Trong buổi tọa đàm Góp ý dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 do Báo Thanh Niên tổ chức, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết việc đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh nhằm thay đổi cách dạy cách học, nâng cao chất lượng dạy và học. Đợt thay đổi này lấy quyền lợi, lợi ích căn bản của học sinh để làm trung tâm, tiêu chí căn bản của tuyển sinh.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu trong buổi tọa đàm. Ảnh: H. Lân
Theo bộ trưởng, việc đổi mới thi cử trong năm 2015 là tất yếu, mang tính lâu dài, ổn định, làm cơ sở cho việc triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới năm 2021. Theo bộ trưởng, đến năm 2016, phương án thi tốt nghiệp THPT có thể sẽ thay đổi một số chi tiết nhỏ nhưng về tổng thể vẫn giữ nguyên.
Về thang điểm 20 như dự thảo đưa ra, bộ trưởng cho rằng điều này không khác biệt về bản chất do nhiều kỳ thi trước đó cũng đã sử dụng thang điểm này, thậm chí có lợi cho học sinh. Khác chăng là các thầy cô phải vất vả hơn, bỡ ngỡ hơn vì chấm xong lại phải quy đổi điểm. Do đó, trong việc này, Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến dư luận, giữ thang điểm 10.
Về thí sinh tự do, Bộ GD-ĐT tạo điều kiện tối đa cho phép các em có thể đăng ký thi ở bất cứ địa phương nào trên cả nước. Tuy nhiên, thí sinh đang theo học tại các trường THPT, GDTX phải tham gia thi cử một cách có tổ chức.
Về cấu trúc đề thi, ông Luận tiết lộ đề thi năm nay sẽ tương tự 2 đề thi THPT và ĐH-CĐ năm ngoái, có câu dễ, câu khó, câu vừa… nhằm tạo điều kiện cho việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Về mô hình đề thi, bộ sẽ đưa lên mạng, với thông tin về số lượng câu, kiến thức từng phần, độ khó…
Trả lời thắc mắc liệu thí sinh có được mang Atlat vào phòng thi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết trên tinh thần không bắt thí sinh học thuộc lòng nên Bộ GD-ĐT sẽ cho các em mang Atlat vào phòng thi.
Bộ trưởng cũng cho biết đầu tháng 2-2015, Bộ sẽ ban hành chính thức công bố quy chế tuyển sinh 2015 sau khi nghe ý kiến từ nhiều phía. Về việc lập hội đồng phúc khảo, xét kỷ luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét bổ sung điều này vào quy chế.
Về một số ý kiến thắc mắc vì sao Bộ GD-ĐT không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và giữ kỳ thi tuyển sinh ĐH- CĐ, bộ trưởng Luận cho biết nguyên nhân do luật đã quy định. “Theo Luật Giáo dục, chúng ta bắt buộc phải tổ chức kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT. Theo Luật ĐH, việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường”, Bộ trưởng nói.
Thông tin thêm về kỳ thi tỉnh, liên tỉnh, bộ trưởng cho hay việc lập cụm thi liên tỉnh nhằm duy trì những ưu điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, đảm bảo độ tinh cậy, tính khách quan, công bằng. Đồng thời, cụm thi liên tỉnh mang lại nhiều ích lợi cho thí sinh hơn, giúp các em được thi ở tình mình hoặc tỉnh lân cận thay vì đến các TP lớn như mọi năm.
Cũng theo ông Phạm Vũ Luận, bộ không bó hẹp cơ hội vào ĐH của các thí sinh thi ở cụm địa phương do sở GD-ĐT tổ chức. “Bộ chấp nhận việc thí sinh ở cụm địa phương xét tuyển vào bất kỳ trường ĐH-CĐ nào, kể cả các trường lớn, uy tín nếu trường đó chấp nhận xét tuyển thí sinh thi ở cụm này”, bộ trưởng nói.
Bình luận (0)