Từ ngỡ ngàng đến yêu thích
Cô Sophia Laroma, 48 tuổi, người Phần Lan, là giáo viên tại Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) được hơn 2 năm. Trong quá trình làm việc, cô đã có dịp đi du lịch khắp Việt Nam và điều khiến cô luôn ngạc nhiên đó chính là sự đa sắc màu của Việt Nam. Thiên nhiên cũng như khí hậu ở các địa điểm rất khác nhau, con người đều vui vẻ và rất thân thiện và thức ăn thật tuyệt vời. Chính những điều đó đã khiến cô quyết định gắn bó với đất nước này lâu hơn.
Lần đầu tiên đón Tết Nguyên đán, cô hơi bối rối và ngạc nhiên khi bỗng nhiên TP HCM trở thành một "thành phố không người". Mọi người rời khỏi TP và các cửa hàng gần như cũng đóng cửa. Cô đã tự hỏi làm thế nào mà mọi người có thể ăn mừng vào những ngày này? Sau đó, cô nhận ra rằng Tết là một lễ hội của gia đình, quan trọng như lễ Giáng sinh ở Châu Âu. Mọi người quây quần bên gia đình. Hầu hết mọi người rời thành phố vì các thành viên lớn tuổi trong gia đình họ đều sống ở quê.
Cô Sophia Laroma, 48 tuổi, người Phần Lan, là giáo viên tại Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) thích thú với những hoạt động ngày Tết truyền thống của Việt Nam. Ảnh: VFIS
Điều làm cô Sophia ngạc nhiên nhất trong lần đầu tiên đón Tết đó chính là phong tục lì xì. Người Việt Nam luôn làm việc cần cù và hiếm khi có ngày nghỉ, vậy nên Tết là thời gian quan trọng nhất để thư giãn và tận hưởng.
"Tôi thực sự trân trọng truyền thống đón Tết, dọn dẹp và trang trí nhà cửa, chuẩn bị chu đáo để mọi thành viên trong gia đình đều cảm thấy được chào đón. Tôi rất thích những sắc màu bởi những món đồ trang trí mỗi dịp Tết đến" - cô Sophia bày tỏ.
Dù đã trải qua 5 lần đón Tết, nhưng đối với thầy Travis Proctor - 41 tuổi, người Mỹ, đang là điều phối viên của Trường Quốc tế Saigon Pearl - vẫn còn nhiều điều mới mẻ. Vài năm đầu đón Tết, thầy bị sốc văn hóa vì chưa bao giờ trải qua một kỳ nghỉ nào mà mọi thứ thay đổi quá nhiều ở một TP lớn như vậy.
Những con phố thường nhộn nhịp và tràn đầy sức sống đã trở thành một nơi vắng vẻ khi nhiều người trong TP rời đi để đón Tết Nguyên đán cùng bạn bè và gia đình. Sau dần, thầy đã quen với không khí này, thậm chí còn háo hức để được mặc áo dài vào dịp Tết.
"Chúng tôi rất mong chờ các trường tổ chức Tết và nhìn thấy niềm vui mà nó mang lại cho toàn thể cộng đồng. Tôi rất vui mừng khi được xem pháo hoa, hy vọng mọi người sẽ cảm nhận được cảm giác bình thường mới, vẫn khỏe mạnh và vui vẻ để đón chào năm Quý Mão" - thầy Travis nói.
Mê mẩn ẩm thực Việt
Năm ngoái, cô Sophia đã đón Tết với những người bạn Việt Nam của mình. Cô học cách làm bánh chưng và đến thăm gia đình họ ở quê. Cô cho biết mình thực sự rất thích những món ăn và không khí Tết Việt Nam. Năm nay, cô đã dọn dẹp nhà cửa, trang trí Tết, chuẩn bị phong bao lì xì và mua hoa Tết.
Vào những ngày Tết cô sẽ dành thời gian cho những người bạn Việt Nam và gia đình của mình; thưởng thức các món ăn, chơi các trò chơi truyền thống của Việt Nam.
Yêu thích ẩm thực Việt từ những ngày đầu tiên đặt chân đến, cô Suvi Miekk-Oja - 50 tuổi, người Phần Lan, giáo viên Trường VFIS - càng yêu thích hơn ẩm thực vào ngày Tết. Đối với cô, ẩm thực Việt Nam thật sự rất hấp dẫn, phong phú, các loại rau, trái cây tươi rất ngon và bổ dưỡng.
Cô Suvi Miekk-Oja - 50 tuổi, người Phần Lan, giáo viên Trường VFIS - hào hứng đón cái Tết đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: VFIS
Năm nay, cô Suvi sẽ đón cái Tết Việt Nam đầu tiên, cô rất hào hứng khi được tiếp xúc và làm quen với nét văn hóa của người Việt thông qua các hoạt động của Tết. Đây cũng là dịp để cô học hỏi những phong tục truyền thống của Việt Nam.
"Tôi rất hứng thú với đường hoa ở trung tâm TP HCM cũng như tiết mục bắn pháo hoa mừng năm mới. Thật tuyệt vời khi nhìn thấy cách mà các gia đình quây quần bên nhau. Một điều nữa làm tôi cảm thấy thú vị đó chính là TP lớn này lại trở nên yên tĩnh hơn vào những ngày nghỉ đoàn viên" - cô Suvi chia sẻ.
Đã bước sang năm thứ 3 đón Tết tại Việt Nam, nhưng với cô Courtney Delport - 27 tuổi, người Nam Phi, giáo viên Trường Quốc tế Saigon Pearl, năm nay là lần đầu tiên cô chuẩn bị cho Tết. Trải nghiệm Tết đầu tiên là khi dịch COVID-19 bùng phát. Mùng 1 Tết, cô vẫn cách ly ở khách sạn. Cô nhớ mình đã quan sát một gia đình qua ô cửa sổ từ phòng khách sạn. Vào lúc nửa đêm, các gia đình ăn mừng bằng những "chiếc bánh quy giòn nhỏ" và xem một ít pháo hoa do hàng xóm đốt. Cúng xong họ ngồi ăn cơm gia đình.
"Tôi thấy và hiểu Tết quan trọng như thế nào đối với người dân Việt Nam. Khi tôi hiểu được truyền thống của Tết, tôi và bạn của mình đã cố gắng học những bài hát chúc Tết để ăn mừng vào ngày này. Tôi cũng đã chuẩn bị tiền lì xì cho người yêu thương, bạn bè" - cô Courtney cho hay.
Cô Courtney bày tỏ sự thích thú của mình khi thấy TP thay đổi, chuẩn bị để đón Tết và đặc biệt thích tham quan lễ hội hoa được tổ chức ở Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Cô ấn tượng với cách người dân địa phương gìn giữ các truyền thống từ nền văn hóa, điều này cho phép họ tách mình ra khỏi các nền văn hóa khác cũng đón Tết Nguyên đán.
Bình luận (0)