Thật nhức nhối khi báo chí những ngày qua đã phản ánh kiểu đạo văn trắng trợn cả về mặt khoa học lẫn cách hành xử khó hiểu trong chính giới giáo chức ĐH - nơi mà lâu nay người dân luôn tin cậy về sự trong sáng và nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học. Tố giác của GS-TS Trần Ngọc Thơ (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) về vụ nhóm tác giả ở Trường ĐH Công nghiệp TPHCM “đạo” giáo trình Tài chính quốc tế của ông và cộng sự đã làm lộ ra những mảng ngầm trong các bài giảng bậc ĐH.
Thương mại hóa sản phẩm học đường
Một số trường CĐ, ĐH mới thành lập gần đây đã xem việc in ấn và phát hành bài giảng, giáo trình như thước đo để minh chứng cho sự phát triển lớn mạnh và tạo ra thế cạnh tranh riêng với các trường có đã bề dày lịch sử khoa học. Việc đó không đáng chê trách nếu đội ngũ khoa học từ các khoa, ngành trong nhà trường đủ mạnh và việc biên soạn không nhằm mục đích thương mại hóa sản phẩm học đường.
Những giáo trình bị “luộc” bày bán tràn lan ở nhiều nhà sách. Ảnh: NGUYỄN KIM
Thực tế, hiện không có nhiều giảng viên có khả năng viết giáo trình để sử dụng trong đào tạo bậc ĐH. Hệ quả là giáo trình của một môn học có rất nhiều tác giả hoặc nhóm tác giả tranh nhau đứng tên. Thậm chí, có những giáo trình được “luộc” đến 99%..., chỉ khác nhau ở tên giáo trình, tác giả hoặc nhóm tác giả.
Những giáo trình “đạo” đó được nhà trường ưu tiên ép buộc học sinh - sinh viên mua ngay từ ngày đầu nhập học với giá cao gấp 3 - 5 lần so với giá thị trường dành cho các sách tham khảo. Một số trường còn tìm cách ép buộc học sinh - sinh viên mua mũ bảo hiểm, áo mưa, giày dép có in logo của một trường “ĐH quốc tế”!
Giáo trình “quái nhân”
Không chỉ giáo trình, nạn đạo văn còn diễn ra ở những đề tài khoa học các cấp trường, bộ, Nhà nước, nhờ đó không ít người đã thành danh! Đã đến lúc mọi người, nhất là giới khoa học, nên góp tiếng nói để hiện tượng này không còn là hiển nhiên nữa. |
Công thức đúc “quái nhân” này không chỉ diễn ra ở một mà hầu hết các môn học. Nguy hiểm hơn, học sinh - sinh viên tham khảo phải những giáo trình “quái nhân” sẽ gây nên những xáo trộn và ngộ nhận về tác giả khoa học, ảnh hưởng xấu đến quá trình học tập và nghiên cứu của các em sau này.
Như một quy tắc tất yếu, hiện tượng trên đã tác động một cách sâu sắc đến thái độ nghiên cứu khoa học trong học sinh - sinh viên. Điển hình, mới đây báo chí đưa tin một sinh viên thuộc Khoa Châu Á - Thái Bình Dương Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đoạt giải nhì Éureka bằng công trình... “hao hao” một quyển sách của nhóm tác giả có uy tín ở TPHCM!
Đồng lõa Đối với học sinh - sinh viên, thật khó phát hiện đâu là giáo trình thật, đâu là giáo trình “đạo”, nếu có biết thì họ cũng không dám tiết lộ vì nhiều lý do tế nhị. Tuy nhiên, việc nhận ra giáo trình “đạo” của một chuyên ngành nào đó đối với giới giảng viên ĐH thì không khó. Dù có bị phát hiện đi nữa, những giáo trình này cũng được che chắn dưới mác “lưu hành nội bộ”. Điều làm dư luận xã hội nhức nhối hơn hết là lãnh đạo và hội đồng khoa học nhà trường đều biết vì họ là những người phê duyệt, thông qua giáo trình trước khi in ấn nhưng vẫn ngậm tăm. Vì vậy, giáo trình “đạo”, giáo trình “quái nhân” vẫn là hành trang chính chắp cánh cho bạn trẻ vào đời, thành danh. Điều đó thật tai hại bởi có khác nào cùng bắt tay để... làm hỏng những thế hệ tương lai của đất nước?! |
Bình luận (0)