Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được Quốc hội ban hành năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 nhưng quyền tự chủ của các trường bị "treo" do không có thông tư hướng dẫn nên cơ quan quản lý vẫn duy trì cơ chế xin - cho.
Quyền tự chủ trên giấy
Tự quyết là quyền tự chủ của các trường ĐH được quyết định các vấn đề về chuyên môn - học thuật, về tổ chức - nhân sự, về tài chính - tài sản trong hành lang pháp lý (theo quy định của pháp luật) và các quy định nội bộ khác. Đây là quyền rất quan trọng, khác cơ chế xin - cho được phép mới được làm như trước đây. Luật Giáo dục ĐH năm 2018 chính thức cho các trường ĐH tự chủ trong việc mở ngành, liên kết quốc tế, còn tự chủ trong xác định chỉ tiêu và cách thức tuyển sinh đã thực hiện trước đó.
Hệ thống GDNN đến nay vẫn chưa được hưởng các quyền này, trừ các trường CĐ công lập tự chủ tài chính hoàn toàn. Nghị định 143/2016/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 140/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo GDNN đang quy định rất chi tiết về thủ tục giấy chứng nhận đăng ký lần đầu và đăng ký bổ sung hoạt động GDNN như một dạng giấy phép con (điều 18).
Hiệu trưởng một trường CĐ ở TP HCM cho biết các trường thuộc khối giáo dục vẫn chưa được hưởng quyền tự chủ như khối ĐH. Chẳng hạn như việc mở ngành và xin chỉ tiêu, hiện việc mở ngành vẫn phải xin và được cấp chỉ tiêu. Nếu ngành tuyển sinh tốt, trường tăng chỉ tiêu ở mức trên 10% thì tiếp tục đi xin và liên tục phải báo cáo. Theo vị hiệu trưởng này, vấn đề chỉ tiêu không trở thành nỗi bức xúc ở TP HCM vì số trường tuyển sinh tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại tuyển sinh đều không đạt. Năm 2019, kết quả tuyển sinh bậc CĐ và trung cấp ở TP HCM đều sụt giảm so với năm 2018.
Một hiệu trưởng khác cho rằng xin mở ngành, chỉ tiêu thì Tổng cục GDNN sẽ cấp nhưng không thể duy trì mãi cơ chế "xin - cho" bởi điều đó đi ngược lại cơ chế tự chủ và dễ phát sinh tiêu cực. Với các trường ĐH, để tự chủ cần có hội đồng trường; bảo đảm chất lượng (kiểm định); chịu trách nhiệm giải trình.
Tương tự, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, cũng cho biết ngoài việc đăng ký ban đầu sau khi có quyết định thành lập, các trường phải thường xuyên làm thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước để bổ sung hoạt động GDNN với những hoạt động lẽ ra thuộc quyền tự chủ của các trường, như tăng chỉ tiêu tuyển sinh 10% trở lên, giảm quy mô tuyển sinh hoặc mở ngành đào tạo mới là phải đăng ký bổ sung và không đăng ký bổ sung sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước chế tài nghiêm khắc. Việc hợp tác liên kết GDNN với nước ngoài vẫn phải do cơ quan nhà nước cấp phép. Với giáo dục ĐH, đây là các quyền tự chủ mặc định thực hiện theo hành lang pháp lý, còn với GDNN thì không.
Thầy trò Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP HCM trong giờ học chuyên ngành kế toán ngân hàng với mô hình ngân hàng thu nhỏ
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: Cần lộ trình
Theo Luật GDNN 2014, các "cơ sở GDNN tự chủ trong các hoạt động thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo và công nghệ, hợp tác quốc tế… theo quy định của pháp luật" (điều 25) và đến nay chưa có cơ chế tự chủ nào liên quan đến xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành, hợp tác quốc tế được quy định và áp dụng cho GDNN.
Tuy nhiên, TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục GDNN, lại khẳng định cơ sở GDNN được quyền xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.
Về việc mở ngành (đăng ký hoạt động GDNN) đang được thực hiện theo quy định của Luật GDNN và Nghị định số 43/2065/NĐ-CP và Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 8-10-2018 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH). Trong thời gian tới, để tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ sở GDNN trong việc đăng ký hoạt động GDNN, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung nghị định này.
Tổng cục GDNN khẳng định cơ quan quản lý (Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB-XH) không duy trì cơ chế "xin - cho". Tuy nhiên, việc tăng cường cơ chế tự chủ của các trường là một xu thế nhưng nó cũng phải là một quá trình, có lộ trình, phù hợp với trình độ nhận thức của hệ thống quản lý các trường. Mục tiêu cuối cùng vẫn là phải bảo đảm chất lượng.
TÀI TRỢ CHÍNH
"ĐƯA TRƯỜNG HỌC ĐẾN THÍ SINH" 2020
Bình luận (0)