Với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho học sinh nên việc mở lại trường học cũng phải từng bước thận trọng, không nóng vội. Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Hà Nội có gần 3.000 trường học với khoảng 2,1 triệu học sinh; đến nay, đều chưa được tiêm vắc-xin. Việc đưa tất cả trường học trở lại đồng loạt trong bối cảnh như vậy rất rủi ro.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng dịch tại trường học thuộc quận Tây Hồ - Ảnh: Hanoi.gov
Từ ngày 11-10 đến nay, số ca nhiễm SARS-CoV-2 trung bình trong ngày tăng mạnh, gấp nhiều lần giai đoạn trước đó (từ ngày 21-9 đến 10-10). TP liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người ở các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Gia Lâm, các quận Hoàng Mai, Đống Đa, các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Gia Lâm, gần đây nhất là các ca bệnh tại quận Ba Đình, Hà Đông... Đặc biệt, từ ngày 28-10 đến ngày 4-11, số ca nhiễm tăng lên bình quân từ 33 đến 104 ca/ngày.
Trong bối cảnh mở ra hiện nay, các nguồn lây xâm nhập từ các phía và nguy cơ dịch đã ngấm sâu trong cộng đồng khiến rủi ro càng lớn hơn. Nhiều tỉnh sau khi mở lại trường học đã phát sinh ổ dịch lây nhiễm cho học sinh dẫn đến buộc phải đóng cửa trở lại là kinh nghiệm đòi hỏi Hà Nội càng phải thận trọng, không nóng vội.
Thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc cho học sinh trở lại trường học, ông Đinh Tiến Dũng khẳng định Hà Nội sẽ mở lại toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo. Cách làm là đi từng bước để bảo đảm an toàn cao nhất cho trẻ em. Trước mắt, xem xét việc tổ chức dạy và học trực tiếp tại một số huyện, thị xã bảo đảm điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19. Riêng đối với các quận, do mật độ dân cư đông nên cần tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh để xem xét trong thời gian tiếp theo.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ phân bổ vắc-xin Pfizer cho Hà Nội trong tháng 11 để tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi theo quy định. Đây là điều kiện rất quan trọng để tăng thêm độ an toàn khi tiến hành quá trình khôi phục hoạt động của hệ thống trường học. Bí thư Hà Nội đề nghị Bộ Y tế quan tâm, hỗ trợ cấp vắc-xin cho TP đúng tiến độ và kế hoạch để kịp thời tiêm cho học sinh trước khi trở lại trường, hạn chế thấp nhất nguy cơ mất an toàn từ dịch Covid-19 đối với trẻ.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kịch bản, kích hoạt dây chuyền tiêm, tổng duyệt để sẵn sàng triển khai chương trình tiêm chủng thần tốc, an toàn khi được cấp bổ sung vắc-xin; ưu tiên tiêm trước cho trẻ dưới 18 tuổi theo quy định. Trong đó, cần thực hiện tiêm cuốn chiếu theo từng địa phương dự kiến đi học. Mục tiêu là Hà Nội sẽ triển khai ngay khi có vắc-xin, vắc-xin về đến đâu tiêm ngay đến đấy; tiêm xong khối nào, tổ chức cho khối đó đi học, dần dần từng bước đưa toàn bộ hệ thống giáo dục quay trở lại học tập trung. Giáo viên tiêm 2 mũi mới tham gia giảng dạy trực tiếp; học sinh tiêm 1 mũi có thể đến trường trước. Các nhóm tuổi chưa đủ điều kiện hoặc chưa được tiêm vắc-xin sẽ trở lại học trực tiếp khi trường học được bảo đảm an toàn theo các tiêu chí quy định.
Nhấn mạnh việc đưa học sinh trở lại trường học trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh cao như hiện nay đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo xây dựng kịch bản chung, cấp ủy quận, huyện, thị xã chỉ đạo xây dựng phương án cụ thể cho từng trường, lớp học để tổ chức đưa học sinh trở lại trường. Từng phương án phải bao quát toàn diện các vấn đề, nhất là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, cả bên trong và bên ngoài trường học, lớp học; đặc biệt, phải có phương án xử lý từng tình huống như phát hiện ca dương tính, ca nghi nhiễm với Covid-19, học sinh có biểu hiện ho, sốt... Phòng học phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng dịch. Phải tổ chức kiểm tra y tế, khử khuẩn, diệt khuẩn trước và sau mỗi ngày học; có nơi dự phòng để bố trí tạm thời khi phát hiện các trường hợp trên.
Cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã trên cơ sở đề xuất của ngành Giáo dục, Y tế địa phương có trách nhiệm căn cứ hướng dẫn của thành phố để xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về các điều kiện và an toàn khi cho học sinh trở lại trường học trên địa bàn các xã, phường, thị trấn trực thuộc.
Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra bùng phát dịch trên địa bàn. Trọng tâm là chỉ đạo, tổ chức bảo vệ an ninh trật tự, an toàn và duy trì hệ thống kiểm soát dịch bệnh tại tất cả các trường học trên địa bàn; phân công, bố trí lực lượng các tổ cơ động sẵn sàng hỗ trợ trường học khi phát sinh tình huống dịch bệnh; tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn phụ huynh thực hiện phòng dịch theo nguyên tắc "5K", tránh để chờ đợi, tụ tập đông người khi đưa, đón học sinh. Học sinh phải thực hiện thật tốt các biện pháp phòng dịch Covid-19 trước, trong và sau khi đi học; thực hiện nghiêm các quy định về khai báo y tế, khử khuẩn, báo cáo ngay khi bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nhiễm dịch bệnh...
Ông Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu 15 đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1103-QĐ/TU, ngày 4-6-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên, liên tục kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đưa học sinh trở lại trường, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em, kiểm tra các trường học về điều kiện an toàn phòng, chống dịch trước và trong thời gian học.
Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo là 2 cơ quan thường trực, nòng cốt, phải phối hợp thật chặt chẽ, hiệu quả với nhau, với các địa phương để tổ chức thực hiện tiêm chủng và triển khai phương án dạy và học. Song song với nhiệm vụ đưa trường học trở lại, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn phải nghiên cứu tìm giải pháp xây dựng kịch bản, đề cương học trực tuyến tốt nhất, hiệu quả nhất, để nơi nào chưa thể đưa trẻ đến trường thì học sinh vẫn được tiếp nhận chất lượng giáo dục tốt nhất.
Bình luận (0)