“Trong bức tranh lớn của giáo dục Việt Nam, giáo dục ĐH có lẽ là mảng cần sớm có một sự đổi mới căn bản và toàn diện. Đó cũng là mảng phức tạp nhất. Trong sự phức tạp đó, đâu là những cái nút cần thiết phải được gỡ đầu tiên?”. Câu hỏi được GS Ngô Bảo Châu đặt ra ngay trong lời phát biểu tại buổi đối thoại với chủ đề “Cải cách giáo dục ĐH Việt Nam” do Lãnh sự quán Mỹ và Nhóm Đối thoại giáo dục tổ chức trong 2 ngày 31-7 và 1-8 tại TP HCM. Buổi đối thoại thu hút nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu trong nước và quốc tế.
Vàng, thau lẫn lộn
GS Ngô Bảo Châu thẳng thắn cho rằng chất lượng của giáo dục ĐH là điểm tối nhất trong bức tranh chung của ngành giáo dục Việt Nam. Các thông tin định lượng như chỉ số ảnh hưởng, chất và lượng các báo cáo khoa học đăng trên những tạp chí hoặc hội nghị chuyên môn cho thấy một bức tranh không sáng sủa về chất lượng chung của đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của các trường ĐH. “Nhưng điều đáng lo ngại là quy trình xây dựng và cải tiến đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu ở các trường ĐH của Việt Nam hoàn toàn ngược lại với quy trình các trường ĐH ở các nước tiên tiến. Nếu hiện trạng này tiếp diễn thì e rằng chất lượng ĐH Việt Nam không những tiếp tục ở thứ hạng thấp mà sẽ còn đi giật lùi so với các nước láng giềng” - GS Châu nhìn nhận.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng giáo dục ĐH hiện nay thua cả giáo dục phổ thông, như là trường cấp 4; chủ yếu chạy theo bằng cấp, quá nặng về truyền tải mà ít cải tiến phương pháp giáo dục, nghiên cứu khoa học… “Phân tích, đánh giá nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục tồn tại của giáo dục ĐH cần sự nỗ lực của các ban, ngành, trong đó có những người tâm huyết như Nhóm Đối thoại giáo dục của GS Ngô Bảo Châu” - Bộ trưởng Quân cho biết.
TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng trong khi cổ đông vẫn là chủ sở hữu các trường tư thục thì những hiện tượng thao túng, thôn tính, chiếm đoạt diễn ra và việc giải quyết xung đột lợi ích phải chăng là mô hình ĐH phi lợi nhuận. Tuy nhiên, TS Phượng ví von: “Tôi cho rằng ĐH phi lợi nhuận tại Việt Nam đã qua giai đoạn hoài thai gian khó và đang trong độ tuổi dậy thì sóng gió. Cuộc hôn phối “đồng sàng dị mộng” giữa nhà đầu tư và người làm giáo dục đẻ ra vô số những đứa con thượng vàng hạ cám. Trong từng trường có vàng thau lẫn lộn. Cơ chế pháp lý cho dù đã có thay đổi tích cực hơn, tuy nhiên chỗ đứng của phi lợi nhuận vẫn còn khiêm tốn, chông chênh so với quyền lực bất khả xâm phạm của nhà đầu tư, cổ đông”. TS Phượng cho rằng giáo dục ĐH tử tế, có chất lượng chỉ có phi lợi nhuận, tuy nhiên với cơ chế hiện nay thì giá trị nhân bản của phi lợi nhuận đang chao đảo.
Trả quyền cho người có thẩm quyền khoa học
Đi vào từng vấn đề cụ thể, GS Ngô Bảo Châu cho rằng cần xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH. Quy trình tuyển chọn giảng viên cần phải được minh bạch hóa. Trong tuyển chọn phải ưu tiên hàng đầu tiêu chí khoa học, trả quyền quyết định cho những người có thẩm quyền khoa học. Ngoài ra, phải tổ chức lại quy trình phong, bổ nhiệm giáo sư theo hướng ưu tiên tính tự chủ khoa học của các trường ĐH và xác định rõ hơn giáo sư là một vị trí công việc, không phải một phẩm tước khoa học.
Một vấn đề trăn trở đối với nhiều chuyên gia tham dự buổi đối thoại là thu nhập của giảng viên và người làm khoa học. GS Dương Nguyên Vũ, ĐHQG TP HCM, cho rằng là một người giảng dạy lâu năm ở nước ngoài khi về nước, anh thấy rõ ràng sự chênh lệch và khó khăn về mức lương. Nếu muốn xây dựng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học mạnh thì vấn đề tài chính cần phải cải tổ. Còn theo GS Ngô Bảo Châu, chế độ thu nhập cứng nhắc hiện tại là một trong những yếu tố chính làm các vị trí hàn lâm thiếu tính hấp dẫn các cá nhân xuất sắc. Mức lương cơ bản của giảng viên ĐH hiện nay không bảo đảm cho họ một mức sống trung lưu cao trong xã hội. “Mức sống này luôn là điều cần cho một hệ thống giáo dục tốt vì nó thể hiện mức độ ưu tiên của xã hội đối với giáo dục ĐH. Để nghiên cứu tốt thì giảng viên cần thời gian tư duy tự do, không bị ràng buộc bởi cơm gạo” - GS Châu nói.
Lấy ví dụ về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng rất kỳ lạ bởi cả lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học và Công nghệ không thể quyết định mức lương cho GS Ngô Bảo Châu. Đáng ra, với vị trí Viện trưởng Viện Nghiên cứu về toán, GS Châu phải được quyền tự quyết mức lương của mình. “Ngay cả mức lương của các giáo sư mà bộ không quyết định được thì nói gì đến tự chủ. Các trường ĐH vẫn còn bộ chủ quản thì kinh phí cấp qua bộ chủ quản, từ đó cấp lại cho các trường. Nói là tự chủ nhưng hiện nhà nước quy định trần học phí, tuyển sinh, mô hình hoạt động của trường… thì làm sao tự chủ được. Đây là bài toán còn lâu dài” - Bộ trưởng Quân trăn trở.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội:
Không có thực quyền
Tự chủ ĐH hiện chưa phải là bước ngoặt vì nhà nước vẫn đóng vai trò kiểm soát rất lớn.Việc phát triển trường theo định hướng nghiên cứu, ứng dụng hay vừa nghiên cứu vừa ứng dụng chủ yếu do các nhân tố ngoài trường quyết định. Việc thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể trường; bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng; quyết định biên chế lương cho cán bộ của trường do cơ quan chủ quản quyết định; hội đồng trường không có thực quyền…. Để thực hiện quyền tự chủ ĐH, cần áp dụng một số giải pháp cấp bách về thể chế, tổ chức - nhân sự, học thuật và tài chính.
PGS Trần Ngọc Anh, ĐH Indian tại Bloomington - Mỹ:
Phải có trách nhiệm giải trình
Muốn cải cách một trường ĐH thì lãnh đạo của trường đó cần đủ động lực để cải cách. Động lực mạnh mẽ nhất là cơ chế chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của trường. Nếu trường hoạt động tốt, lãnh đạo cần được khen thưởng, bổ nhiệm; ngược lại, lãnh đạo trường cần bị kiểm điểm và bãi nhiệm. Có 3 hình thức thực hiện trách nhiệm giải trình: trước cấp trên, trước cấp dưới và trước sinh viên. Chúng tôi đề xuất sử dụng thẻ đánh giá cho sinh viên, sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho một tổ chức độc lập khảo sát đánh giá của sinh viên và cựu sinh viên, từ đó tổ chức này xếp hạng trường và bộ sử dụng kết quả xếp hạng độc lập này để khen thưởng thi đua và bổ nhiệm lãnh đạo.
Bình luận (0)