Nhận định về Thông tư 18 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo - ĐHQG Hà Nội, thẳng thắn cho rằng những điểm tiên quyết về chất lượng và chuẩn ngoại ngữ trong đào tạo tiến sĩ đã bị quy chế mới hạ thấp so với quy chế cũ được ban hành năm 2017.
Hạ yêu cầu về chất lượng và ngoại ngữ
Cụ thể, quy chế cũ yêu cầu người học bắt buộc phải có công bố quốc tế ở mức một bài trên tạp chí ISI hoặc 2 bài trên tạp chí quốc tế có phản biện, không nhất thiết phải ISI. Theo GS Nguyễn Đình Đức, công bố quốc tế chính là công khai, minh bạch kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh, là liêm chính học thuật. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xóa nạn "tiến sĩ rởm" thì việc dùng tiêu chí này là một bước đi rất phù hợp để xác định tiến sĩ thật hay rởm. GS Đức cũng bày tỏ lo ngại việc bỏ yêu cầu công bố quốc tế sẽ khiến khó kiểm soát chất lượng, không tránh được các "lò ấp" tiến sĩ sẽ ra đời hàng loạt, người người làm tiến sĩ vì chuẩn đầu ra quá thấp.
GS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán, cho rằng công bố quốc tế là sự thừa nhận khách quan của thế giới đối với các kết quả nghiên cứu của tác giả. Quy định mới cho phép luận án công bố hoàn toàn trong nước, trong lúc các nước trong khu vực yêu cầu phải có ít nhất một công bố trong danh mục ISI của thế giới. GS Trung cho rằng quy chế mới đi ngược xu thế và băn khoăn sau vài thế hệ thì trình độ tiến sĩ Việt Nam sẽ đi về đâu so với thế giới?
Trao bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Bách khoa TP HCM. (Ảnh: TẤN THẠNH)
Bên cạnh hạ yêu cầu về bài báo khoa học, quy chế mới cũng hạ chuẩn về ngoại ngữ. Theo quy chế mới, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ của đối tượng dự tuyển là có chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL iBT là 46 điểm. Trong khi đó, theo quyết định của Chính phủ về khung ngoại ngữ, nghiên cứu sinh phải có trình độ B2. Quy đổi của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội cho thấy trình độ B2 phải tương đương 72 điểm TOEFL iBT. Công bố của Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ - đơn vị tổ chức bài thi TOEFL iBT, trên website chính thức của đơn vị này - cũng cho thấy trình độ B2 tương đương với mức điểm TOEFL iBT là 72 điểm.
Vụ Giáo dục Đại học lên tiếng
Phản hồi ý kiến của các chuyên gia về việc quy chế mới hạ thấp chuẩn đầu vào, đầu ra về chuyên môn, ngoại ngữ và hội nhập quốc tế so với trước, đối với cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng việc mặc định cứ bài đăng báo quốc tế là tốt, chất lượng bài đăng tạp chí trong nước là thấp là một định kiến cần được nhìn nhận lại. "Quy chế 08 năm 2017 có quy định công nhận các báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện, chưa xem xét cụ thể mức độ uy tín của hội nghị hay hội thảo. Quy chế 18 đã quy định cụ thể hơn về những ấn phẩm được Hội đồng Giáo sư nhà nước đánh giá và các hội nghị khoa học cũng phải thuộc danh mục WoS/Scopus" - bà Thủy nói.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, so với thời điểm ban hành Quy chế 08, hiện các tạp chí, ấn phẩm trong nước đã có nhiều đầu tư về nguồn lực và chuyên môn, có sự thay đổi nhiều về chất. Không chỉ là diễn đàn khoa học, đây còn là nơi công bố các nghiên cứu, tư vấn chính sách… có ý nghĩa thực tiễn với Việt Nam, được thành lập và hoạt động dưới sự cho phép và quản lý của các cơ quan chức năng. Trên thực tế, chất lượng của nhiều tạp chí ngày càng gia tăng, dần hướng tới các chuẩn quốc tế. Những đóng góp của hệ thống ấn bản phẩm khoa học trong nước hoàn toàn xứng đáng được nhìn nhận, đánh giá khách quan và công bằng hơn.
Bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng Quy chế 08 đã có những đóng góp quan trọng trong việc đặt ra các chuẩn đầu ra nhấn mạnh các công bố quốc tế, từ đó tăng cường quản lý chất lượng đầu ra của đào tạo tiến sĩ. Còn trong giai đoạn mới, nhận thức về sự đa dạng, phong phú của các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo và sự cần thiết của việc ghi nhận và tiếp tục nâng cao chất lượng các công bố trong nước, những thay đổi trong quy chế mới là điều phù hợp. Bên cạnh yêu cầu đầu ra, việc bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ còn thể hiện ở các quy định từ đầu vào nhưng quan trọng hơn là quá trình học tập, có nỗ lực và tiến bộ, có sự chuẩn bị kỹ về kế hoạch, thời gian học tập, nghiên cứu…
"Bộ GD-ĐT trong thời gian tới sẽ tập trung tăng cường giám sát (cùng với sự giám sát của giới khoa học, của toàn xã hội) đối với quá trình học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh trong các cơ sở đào tạo" - bà Thủy nhấn mạnh.
Các cơ sở giáo dục có thể tự nâng chuẩn
Việc xây dựng, ban hành Quy chế 18 song song với xây dựng ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của giáo dục ĐH, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF). Trong thời gian tới, các hội đồng nhóm ngành, khối ngành sẽ xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo (gồm các yêu cầu tối thiểu) với các đặc thù riêng, chặt chẽ hơn cả về đầu vào, đầu ra, có thể cao hơn so với chuẩn theo trình độ và phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề đào tạo.
Căn cứ vào chuẩn tối thiểu (theo trình độ, nhóm ngành...), các cơ sở giáo dục ĐH có thể xây dựng quy chế đào tạo, đặt ra các tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn các chuẩn chung của toàn hệ thống, phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề đào tạo cũng như năng lực thực tiễn của cơ sở đào tạo, từ đó khẳng định uy tín đào tạo của mình.
Bình luận (0)