Lạc hướng, lạc điệu!
Theo GS Hoàng Tụy, từ nhiều năm qua, giáo dục của ta không chỉ lạc hậu mà còn đi lạc hướng xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh. Ông nhấn mạnh lỗi thiết kế hệ thống của giáo dục - nguyên nhân sâu xa của mọi khó khăn, vấp váp của chúng ta - chính là sự lạc hướng, lạc điệu, không giống ai. GS Chu Hảo cũng nhất trí với quan điểm này và cho rằng giáo dục đang khủng hoảng, cần một cuộc cách mạng thực sự chứ không phải chỉ là “đổi mới căn bản và toàn diện”.
GS Nguyễn Xuân Hãn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Sách, giáo viên, trường lớp là 3 vấn đề được mọi quốc gia, mọi thể chế và mọi thời đại coi trọng. Song ở nước ta, cả ba yếu tố nền tảng kể trên đều có vấn đề nghiêm trọng. Chương trình giáo dục chính thức nhất quán từ phổ thông đến ĐH chưa có, chưa bàn bạc thống nhất phê duyệt ở cấp quốc gia về những nội dung chương trình cần phải giảng dạy ở tất cả các cấp học thì đã vội vàng biên soạn sách giáo khoa.
Lãng phí ghê gớm
Một vấn đề nhức nhối nữa cũng được các trí thức đề cập, đó là mất cân đối trong hệ thống giáo dục quốc dân và cơ cấu nguồn nhân lực. GS Nguyễn Xuân Hãn ví von: Giáo dục phổ thông, ĐH và dạy nghề được ví như 3 chân kiềng cân đối hài hòa tạo thành hệ thống giáo dục quốc dân hoàn chỉnh, song năm 1993 ta đã thay đổi, gần như xóa bỏ nhánh dạy nghề, hệ thống giáo dục quốc dân trở thành hình trụ. Học sinh vào học lớp 1 phổ thông và đầu ra là thi ĐH, cái kiềng chỉ còn 2 chân, chênh vênh không bền vững.
Theo thống kê, số trường ĐH, CĐ hiện nay là khoảng 500 trường, dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ có khoảng 576 trường, số lượng sinh viên là 4,5 triệu. So với năm 1987, số trường ĐH, CĐ tăng gấp 5 lần, số sinh viên tăng 13 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. PGS Đặng Danh Ánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ, nêu lên bất cập giữa quy mô giáo dục tăng mạnh so với trước nhiều lần nhưng vốn kiến thức cơ bản và văn hóa của học sinh phổ thông rất yếu, khả năng thực hành sáng tạo và độc lập nghiên cứu của sinh viên cực kém, trong khi đó năng lực ứng dụng kiến thức đã học của thạc sĩ, tiến sĩ và thực tiễn lại càng hạn chế.
Nghề giáo và người thầy bị hạ thấp
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói bà không vui khi các kết quả điều tra mới nhất cho thấy một tỉ lệ lớn giáo viên phổ thông không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành. Sắp tới đây, chất lượng giáo viên mới vào nghề còn thấp hơn vì phần lớn sinh viên đang học các trường sư phạm vốn chỉ là học sinh trung bình, phương pháp đào tạo lại quá lạc hậu.
Những kiến nghị tâm huyết
Liên hiệp Các Hội khoa học Kỹ thuật Hà Nội đã đưa ra bản kiến nghị với Hội nghị Trung ương lần 6 khóa XI. Theo đó, nội dung quan trọng là kiến nghị Nhà nước xem xét lại và chấn chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng gắn kết giáo dục phổ thông, giáo dục nghề - giáo dục ĐH, khắc phục những lệch lạc có tính hệ thống hiện tại. Cũng trong bản kiến nghị này, các trí thức đồng lòng đề nghị Nhà nước tập trung giải quyết dứt điểm những bất cập về chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên và trường sở. Đồng thời đề nghị kiểm tra một cách nghiêm túc toàn bộ vấn đề đầu tư, chi tiêu ngân sách Nhà nước và đóng góp của dân cho giáo dục. Xây dựng một cơ chế phân bổ minh bạch và quản lý vốn đầu tư từ các nguồn khác nhau cho giáo dục. Đề nghị tách hệ thống lương giáo viên khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp trong việc cải cách lương sắp tới. Trước mắt, đề nghị cho giáo viên đã nghỉ hưu từ ngày 1-1-1994 đến 1-5-2011 được hưởng phụ cấp thâm niên để bảo đảm công bằng, đạo lý. |
Tiền cho giáo dục đi đâu?
Theo thống kê của GS Nguyễn Xuân Hãn, năm 1990, Việt Nam có 12 triệu học sinh, sinh viên, ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục chỉ 767 tỉ đồng (120 triệu USD theo giá USD lúc đó). Đến năm 2011, số học sinh, sinh viên tăng lên 22 triệu nhưng ngân sách chi cho giáo dục của Nhà nước và dân đóng góp là xấp xỉ 10% GDP (12 tỉ USD); ngoài ra còn các khoản vay của nước ngoài trung bình 100 triệu USD/năm, kể từ năm 1993 đến nay. Theo GS Hãn, con số này không phải nhỏ, thậm chí như đánh giá của nhóm GS ĐH Harvard trong thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gần đây, tỉ lệ ngân sách dành cho giáo dục trong GDP của Việt Nam là khá cao so với các nước trong khu vực. Vậy tiền đi đâu? Cũng có chung mối quan tâm này, PGS Đặng Danh Ánh cho rằng đầu tư cho GD-ĐT còn rất nhiều bất cập. Đầu tư cho giáo dục của ta cao hơn hầu hết các nước trong khu vực nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có một trường phổ thông, dạy nghề, CĐ hoặc ĐH nào đạt chuẩn khu vực vì đầu tư dàn trải, manh mún, chất lượng và hiệu quả thấp, tiền bị thất thoát do chi tiêu kém minh bạch và lãng phí. Với cách quản trị như vậy, đổ thêm tiền chỉ là giải pháp tình thế không thể giải quyết được vấn đề chất lượng, do đó vấn đề không phải do kinh phí hạn hẹp mà chủ yếu là vấn đề quản trị. PGS Ánh cũng đặt vấn đề kiểu thu học phí bình quân không tính đến đối tượng cụ thể cũng làm giảm đáng kể số lượng học sinh, sinh viên nghèo. |
Bình luận (0)