Cô VĂN TRỊNH QUỲNH AN, giáo viên Trường THPT Gia Định (TP HCM):
Đừng để giáo viên loay hoay thử nghiệm
2018 là năm có nhiều niềm vui nhưng cũng có nhiều nỗi buồn đối với ngành giáo dục. Là một giáo viên trẻ, tôi cảm thấy xót xa trước thực trạng suy thoái về đạo đức trong cả thầy và trò, nhiều lần băn khoăn tự hỏi mình đang làm gì, điều mình đang làm có ý nghĩa như thế nào và liệu điều mình làm có đem lại sự thay đổi nào không?
Tôi không kỳ vọng theo đuổi những điều vĩ mô, to tát, tôi chỉ hy vọng cả thầy và trò chúng tôi không phải loay hoay với những sự đổi mới, những chính sách không phù hợp nữa. Chúng ta có thể thử, thậm chí thử nhiều lần nhưng đừng bắt học sinh làm "chuột bạch" cho bất cứ thử nghiệm nào nữa. Vì đó là vấn đề con người. Tôi ước ao giáo viên chúng tôi được yên tâm làm giáo dục và khẳng định vai trò qua công việc chuyên môn, làm một nhà giáo dục thực sự chứ không chỉ là "thợ dạy" nhồi nhét kiến thức. Muốn làm được điều đó, giáo dục nên có những hoạch định phù hợp cho tương lai, có định hướng và triết lý giáo dục rõ ràng.
Tôi hy vọng ở năm 2019, học sinh của tôi có thể theo đuổi đam mê, được học tập trong một môi trường an toàn và phát triển đầy đủ về nhân cách. Tôi hy vọng đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên được hỗ trợ tốt hơn, để tôi cùng các bạn đồng nghiệp, đặc biệt là giáo viên trẻ, được tiếp tục sống với đam mê và khát vọng mà không quẩn quanh với cơm áo gạo tiền.
Cô LÊ THỊ KIM LOAN, giáo viên Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP HCM:
Trông chờ đổi mới tư duy
Nếu phải nói về những kỳ vọng của bản thân xoay quanh vấn đề đổi mới giáo dục, cũng như nhiều giáo viên khác, tôi sẽ mong mỏi sự thay đổi về chương trình, về phương pháp, về quy chế... Nhưng điều quan trọng nhất tôi mong chờ ở nền giáo dục Việt Nam là sự đổi mới trong quan niệm và tư duy, là sự đổi mới để giáo dục thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình. Sự đổi mới của giáo dục cần bắt đầu từ việc chúng ta thiết lập tiêu chí đánh giá kết quả đào tạo.
Là một giáo viên dạy văn, tôi muốn học sinh của mình được trưởng thành, thành những con người biết sống đủ sâu cho tất cả những gì các em cảm nhận và trải nghiệm, biết nâng niu và trân trọng cảm xúc của người khác và của chính mình. Chừng nào xã hội còn đánh giá mức độ thành công của con người bằng số tiền mà họ có, chừng đó giáo dục còn gặp rất nhiều khó khăn. Những giáo viên như chúng tôi biết làm sao để học sinh của mình tin vào thiện lành và sự giàu có của tâm hồn khi bên ngoài đầy rẫy những nghịch lý làm bọn trẻ hoang mang, chán nản.
PGS-TS TRẦN VĂN HIẾU, Phó trưởng Khoa Công nghệ Sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM:
Tăng cường giảng dạy thực nghiệm
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra khắp nơi kể cả ở Việt Nam nhưng đa số giảng viên, nhà khoa học trẻ chưa được chuẩn bị cho việc này. Cụ thể là chưa được tập huấn rõ ràng về cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng tới giáo dục Việt Nam nói chung và giảng viên, nhà khoa học trẻ.
Trong năm 2019, hy vọng các giảng viên, nhà khoa học trẻ sẽ được tập huấn rõ ràng về cơ hội và thách thức của công nghệ 4.0 tới giáo dục Việt Nam để có thể đóng góp cho sự phát triển chung của quốc gia. Để làm được điều này, các trường ĐH cần tin học hóa việc giảng dạy, đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tương ứng nhằm đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, trong năm 2019, mong các trường tăng cường giảng dạy thực nghiệm, đầu tư mới (mở rộng, nâng cấp) các phòng thí nghiệm hiện có để hỗ trợ việc giảng dạy; tăng cường các nghiên cứu về y học cá thể để điều trị bệnh hiệu quả hơn, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới.
Riêng bậc ĐH, tôi mong rằng các trường giảng dạy theo nhu cầu của xã hội, tập trung phát triển tư duy logic, học tập chủ động, khuyến khích sáng tạo của người học, xem người học là đối tác của cơ sở giáo dục…
Đặc biệt, các nhà khoa học trẻ như tôi đều kỳ vọng nhà nước có nhiều chính sách đầu tư cơ sở, trang thiết bị hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu, tạo quỹ khởi nghiệp nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ; có chính sách hỗ trợ việc thành lập phòng R&D (nghiên cứu và phát triển) cho doanh nghiệp có liên kết với trường, viện nghiên cứu; có chính sách hỗ trợ việc thành lập các công ty chuyển giao kết quả nghiên cứu của trường, viện.
Thầy HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM):
Tăng sáng tạo, giảm hàn lâm
Để xây dựng một hệ thống giáo dục thành công, phải dựa trên rất nhiều yếu tố. Trong những yếu tố quan trọng ấy, vai trò của các nhà quản lý và thầy cô giáo là 2 yếu tố chính, có tác động đến 80% kết quả thực thi mọi nỗ lực nâng giáo dục lên một tầm cao mới. Với cương vị là một nhà quản lý, tôi gửi gắm những kỳ vọng của mình xem như những hiến kế góp phần đổi mới và nâng cao giáo dục.
Về nội dung, kiến thức giảng dạy: Ở các môn học cần giảm lý thuyết hàn lâm, tăng cường thực hành, gắn với các tình huống đời sống và yêu cầu giải quyết vấn đề. Chú trọng các hoạt động giáo dục được thiết kế theo quan điểm tích hợp, có chú ý đến những nội dung mang tính liên môn, thiết thực với cuộc sống để học sinh cảm thấy việc học có ý nghĩa.
Về phân bổ giờ dạy, tiết dạy: Cần được thực hiện một cách khoa học, bảo đảm cho giáo viên có thời gian sáng tạo, thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với xu hướng hội nhập. Có thể khẳng định rằng để nâng cao chất lượng giáo dục, mỗi giáo viên phải không ngừng đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Phải chắt chiu từng bài giảng của mình để thắp sáng ngọn lửa đam mê trên bục giảng, giúp học sinh yêu thích môn học, nghiên cứu khoa học. Qua đó học sinh có thể phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ…
Về tổ chức thi cử: Cần có sự đổi mới về hình thức thi lẫn nội dung thi sao cho phù hợp với việc kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Có thể thấy nội dung, hình thức kiểm tra đánh giá đóng một vai trò quan trọng, vừa giữ vai trò động lực thúc đẩy quá trình dạy học lại vừa có vai trò "bánh lái" giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp nhằm đạt kết quả cao nhất. Mong muốn lớn nhất của tôi là Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện, cho phép các đơn vị sở tại tiếp tục tự chủ trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhằm tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Cuối cùng, tôi xin chia sẻ một vấn đề mà tôi luôn kỳ vọng nhất vào đổi mới giáo dục đó là việc người giáo viên có thể an tâm để sống ổn định được bằng chính đồng lương của mình. Để thu hút giáo viên giỏi, yêu nghề, sẵn sàng bám trường, bám lớp trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà nước cần có những chính sách cụ thể trong việc tăng lương, phụ cấp, chế độ thâm niên cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên an tâm công tác và sống trọn với nghề giáo.
Bình luận (0)