Ngày 31-7, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân với Đảng, nhà nước, MTTQ Việt Nam về “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay”.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng đông đảo đại diện của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Ban Khoa giáo Trung ương… cùng các chuyên gia giáo dục đã tham dự hội nghị góp ý quan trọng này.
Nhiều lệch lạc, thất bại
Hai là các môn học “làm người” không được chú trọng, những quy tắc đơn giản nhất trong cộng đồng, thái độ đối với môi trường, thiên nhiên, những điều thiện cần làm, tính trung thực, vị tha, tôn trọng pháp luật… đều không được dạy dỗ một cách có hệ thống.
Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP HCM trong một giờ học Ảnh: TẤN THẠNH
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá đạo đức học sinh hiện nay xuống cấp đến mức báo động. Theo bà Doan, nếu muốn thay đổi sản phẩm đào tạo thì cần chỉ thẳng vào khiếm khuyết, phải xác định thực tế mục tiêu giáo dục của từng cấp học, xem khiếm khuyết cái gì thì sửa cái đó. Ví dụ, ở bậc tiểu học, giáo dục nhân cách phải được chú trọng vì nó chi phối tất cả quá trình sau này, bậc tiểu học cần tập trung vào dạy người và học lễ...
Ở bậc THPT, PGS Văn Như Cương cho rằng nếu đặt câu hỏi “học phổ thông để làm gì?”, câu trả lời đồng loạt sẽ là “để thi vào ĐH”. Theo ông, chương trình phân ban đã thất bại, vì thế sau THPT, chỉ có con đường duy nhất nhưng lại rất lệch lạc là thi lên ĐH và CĐ. Cách sửa sai ở đây chỉ có thể là xác định lại mục tiêu của bậc học phổ thông, thay đổi mạnh mẽ chương trình và cấu trúc lại hệ thống bậc phổ thông với thời gian học là 11 năm. Theo đó, sau 5 năm tiểu học, 4 năm trung học cơ sở, học sinh có thể chia 2 nhánh, một là học tiếp THPT (khoảng 40%) để thi vào ĐH, số còn lại (60%) vào học các trường trung học nghề.
Trông chờ SGK mới
PGS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã đưa ra 8 giải pháp đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó nhấn mạnh đến việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK). Theo bà Tâm Đan, chương trình và SGK mới phải được xây dựng theo hướng giảm tải tối đa, tinh gọn, cập nhật và khả thi, giải quyết những vấn đề mà chương trình hiện nay chưa giải quyết xong, đó là phương thức thực hiện giáo dục thể chất, giáo dục mỹ học, phân hóa ở cấp THPT. Tuy nhiên, trên thực tế, các chuyên gia giáo dục đang rất lo lắng vì ngành giáo dục đang “hết sức chậm chạp” trong việc đổi mới này.
Bộ GD-ĐT cho biết năm 2015 sẽ có chương trình và SGK đổi mới. Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương cho rằng đó là “điều khó tin” vì đề án đổi mới chương trình và SGK mới chưa được thông qua và cũng chưa được phổ biến rộng rãi để lấy ý kiến các giới, ngành.
Bỏ thi tốt nghiệp THPT?
Liên quan đến cải cách thi cử, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Lý do, theo bà, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng đạt 95% - 96%. “Chỉ một năm khi thực hiện cuộc vận động “2 không” là thắt chặt, có trường chỉ đỗ tốt nghiệp 10%-20%, thậm chí có lớp không có học sinh nào đỗ. Liệu có thắt chặt mãi được không? Nếu thắt thì phải thắt khâu quản lý, thắt quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi này” - Phó Chủ tịch nước phân tích.
Một lý do nữa cũng được Phó Chủ tịch nước nêu ra, đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức quá gần nhau gây căng thẳng cho thí sinh cũng như tốn kém cho xã hội. “Hai kỳ thi quá gần nhau vừa khổ cho gia đình vừa khổ cho nhà trường” - bà Doan nói.
Quan điểm của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan được nhiều chuyên gia giáo dục dự hội nghị đồng tình.
Phải đổi mới căn bản, toàn diện Cùng ngày, Chính phủ đã
nghe và cho ý kiến về đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào
tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh
tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” (gọi tắt là đề án). Trình bày dự thảo đề
án, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết ngoài mục tiêu đến năm
2030, giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục mở, chất lượng cao, đạt
trình độ giáo dục tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế..., đề án
cũng thẳng thắn nhìn nhận hàng loạt hạn chế, yếu kém như chất lượng giáo
dục còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội... Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích: Đề án phải có các giải pháp cụ thể nhằm tạo ra “sản phẩm” khỏe cả về thể chất lẫn tâm hồn. Bà Tiến cũng dẫn ví dụ Singapore “hóa rồng” là do họ ý thức rất lớn về phổ cập tiếng Anh cho người dân nhưng đây lại là điểm yếu của nền giáo dục Việt Nam. Bà Tiến dẫn ví dụ 2 người con trong gia đình bà cho thấy sự khác biệt rất lớn do trình độ tiếng Anh cũng như cách học, nơi học: “Một đứa học trường chuyên, chương trình rất nặng, thân thể không lớn nổi; một đứa thì chỉ tập trung học tiếng Anh nhưng kiếm được học bổng ở nước ngoài”. Cho ý kiến về đề án,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo
dục là vấn đề khó nhưng phải cố gắng”. Thủ tướng đề nghị ban soạn thảo
tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại bố cục, nội dung của đề án, đặc biệt
mục tiêu đổi mới, các nhiệm vụ và giải pháp... “Vấn đề mấu chốt là đổi
mới tư duy, đổi mới nhận thức để đề án đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bảo Trân
|
Bình luận (0)