến Long (Bắc Kạn), ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) cùng nhiều ĐB khác lo lắng về chất lượng đào tạo hệ tại chức, liên thông hiện nay, chỉ “bung” ra vì lợi nhuận.
 
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) lại cho rằng quốc gia nào đặt vấn đề thị trường hóa giáo dục là sai lầm. “Mục đích của đầu tư vào GD-ĐT ở VN hiện nay là lợi nhuận. Cần một định chế tài chính để ngăn chặn tình trạng này”.
 

Cần làm rõ trách nhiệm Bộ GD-ĐT

 
ĐB Huỳnh Nghĩa thẳng thắn: Hiện nay, sự rối ren trong giáo dục ĐH có nguyên nhân từ việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục sửa đổi năm 2005. Không có trường ĐH nào của VN lọt vào top 200 trường ĐH của châu Á cũng cần phải suy nghĩ.
 
“Phải chăng khẩu hiệu ngồi đúng chỗ cũng phải đòi hỏi nghiêm túc tại chính cơ quan Bộ GD-ĐT?” - ĐB Nghĩa đặt câu hỏi.
 
Tiếp tục hâm “nóng” không khí nghị trường, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) thẳng thắn: “Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ GD-ĐT và Ủy ban Thường vụ QH là bao che, né tránh, ngại va chạm, không hề đề cập trách nhiệm thuộc về ai nên cuối cùng hòa cả làng”.
 
Ông Cuông cho rằng QH cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm các cơ quan của QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và vai trò của bộ trưởng.
 
Giải đáp hàng loạt chất vấn về đào tạo bậc ĐH của nhiều ĐB, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho hay từ năm 2008, Bộ GD-ĐT đã nhận thấy quy mô phát triển của giáo dục ĐH chưa song hành với chất lượng đào tạo.
 
Bộ GD-ĐT nhìn nhận không thể tiếp tục cho ra đời các trường ĐH với chất lượng giảng dạy, đào tạo còn bất cập song để khắc phục cần phải có thời gian.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo