GIẢNG VIÊN PHẢI LÀM MỚI
TS ĐỖ ĐÌNH THUẤN (Trưởng Bộ môn Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Quốc tế Miền Đông, Quả cầu vàng 2015):
Trong thời đại mà cách dạy học số phát triển toàn cầu, sinh viên Việt Nam với vốn tiếng Anh cải thiện hơn trước, có khả năng nắm bắt các bài giảng số chất lượng cao. Điều này vô tình gây áp lực cho giảng viên ĐH hiện nay.
Nhiều nội dung giảng dạy trước đây không còn gây hứng thú cho sinh viên vì họ đã có trong tay bài giảng hay hơn. Chương trình đào tạo cũng đã thay đổi, giáo án được cập nhật hơn, cách đánh giá kết quả học tập của sinh viên đa dạng hơn. Chúng tôi đứng trước áp lực phải chuyển tải nhiều thông tin môn học đa dạng, kiểm tra nhiều lần trong 45 tiết được phân bổ, sao cho đáp ứng các chuẩn đầu ra trong chương trình.
Những công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là kiến thức hoàn toàn mới mà đa số giảng viên chưa từng được học, được đào tạo trước đây. Vì vậy, chúng tôi phải có khả năng tự học, cập nhật toàn bộ kiến thức mới nhanh để đồng hành, cùng học với sinh viên thông qua kinh nghiệm của mình.
TS NGUYỄN THỊ THỦY (giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Quả cầu vàng năm 2017):
Lợi ích to lớn mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại là khả năng giảng viên và sinh viên được tiếp cận và sử dụng tài liệu, thông tin, ý tưởng vượt qua ngoài phạm vi quốc gia. Giảng viên và sinh viên được chủ động trong việc học tập, nâng cao trình độ và tăng khả năng sáng tạo.
Dù vậy, điều này cũng tạo ra khoảng cách lớn trong kết quả học tập, phụ thuộc vào sự chủ động của sinh viên. Hơn nữa, sự lan truyền của internet với chương trình giải trí hấp dẫn rất dễ khiến sinh viên sao nhãng việc học. Sinh viên có thể có nhiều tài khoản xã hội, chơi game, thời gian tham gia vào mạng ảo chiếm rất nhiều. Riêng đối với ngành kỹ thuật môi trường, công nghệ mới và tân tiến phát triển và thay đổi rất nhanh, cũng là một áp lực đòi hỏi giảng viên phải cập nhật thông tin liên tục để nội dung bài giảng phù hợp với điều kiện thực tế.
TS NGUYỄN THỊ THỦY
TS VÒNG BÍNH LONG (giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, Quả cầu vàng năm 2018):
Việc giảng dạy ĐH hiện nay không đơn thuần chỉ truyền đạt kiến thức của một môn học mà chúng ta dạy. Để dạy tốt, đòi hỏi các thầy cô thường xuyên cập nhật và truyền đạt các kiến thức về khoa học công nghệ mới khác liên quan. Truyền đạt kiến thức chỉ mới là điều kiện cần, mà chưa đủ trang bị cho các em bước vào cuộc sống với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ hiện nay. Do đó, các thầy cô cũng cần giúp sinh viên trang bị các kỹ năng cần thiết trong học tập và làm việc như kỹ năng tự học, tư duy, làm việc nhóm…
TS VÒNG BÍNH LONG
KHÓ KHĂN CÀNG LỚN, THÀNH TỰU CÀNG CAO
TS VÒNG BÍNH LONG:
Khi mới về nước, tôi không tham dự các hoạt động khoa học. Tôi thấy mình chậm lại trong suy nghĩ, trong sáng kiến và kết quả nghiên cứu.
Để không bị tụt hậu trong nghiên cứu khoa học, tôi đã thường xuyên tham dự các hội nghị khoa học chuyên ngành và liên ngành chất lượng cùng với hoạt động hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học uy tín trong nước và ngoài nước. Trong giảng dạy, tôi định hướng sinh viên tự học để các em có thể định ra hướng mà mình muốn làm. Tôi chỉ hướng dẫn và hỗ trợ điều kiện để các em phát triển về kiến thức lẫn kỹ năng cần thiết để sau này tốt nghiệp có thể tự tin trong công việc.
TS NGUYỄN THỊ THỦY:
Năm qua, tôi đã cố gắng thu xếp để tham dự và báo cáo tại hội thảo quốc tế một lần và hội thảo trong nước 2 lần. Ngoài ra, tôi cũng tăng cường hợp tác làm đề tài với các giảng viên trường khác và gửi sinh viên đi làm, thực tập ở những công ty, phòng thí nghiệm uy tín. Đây vừa là cơ hội để cô và trò cùng cọ xát với kiến thức thực tế, học trò ra trường có thể ứng dụng các kiến thức đã học trong nhà trường cho công việc sau này.
TS ĐỖ ĐÌNH THUẤN:
Thời đại 4.0 mở ra cơ hội cho các giảng viên năng động, thích nghi nhanh, đồng nghĩa việc phải thay đổi mình. Tôi phải lắng nghe các phản hồi từ doanh nghiệp, sinh viên để tìm cách thay đổi phương pháp giáo dục.
Để trang bị khả năng sáng tạo, học tập suốt đời, tôi đã lập lab nghiên cứu thông tin vô tuyến và xử lý tín hiệu, thu hút sinh viên nghiên cứu, sáng tạo các công nghệ truyền dẫn thông tin mạng vô tuyến, mạng di động thế hệ mới 5G/6G. Lab đã công bố 35 bài SCI/SCIE, 25 bài SCOPUS, xuất bản 1 sách chuyên khảo... Lab cũng trao đổi nghiên cứu với nhiều lab mạnh ở Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga để giúp sinh viên tiếp cận nhanh với các thay đổi của giáo dục tiên tiến, mở ra cơ hội xin học bổng.
TS ĐỖ ĐÌNH THUẤN
Hiến kế cho giáo dục ĐH
TS ĐỖ ĐÌNH THUẤN:
Trước thách thức của thời đại mới, các trường ĐH mạnh nên chia sẻ nguồn lực giảng viên, có chính sách mở như mời các giáo sư nước ngoài đến dạy để người học tiếp cận với các giảng viên giỏi nhất trong từng lĩnh vực.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đặt các phòng nghiên cứu phát triển ngay trong các ĐH để giáo sư/giảng viên/sinh viên đưa ra các xu hướng và ứng dụng công nghệ vào các doanh nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các ĐH cần liên tục cải tiến để có mặt trong các bảng xếp hạng uy tín, minh chứng cho phụ huynh tin tưởng gửi con em vào học, thu hút học sinh quốc tế đến học. Các giảng viên bên cạnh nhiệm vụ dạy, cần có nghiên cứu chất lượng cao, đạt chuẩn công bố quốc tế hằng năm, ngang tầm các ĐH tiên tiến nước ngoài, có khả năng giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, trao đổi học thuật với giáo sư nước ngoài liên tục.
TS VÒNG BÍNH LONG:
Hội nhập quốc tế ở ĐH là điều tất yếu trong sự phát triển cũng như nâng cao chất lượng của nền giáo dục. Trong đó, nghiên cứu khoa học cùng những công trình công bố quốc tế uy tín mang tên những nhà nghiên cứu Việt Nam là con đường cơ bản để đưa giáo dục Việt Nam lên bản đồ giáo dục thế giới.
Đây không phải là việc đơn giản, một sớm một chiều mà chúng ta có thể đạt được nhưng cần những thay đổi phù hợp để mang đến chuyển biến tích cực hơn. Trong đó, việc tạo điều kiện tốt cho hoạt động nghiên cứu, cùng chế độ đãi ngộ và việc đánh giá các hoạt động nghiên cứu của nhà khoa học có thể là những bước đầu tiên để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH ở Việt Nam.
Bình luận (0)