Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có buổi tiếp xúc với GS-TS Trần Ngọc Thơ.
Ông Trần Ngọc Thơ trả lời PV Thanh Niên ngày 5.5 - Ảnh: T.L
- Thưa ông, ông có biết dư luận đang đặt vấn đề về cuốn giáo trình Tài chính quốc tế do ông chủ biên cũng là một tác phẩm sao chép từ giáo trình nước ngoài?
- Có biết chứ! Liên quan đến vấn đề học thuật là cực kỳ phức tạp. Tôi khẳng định hoàn toàn không có chuyện sao chép. Với những người có thiện chí, tôi tha thiết xin được gặp trao đổi, xem quyển sách đó ở đâu để chúng ta có thể tranh luận.
- Ông có biết giáo trình International Financial Management của GS Jeff Madura trường ĐH Florida Atlantic - Mỹ không?
- Những ngày qua tôi có nghe nói đến tên cuốn sách này. Tuy nhiên, đến nay tôi chưa biết nội dung như thế nào nên chưa thể trả lời. Cuốn giáo trình Tài chính quốc tế được viết cách đây 14-15 năm (1996-1997), là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam về lĩnh vực này. Để viết được cuốn sách, chúng tôi (gồm 5 người biên soạn) phải chuẩn bị từ 2-3 năm trước. Thời điểm đó Việt Nam còn bị cấm vận(?), cũng chưa có khái niệm kinh tế quốc tế. Chúng tôi nhờ những bạn bè ở nước ngoài mang rất nhiều sách về theo dạng hành lý xách tay.
Từ những tài liệu đó, chúng tôi biên soạn, cập nhật tình hình tài chính thế giới và của Việt Nam để viết nên cuốn sách. Trong cuốn Tài chính quốc tế chúng tôi có liệt kê các tài liệu tham khảo.
Cuốn sách này có 5 người biên soạn, việc trích dịch, tham khảo từ rất nhiều nguồn tài liệu khác nhau nên không kiểm soát hết được! |
- Vậy xin được hỏi cuốn giáo trình do ông làm chủ biên sao lại có những phần giống với giáo trình của GS Jeff Madura?
- Cách đây 20 năm, đất nước còn bị cấm vận, rất thiếu sách tham khảo. Có những thuật ngữ, khái niệm kinh tế mà ngay cả nhiều giảng viên kinh tế lúc bấy giờ cũng không hiểu hết. Với lại khả năng tiếng Anh của chúng tôi lúc đó có hạn nên tôi không loại trừ có thể có những phần không “tiêu hóa” được nên sử dụng toàn bộ phần thô (của tài liệu tham khảo -PV). Chúng tôi sẽ mua cuốn sách của GS Jeff Madura trong thời gian sớm nhất để tìm hiểu.
- Nhưng trong cuốn giáo trình xuất bản năm 2008 do ông chủ biên, chúng tôi không thấy có tên tác giả Jeff Madura ở phần thư mục tham khảo?
- Như tôi đã nói, cuốn sách này có 5 người biên soạn, việc trích dịch, tham khảo từ rất nhiều nguồn tài liệu khác nhau nên không kiểm soát hết được. Đề phòng nhóm biên soạn không kê hết nguồn tài liệu tham khảo nên chúng tôi chỉ ghi những tài liệu tham khảo chủ yếu. Đã quá lâu rồi nên không thể nhớ là có trích dịch cuốn sách của GS Jeff Madura hay không.
Hiện chúng tôi đang tìm mua cuốn sách để có thể kiểm chứng lại vấn đề này, đồng thời sẽ tập hợp 5 thành viên để xem xét biên soạn lại từng chương trong cuốn Tài chính quốc tế. Nếu quả thực đúng như vậy thì sẽ bổ sung vào lần tái bản tới. Thật ra, chúng tôi đang ở vào giai đoạn cuối cho lần tái bản thứ 5 của giáo trình này. Thế nhưng vì vụ này mà chúng tôi đang cho kiểm tra lại hết, nếu phát hiện ra những sai sót, chúng tôi sẽ điều chỉnh trong lần tái bản tới.
- Trong nghiên cứu khoa học, khi muốn trích dẫn một tài liệu nào đều phải ghi nguồn nhưng tại sao cuốn sách của ông lại không có phần quan trọng như thế?
- Chúng tôi rất tôn trọng những người đi trước. Lý do không đưa hết vào danh mục vì nhóm này có nhiều người biên soạn. Có thể có thiếu sót về một số danh mục tài liệu tham khảo nhưng chúng tôi không cố ý. Có lẽ chúng tôi sẽ liệt kê toàn bộ nguồn tài liệu tham khảo trong lần tái bản tới. Qua vụ này, chúng tôi có thêm bài học rằng danh mục tài liệu tham khảo là rất quan trọng.
- Xin ông cho biết, ông viết bao nhiêu phần trăm trong cuốn Tài chính quốc tế?
- Xin phép không trả lời câu hỏi này vì nếu trả lời thì không tôn trọng những người cùng biên soạn.
- Vậy ông có đọc và sửa những phần mà ông không biên soạn không?
- Dĩ nhiên là tôi có đọc và sửa, nhưng không thể đọc hết và sửa hết. Phải tôn trọng những người biên soạn vì đa số họ đều có trình độ.
Bình luận (0)