Ngày 11-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012 qua 6 đầu cầu truyền hình tại 6 tỉnh, thành.
Giảng viên là “thợ dạy”
Ông Trần Văn Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên, bày tỏ bức xúc trước việc các trường mặc sức tuyển sinh hệ sư phạm, dẫn đến tỉnh Phú Yên đang thừa hàng ngàn giáo viên THPT, chưa biết sắp xếp việc làm ra sao. Theo ông Chương, Bộ GD-ĐT nên dự báo nguồn nhân lực mang tính quốc gia về ngành sư phạm. “Nếu cứ nói thiếu giáo viên rồi mặc sức đào tạo để tiếp tục dư thừa thì rất lãng phí” - ông Chương nói.
Trường mạnh thành yếu
Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng việc đào tạo theo tín chỉ cần nghiêm túc, kiên trì, có hệ thống để tạo sự thay đổi sâu sắc trong cách dạy và học. Đào tạo theo tín chỉ cần được thực hiện tùy theo nội lực của các trường, không nên “bắt” các trường phải thực hiện khi chưa có sự chuẩn bị bài bản. Bộ GD-ĐT cần có chính sách hỗ trợ về tài chính để sinh viên được đi học ở nước ngoài theo chương trình trao đổi sinh viên để các trường nước ngoài công nhận tín chỉ của các trường Việt Nam.
Trước ý kiến của các đại biểu, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết cơ quan này đang rà soát, đánh giá mảng đào tạo giáo viên các cấp để quy hoạch lại. Tuy nhiên, việc thực hiện còn rất chậm nên thời gian tới sẽ tập trung vào vấn đề này. Đối với việc đào tạo tín chỉ và trao đổi sinh viên, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường chủ động thực hiện và hiệu trưởng có vai trò quyết định.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ GD-ĐT đánh giá tổng thể về việc tăng chất lượng đào tạo dựa trên các yếu tố đầu vào, đầu ra, trình độ giảng viên, cơ sở vật chất; tăng cường việc kiểm tra thành lập trường; tăng các đơn vị chuyên trách về kiểm định; bảo đảm các yêu cầu về tự chủ trong quản lý và đẩy mạnh đào tạo theo yêu cầu xã hội...
Gánh nặng hệ cử tuyển Chiều cùng ngày, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện nghị định của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ, TCCN. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết trong giai đoạn 2007-2013, có 12.805 học sinh được cử tuyển vào ĐH và CĐ, đạt 88% tổng chỉ tiêu. Tuy nhiên, việc bố trí việc làm sau tốt nghiệp đối với người cử tuyển khó thực hiện do quy định tuyển dụng công chức, viên chức phải qua thi hoặc xét tuyển. Đại diện các trường đã nêu những bất cập trong việc tuyển sinh hệ cử tuyển như Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu quá chậm; quy hoạch về cử tuyển ở các địa phương chưa hợp lý khi tập trung vào ngành y dược, kinh tế; năng lực của sinh viên cử tuyển hầu hết ở mức trung bình, thậm chí yếu... |
Bình luận (0)