- Phóng viên: Giáo sư có biết vì sao dư luận lại có những phản ứng trái chiều liên quan việc ông đề xuất bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn"?
+ GS-TSKH Trần Ngọc Thêm: Tại Hội thảo giáo dục 2021 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21-11, tôi đã trình bày báo cáo với tư tưởng tổng thể là xây dựng một xã hội phát triển, được cụ thể hóa bằng sáu mục tiêu: Học để làm việc, Học để sáng tạo, Học trung thực, Học làm người, Học chung sống, và Học để tổ chức. Trong đó, học để sáng tạo là mục tiêu cao nhất.
Trọng tâm của báo cáo là nói về việc xây dựng con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết cần xây dựng con người chủ động và trung thực.
Tuy nhiên, sau hội thảo, do dư luận chủ yếu tập trung thảo luận về đề xuất bỏ cách nói "Tiên học lễ, hậu học văn" chỉ là một ý rất nhỏ liên quan đến việc xây dựng môi trường phát huy tính chủ động và sáng tạo, cho nên đã không thấy được tư tưởng trọng tâm, lại càng không thấy được tư tưởng tổng thể của báo cáo.
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm
Riêng về đề xuất bỏ cách nói "Tiên học lễ, hậu học văn" thì bên cạnh nhiều người đã hiểu đúng, cũng có không ít bạn đọc đã không đọc kỹ, dẫn đến hiểu sai ý kiến của tôi, khiến cho cuộc thảo luận bị đẩy đi quá xa.
- Ông có thể nói rõ hơn ý của ông đã phát biểu, thưa giáo sư?
+ Trước hết là tôi đề xuất bỏ cách nói "tiên học lễ" chứ không phải bỏ việc học lễ. Chuẩn mực giáo dục của con người xưa nay luôn luôn phải bao gồm hai vế là đức và tài, phẩm chất và năng lực, không thể bỏ mặt nào. Trong sáu mục tiêu giáo dục mà chúng tôi đã nêu trên có mục tiêu "Học làm người" – đó là cái gì nếu không phải là học đức, rèn phẩm chất, trong đó có phần của "học lễ"?
Thứ hai là sự khác biệt trong cách hiểu về chữ "Lễ". Trong khi chúng tôi xuất phát từ cách hiểu được ghi nhận trong các từ điển, các sách vở chính thống thì những người phản bác lại hiểu "Lễ" rộng ra là đạo đức, là nhân cách.
Thế nhưng trong ngôn ngữ hàng ngày chúng ta đâu có hiểu như vậy mà vẫn nói "làm lễ" (là "nghi thức"), "dâng lễ" (là "đồ cúng, biếu"), "giữ lễ" (là "tôn kính người trên"). Tiếng Việt giàu đẹp và phong phú, xin cứ đường hoàng dùng các từ "đạo đức", "nhân cách" một cách chính danh, không có lý do gì để phải giữ lại lối nói cũ mà hiểu theo nghĩa mới – làm như vậy chỉ khiến cho các khái niệm bị đánh tráo, làm cho mọi sự trở nên rối loạn một cách không cần thiết, thực chất vẫn duy trì cách hiểu "giữ lễ" là "tôn kính người trên" theo kiểu phục tùng một chiều, bóp chết năng lực sáng tạo.
Thứ ba là nỗi lo rằng nếu bỏ khẩu hiệu "tiên học lễ" thì lớp trẻ sẽ không còn coi trọng đạo đức nữa, xã hội sẽ suy thoái. Lâu nay ta chẳng vẫn đang duy trì khẩu hiệu này ở khắp nơi đó sao? Vậy tại sao đạo đức vẫn suy thoái, trong học đường vẫn liên tiếp xảy ra các sự cố? Phương Tây không có khẩu hiệu "tiên học lễ" sao xã hội vẫn ổn định và phát triển khá toàn diện?
Sở dĩ như vậy là vì mọi người đều tôn trọng pháp luật, không có vùng cấm, không có người đứng ngoài và đứng trên pháp luật. Ở Việt Nam, chúng ta cũng đang cố gắng làm như vậy. Tôi tin rằng khi nào pháp luật được thực thi nghiêm minh và đều khắp, mọi người phạm pháp như nhau đều bị xử lý như nhau, người chống tiêu cực không bị trù dập… thì "tiên học lễ" sẽ trở nên thừa.
- Một số người đặt vấn đề là bỏ "tiên học lễ" thì sẽ thay vào đó bằng khẩu hiệu gì?
+ Nhiều người có nhận xét là ở nước ngoài rất ít dùng khẩu hiệu; khẩu hiệu là một biểu hiện khá điển hình của bệnh hình thức, bệnh phong trào.
Hiện nay trong văn bản 282 năm 2017 về việc đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, Bộ GD-ĐT đã đưa ra những định hướng khẩu hiệu đa dạng phù hợp với từng cấp học. Đó chính là một cách để tăng quyền chủ động và sáng tạo cho các cơ sở.
Để chủ động và sáng tạo, để xây dựng một xã hội phát triển, cả người trên lẫn người dưới đều cần phải nỗ lực vượt lên chính mình.
Tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục - đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21-11, GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP HCM) đã gây chú ý khi nêu quan điểm: "Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động".
GS Trần Ngọc Thêm đề xuất: "Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi" (ngoan theo nghĩa ‘dễ bảo, vâng lời’, giỏi theo nghĩa ‘thuộc bài’). Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo".
GS Trần Ngọc Thêm cũng nhấn mạnh: "Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển".
Quan điểm trên của GS Trần Ngọc Thêm đã dẫn đến nhiều phản ứng trái chiều.
Bình luận (0)