Cuối năm 2019, GS Dương Quang Trung từ Anh về Việt Nam trình bày một tham luận tại Hội thảo Quốc tế về ứng dụng nghiên cứu và kỹ thuật quanh chủ đề mới toanh: Mạng 6G. Trước đó, anh đã chủ trì Trại hè Nghiên cứu khoa học quốc tế do Hội đồng Anh phối hợp cùng Trường ĐH Duy Tân tổ chức tại TP Đà Nẵng vào tháng 9-2019, với 30 học viên đến từ nhiều trường ĐH tham dự.
Tại trại hè này, GS Dương Quang Trung đã trao đổi với các bạn trẻ về chuyên đề viễn thông và các chủ đề quan tâm, giúp họ nâng cao kiến thức chuyên ngành, kỹ năng nghiên cứu và làm quen với hoạt động học thuật trong chương trình đào tạo tiến sĩ ở các nền giáo dục tiên tiến. Anh còn hướng dẫn kỹ năng chuẩn bị hồ sơ, kinh nghiệm ứng tuyển các học bổng tiến sĩ ở nước ngoài…
GS Dương Quang Trung. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
"Quãng thời gian làm nghiên cứu sinh nước ngoài thật đẹp và đáng nhớ. Sau này, có cơ duyên làm việc với nhiều giáo sư hàng đầu thế giới ở các lĩnh vực chuyên môn cùng điều kiện làm việc lý tưởng, tôi luôn muốn truyền đạt những trải nghiệm thú vị của bản thân, giúp các bạn trẻ có cơ hội tham gia hành trình khám phá các nền văn hóa trên thế giới và tiếp cận tri thức mới" - GS Dương Quang Trung tâm sự.
Trại hè Nghiên cứu khoa học quốc tế - với sự tài trợ của Quỹ Newton, được tổ chức hằng năm - xuất phát từ ý tưởng của GS Dương Quang Trung, do anh cùng đồng nghiệp quốc tế trực tiếp hướng dẫn. Đến nay, qua 5 lần tổ chức, trại hè đã thu hút hàng trăm học viên tham dự, trong đó hơn một nửa nhận được học bổng tiến sĩ tại các ĐH trên thế giới.
GS Dương Quang Trung luôn nhận ra khát khao cháy bỏng - tiếp cận chân trời khoa học tiên tiến - của những nhà khoa học trẻ trong nước. Ở trại hè vừa qua, một học viên hào hứng: "Từng tham gia trại hè năm ngoái, em vừa nhận được học bổng Erasmus Mundus danh giá của Liên minh châu Âu, chương trình thạc sĩ 2 năm ở 3 nước. Thầy đã chia sẻ với tụi em những kinh nghiệm thực tế cực kỳ quý báu về nghiên cứu khoa học, về cách tiếp cận học bổng, quan trọng là truyền cảm hứng để tụi em luôn giữ lửa đam mê".
GS Dương Quang Trung rất vui khi nghe các bạn trẻ tâm sự nhiều điều, như học viên Phạm Minh Tuấn: "Trại hè Nghiên cứu khoa học quốc tế lần này giúp em tự tin, có những bước chuẩn bị vững vàng trước khi ra nước ngoài học tập. Những câu chuyện, những kinh nghiệm mà thầy chia sẻ với tụi em khó có thể tìm thấy ở đâu".
Mỗi lần về nước, GS Dương Quang Trung luôn tranh thủ tiến hành những hoạt động hữu ích. Chẳng hạn, trong trại hè vừa qua, ông và cộng sự đã đến hàng loạt huyện, thị ở Quảng Nam để khảo sát kết quả nghiên cứu của nhóm trong việc giúp phòng chống thiên tai ở tỉnh. Dự án áp dụng các công nghệ IoT (internet vạn vật), machine learning (học máy), UAV (thiết bị bay không người lái) vào việc cảnh báo lũ lụt trên địa bàn một tỉnh thường bị thiên tai giúp tăng cường phòng chống, tránh thiệt hại người và của.
Với tâm huyết và tình cảm đặc biệt dành cho những nhà khoa học trẻ, khi các ĐH trong nước mời, GS Dương Quang Trung sẵn lòng sắp xếp thời gian đến truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học.
Ông là 1 trong 8 nhà khoa học đoạt giải Fellowship - Hội Khoa học Hoàng gia Anh năm 2016-2021. Hàng loạt giải thưởng đã gọi tên ông: Công trình nghiên cứu xuất sắc nhất tại Hội nghị Ieee ICC 2014 tổ chức ở Úc; Newton Prize 2017 với công trình nghiên cứu “Xây dựng nền tảng phát triển bền vững kết nối xã hội cho các TP tương lai”; Nhà khoa học trẻ xuất sắc nhất năm 2016 của Queen’s University Belfast…
Trong giới nghiên cứu về viễn thông trên thế giới, GS Dương Quang Trung được biết đến với nhiều công trình giá trị. Mới đây, tháng 12-2019, tại Hội nghị Ieee Globecom 2019 ở Mỹ, ông vinh dự được trao giải "Best Paper Award" - công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất.
Globecom là hội nghị lâu đời nhất và quy mô lớn nhất của ngành viễn thông, hầu như chỉ tổ chức tại Mỹ trong suốt 60 năm qua. Mỗi năm, hội nghị có hơn 3.000 công trình ứng cử nhưng chỉ khoảng 1.000 bài được chấp nhận để trình bày. Trong số 1.000 bài đó, chỉ 15 bài được chọn là "Best Paper Award".
Đây là lần thứ hai, GS Dương Quang Trung được trao giải thưởng danh giá này - lần đầu vào năm 2016. Công trình này, như GS Dương Quang Trung khẳng định, là kết quả của dự án nghiên cứu giữa các nhà khoa học Anh và Việt Nam trong khuôn khổ dự án Newton Fund Institutional Link do Hội đồng Anh tài trợ.
GS Dương Quang Trung đã được ĐH Queen vinh danh khi xuất sắc đoạt giải "Nghiên cứu có tính đổi mới sáng tạo" năm 2018 với công trình "Cải thiện hệ thống thông tin liên lạc nhằm đáp ứng việc truyền tín hiệu khi có thiên tai". Cùng năm, ông đã được chính phủ Anh công nhận vì đã đóng góp tích cực trong hợp tác nghiên cứu khoa học.
GS Dương Quang Trung còn có tên trong danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới được trích dẫn nhiều nhất, do Tạp chí PLoS Biology (Mỹ) bình chọn và công bố tháng 7-2019. Ông cũng là tác giả của 4 đầu sách, gần 350 công trình nghiên cứu khoa học, biên tập cho các tạp chí Q1 trên IEEE và hiện là Tổng Biên tập Tạp chí EAI Trans on Industrial Networks and Intelligent Systems…
GS Dương Quang Trung - tròn tuổi 40 vào cuối năm 2019 - xuất thân trong gia đình cha là viên chức đã nghỉ hưu, mẹ làm nội trợ. Ở cả 3 cấp học đầu đời, ông đều học ở Hội An - Quảng Nam. Tiếp đó, ông vào học Trường ĐH Bách khoa TP HCM và tốt nghiệp loại giỏi. Ra trường, ông về giảng dạy tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.
Dương Quang Trung đã nhận học bổng toàn phần của chính phủ Hàn Quốc, du học và lấy bằng thạc sĩ viễn thông, ông tiếp tục theo học tại Thụy Điển rồi nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành viễn thông năm 2012. Sau đó, ông đầu quân về Queen’s University Belfast, một trong 108 trường ĐH tốt nhất thế giới, thành viên của Russell Group - nhóm 24 trường ĐH danh giá nhất ở Anh Quốc.
Với những người từng tiếp xúc GS Dương Quang Trung, ông là một nhà khoa học giản dị, dễ mến. "Là GS-TS tại một ĐH danh giá ở Anh và là người đi đầu trong lĩnh vực di động 5G, 6G, IoT nhưng GS Trung luôn ứng xử như một học trò Trường THPT Trần Quý Cáp năm nào - rất giản dị, chân tình. Tôi thật sự tự hào và hãnh diện về một người con đất Quảng như Trung" - một người bạn bày tỏ.
"Cái quý nhất của Trung là dù thành công đến mấy cũng luôn nhớ về cội nguồn, nhớ về nơi mình bắt đầu" - cô giáo cũ Trương Thị Đô của GS Dương Quang Trung nhìn nhận.
Bình luận (0)