Báo Người Lao Động vừa nhận được một loạt đơn phản ánh, kêu cứu của các giáo viên (GV) tâm lý tại các trường THPT về tình trạng bấp bênh của họ. Không những phải làm trái chuyên môn mà còn bị nhiều trường đe dọa cho nghỉ bất kỳ lúc nào.
Bị bỏ rơi, lạc lõng
Trong đơn phản ánh, cô L.H.A, GV tại quận 6, cho biết từ đầu năm học này, GV tâm lý tại trường không được phân công trực phòng tâm lý, thay vào đó là làm công tác trực giám thị. Một số GV ở quận Thủ Đức cũng không trực phòng tâm lý mà chuyển xuống làm công việc học vụ. Trong khi đó, có những GV tâm lý gần 10 năm nay làm công việc khác là dạy môn giáo dục công dân (GDCD), nhưng đầu năm nay, hiệu trưởng nhà trường dọa không cho dạy GDCD và cũng đóng cửa phòng tư vấn tâm lý.
Một GV khác tại quận 10 phản ánh, cũng là công việc nhưng các môn học khác có họp chuyên môn hằng tháng nhưng GV tâm lý không được xếp vào bộ môn nào. Không phải bộ môn GDCD, cũng không phải tổ giám thị. "Chúng tôi như bị bỏ rơi, lạc lõng trong nhà trường" - một GV tại trường D., quận 10 tâm sự.
Học sinh có rất nhiều vấn đề tâm lý cần được hỗ trợ. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) thắc mắc trong buổi đối thoại với nhà trường
Thậm chí, tại một số trường, có trường hợp GV tâm lý bị xếp dạy hòa nhập hoặc làm giờ hành chính suốt tuần. "Chúng tôi chỉ muốn có một danh phận rõ ràng. Thực tế đã có những GV làm tư vấn tâm lý nhưng không thể chịu nổi áp lực tâm lý khi nghề nghiệp bấp bênh nên đã bỏ nghề" - cô T.K, GV tại quận 3, cho biết.
Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ Thông tư số 31/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Trong đó quy định GV tâm lý là những người kiêm nhiệm. Việc không có chức danh GV tâm lý trong trường đã được ngành GD-ĐT TP HCM nhiều lần kiến nghị, đề xuất trong cơ chế đặc thù cho GD-ĐT TP.
Vênh quy định, GV chịu thiệt
Tại TP HCM, một trong những đề xuất của TP về cơ chế đặc thù trong giáo dục đó là công tác tư vấn tâm lý trong trường học là một hoạt động rất cần thiết, vì vậy đề xuất Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Nội vụ trình Thủ tướng ban hành chức danh, mã ngạch GV tâm lý trong các cơ sở giáo dục nhưng đến nay vẫn không được chấp thuận.
Trước đó, từ năm 2008, vì sự cần thiết của tư vấn tâm lý học đường nên TP HCM đã mạnh dạn ban hành Văn bản 5344 về quy định một số biên chế trong nhà trường. Trong đó, quy định bộ máy tổ chức trường THPT đã có chức danh GV tâm ý, những trường từ 40 lớp trở lên còn có biên chế 2 GV làm công tác tư vấn. Tuy nhiên sau đó, tháng 1- 2015, UBND TP HCM có công văn bãi bỏ Văn bản 5344 bởi TP HCM đã bị "tuýt còi" vì chức danh GV tâm lý không có trong quy định định biên, định mức, chức danh GV của Bộ GD-ĐT.
Vì không có chức danh nên dù là thi tuyển viên chức nhưng những GV này chịu nhiều thiệt thòi khi vị trí việc làm không có trong biên chế. Không những thế, tiêu chí thi đua trong ngành cũng không dành cho những GV này. Cụ thể, GV tư vấn học đường không được xét chiến sĩ thi đua vì lý do nếu là GV muốn đạt chiến sĩ thi đua phải dạy giỏi 2 năm liên tục. Nhưng GV tâm lý không có môn để dạy, cũng không có vị trí việc làm nên không được đánh giá.
Việc không có chức danh chính thức còn đẩy nhiều GV phải dở khóc dở mếu khi phụ thuộc vào… mối quan hệ với hiệu trưởng. Nếu trường "nhân đạo" bố trí cho GV tâm lý lên tiết chuyên đề, dạy một số tiết kỹ năng sống thì có được phụ cấp ưu đãi GV. Nhưng nhiều trường không bố trí tiết nào nên GV không có phụ cấp, kể cả phụ cấp thâm niên; khi có quy định về tinh giản biên chế thì những GV tâm lý được đưa vào danh sách đầu tiên…
Đề nghị dạy môn GDCD bị từ chối
Cô N.T.O, GV tâm lý một trường THPT tại huyện Bình Chánh, cho hay GV từng kiến nghị được giảng dạy một môn học là môn GDCD vì GV tâm lý thường là cử nhân tâm lý học hoặc cử nhân tâm lý giáo dục. Đây là ngành gần với GDCD và chương trình công dân khối 6, 7, 8 đa số là dạy những phẩm chất về con người. Nhưng đề xuất này không được chấp nhận.
Bình luận (0)