Liên quan đến sách giáo khoa (SGK) Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, báo cáo do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền ký, cho rằng tiến độ biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK, tài liệu giáo dục địa phương còn chậm. Một số địa phương gửi hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương quá muộn, vào thời điểm gần cuối năm học. Một số SGK còn có nội dung chưa phù hợp với học sinh, chưa phù hợp với một số vùng miền, có từ ngữ mang tính địa phương. Một số đoạn văn, bài thơ đưa vào SGK chưa được đánh giá cao. Một số nội dung, ngữ liệu trong một số cuốn SGK, tài liệu giáo dục địa phương còn chưa phù hợp, việc tổ chức thực nghiệm SGK còn một số bất cập, hạn chế.
Chỉ ra những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, báo cáo của Chính phủ cho rằng đây là lần đầu tiên Chương trình GDPT được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đồng thời, việc biên soạn SGK theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện. Đây cũng là lần đầu tiên địa phương tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương nên gặp nhiều khó khăn về việc bố trí, tuyển chọn đội ngũ tác giả biên soạn có đủ năng lực và trình độ chuyên môn, về đội ngũ chuyên gia tham gia hội đồng thẩm định, đồng thời chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức biên soạn và thẩm định tài liệu.
Về đội ngũ nhà giáo, tính đến ngày 31-5-2023, cả nước có 1.234.124 giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó công lập 1.093.026 người, ngoài công lập 141.098 người. Báo cáo cho biết thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm điều kiện về đội ngũ giáo viên triển khai Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, một số địa phương thiếu trầm trọng giáo viên các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của một số bộ phận giáo viên còn yếu; việc tiếp cận thông tin của giáo viên vùng khó khăn còn hạn chế. Đáng chú ý, Chương trình GDPT có các môn học tích hợp, điển hình như lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên ở cấp THCS, song với điều kiện thực tế hiện nay, nhiều trường còn gặp khó khăn và gần như chưa đáp ứng được yêu cầu giáo viên dạy liên môn, dạy tích hợp.
Báo cáo cho rằng nguyên nhân của những tồn tại này là do số lượng học sinh tăng (tăng dân số, di dân, phổ cập giáo dục...), trong khi lại chưa tuyển dụng đủ số lượng giáo viên theo biên chế được giao và định mức quy định. Chưa giải quyết tốt việc dồn dịch, sáp nhập điểm trường, còn để tồn tại nhiều cơ sở giáo dục với quy mô nhỏ và số lượng học sinh ít, một số địa phương thiếu nguồn tuyển dụng. Công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của các địa phương chưa kịp thời hoặc chưa hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên. Giáo viên hợp đồng chưa được xét tuyển chính thức nên chưa yên tâm công tác...
Bình luận (0)