Hội thảo giáo dục "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục - đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hôm 21-11 gây chú ý với đề xuất của Giáo sư (GS) Trần Ngọc Thêm: Cần chấm dứt câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo.
Tôi rất trân trọng tấm lòng của một người thầy luôn đau đáu việc neo giữ các giá trị văn hóa và vun bồi những năng lực cần thiết để người trẻ có thể hội nhập một cách toàn diện vào nền kinh tế tri thức - công nghệ đang phát triển như vũ bão.
Nhưng tôi chưa đồng tình với quan niệm cho rằng "tiên học lễ" sẽ khiến người học mang tính phục tùng theo mệnh lệnh, đánh mất dần năng lực tư duy, sáng tạo.
"Lễ" nếu chỉ hiểu đơn thuần là phép tắc, lễ nghĩa thì tự thân chữ "lễ" đã là mối quan hệ hai chiều: người dưới kính trọng người trên, người trên đối xử phải phép với người có vị trí xã hội thấp hơn.
Hơn nữa, chữ "lễ" theo cách hiểu từ xưa đến nay chính là đạo đức, nhân cách, những nét đẹp ngời sáng đạo lý của dân tộc: hiếu học, thuận hòa, lễ phép, trung thực, nhân nghĩa…
Đạo đức là nền tảng của sự phát triển bền vững! Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào dù phát triển vượt bậc về kinh tế thì cũng đều cố gắng neo giữ những giá trị tử tế làm nên văn hóa ứng xử.
Vậy nên, cách người Nhật cúi người cảm ơn, người Thái chắp tay chào khách bao giờ cũng để lại những ấn tượng tốt đẹp và đầy thiện cảm trong lòng du khách.
Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn chú trọng trui rèn nhân cách cho con trẻ từ trong gia đình đến trường học. Nền giáo dục nước ta vẫn luôn kiên định mục tiêu giáo dục trẻ phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ; dạy chữ song song với dạy người để thế hệ trẻ đủ đức, đủ tài gánh vác sứ mệnh phát triển đất nước.
Chính vì vậy, câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn mãi nguyên vẹn ý nghĩa, giá trị trong mọi hoàn cảnh.
Quay trở lại với khát vọng khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo của GS Trần Ngọc Thêm, tôi hoàn toàn đồng tình với ước mơ về một thế hệ trẻ dám nghĩ dám làm, mạnh dạn cất lên tiếng nói cá nhân và mạnh mẽ theo đuổi sự sáng tạo trong học tập, làm việc.
Nhưng muốn hiện thực hóa giấc mơ về thế hệ trẻ giàu phản biện, dám sáng tạo, điều cốt yếu cần thay đổi chính là chương trình học tập còn nặng tính lý thuyết hàn lâm; một số giáo viên còn rập khuôn và giáo điều theo sách vở; cách thức thi cử vẫn đặt trọng tâm vào việc kiểm tra trí nhớ và chấm bài theo thang điểm có sẵn…
Không gian cởi mở cho trẻ tư duy phản biện cần được khơi thông. Mảnh đất màu mỡ cho trẻ sáng tạo cần được vun xới nhiều hơn nhưng không nhất thiết phải gạt bỏ, phủ nhận câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn".
Tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục - đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21-11, GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP HCM) đã gây chú ý khi nêu quan điểm: "Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động".
GS Trần Ngọc Thêm đề xuất: "Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi" (ngoan theo nghĩa ‘dễ bảo, vâng lời’, giỏi theo nghĩa ‘thuộc bài’). Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo".
GS Trần Ngọc Thêm cũng nhấn mạnh: "Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển".
Quan điểm trên của GS Trần Ngọc Thêm đã dẫn đến nhiều phản ứng trái chiều.
Bình luận (0)