Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), số thí sinh (TS) có điểm thi từ mức điểm ngưỡng (15 điểm) trở lên trên quy mô cả nước vào khoảng 530.000. Chính những TS này mới có đủ “tư cách” để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia nhờ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, là thành phần quan trọng nhất trong hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của TS.
Bộ can thiệp quá sâu mà không hiệu quả!
Tuy nhiên, chúng tôi ước đoán cuộc đua tranh quyết liệt trong đợt xét tuyển đầu tiên vừa kết thúc (từ ngày 1 đến 20-8) chỉ là sân chơi của khoảng 200.000 lượt TS có điểm tổng cộng tổ hợp 3 môn thi từ 20 điểm trở lên và của khoảng 50 trường ĐH công lập lớn trên cả nước (Báo Người Lao Động ngày 10-8-2015). Chính vì vậy, mặc dù nhiều trường ĐH công lập lớn công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 15 điểm nhưng trên thực tế, các TS có điểm khoảng 15-16 đã nhận thức được vị trí khiêm tốn của mình ở cuộc đua này. Do đó, số lượng hồ sơ ĐKXT nộp vào các trường lớn đa phần nằm ở mức từ 18 điểm trở lên trong những ngày đầu và gia tăng liên tục điểm dự kiến trúng tuyển tạm thời vào những ngày cuối.
Có lẽ còn phải phân tích nhiều để hiểu hết nguyên nhân đưa đến tình trạng lộn xộn trong xét tuyển đợt 1 nhưng có thể thấy ngay nguyên nhân trực tiếp là sự can thiệp quá sâu của Bộ GD-ĐT (Cục Khảo thí) vào quy trình xét tuyển. Ở những năm trước, xét tuyển chỉ là công việc giữa hai bên là nhà trường - TS trong khi ở năm 2015 này, xét tuyển trở thành giao dịch tay ba giữa nhà trường - Cục Khảo thí - TS, do đó việc chậm trễ trong xử lý kết quả (nhập dữ liệu từ Cục Khảo thí và thông báo tình hình của TS) là điều không tránh khỏi.
Thêm nữa, do phần mềm xét tuyển của Cục Khảo thí chưa hoàn chỉnh, các trường phải dùng phần mềm xét tuyển riêng, ở một số trường không lọc TS trúng tuyển ảo nên việc công bố thông tin cũng rất khác nhau, TS và phụ huynh đọc không hiểu nên có phần hoang mang, lo lắng. Sự can thiệp vào quy trình xét tuyển và các chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đã sâu nhưng lại không hiệu quả, có nhiều mâu thuẫn. Chẳng hạn, ngày 7-8, bộ yêu cầu các trường không được công bố điểm trúng tuyển tạm thời vì gây lo âu cho TS nhưng dưới áp lực cần biết thông tin của TS, các trường phải phớt lờ chỉ đạo này và ngày 17-8, bộ quay ngoắt 180 độ, yêu cầu các trường phải công bố điểm trúng tuyển tạm thời để TS yên tâm!
Điểm khác biệt so với những năm trước là TS biết kết quả thi rồi mới ĐKXT dẫn đến việc TS từ các địa phương đổ dồn về các TP lớn và các trường ĐH lớn, các ngành hấp dẫn. Theo thống kê ở các trường lớn, các ngành “hot” có những số liệu rất đáng quan tâm. Chẳng hạn, thống kê 100 TS có điểm thi cao nhất ĐKXT vào ngành điện - điện tử của Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, số TS được ưu tiên khu vực và đối tượng chiếm đến 93%. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, tỉ lệ này là 92%. Thế nhưng, nếu như với cùng ngành tài chính - ngân hàng của Trường ĐH Tài chính - Marketing, tỉ lệ được ưu tiên ở tốp 100 là 83% thì cũng ngành này ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng, tỉ lệ chỉ còn khoảng 50%-55% (cho tất cả các tổ hợp môn) và ở Trường ĐH HUFLIT tỉ lệ này chỉ còn 30%. Rõ ràng, với cách thi và cách xét tuyển như hiện nay, TS có điểm cao sẽ tìm kiếm cơ hội ở những trường lớn và những ngành hấp dẫn.
Tuy nhiên, hiện tượng “anh hùng hội tụ” này làm tăng nguy cơ có điểm cao vẫn rớt, sâu xa hơn là các trường ĐH lớn ở những TP lớn sẽ hút hết TS giỏi của các địa phương. Bên cạnh đó, sẽ hình thành sự phân tầng đầu vào của các trường ĐH một cách tự nhiên do chính TS quyết định.
Đợt 2 sẽ êm ả
Đợt xét tuyển thứ hai bắt đầu từ ngày 25-8 hy vọng sẽ êm ả hơn vì nhiều lý do. Một là, những TS giỏi nhất (thường năng động nhất) đã tìm được bến đỗ của mình, cuộc chơi chỉ còn các TS có lẽ nằm trong tốp 18-22 điểm chưa trúng tuyển trường nào. Số này còn lại cũng không nhiều và chắc chắn phải chấp nhận những lựa chọn hẹp hơn trong đợt xét tuyển thứ hai này. Hai là, trong đợt này, TS được quyền dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để ĐKXT, về mặt tâm lý sẽ yên tâm hơn dẫu rằng tỉ lệ ảo cho các trường còn phải tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ tăng cao. Ba là, từ đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, không còn cảnh TS rút ra - nộp vào như trong xét tuyển đợt 1 nữa, việc cho phép TS rút hồ sơ ĐKXT vào cuối đợt nếu không trúng tuyển gần như không có ý nghĩa và tác dụng gì cho TS.
Rõ ràng, TS tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ không còn “kén cá chọn canh” như trong đợt 1. Các trường và những ngành xét tuyển trong đợt này cũng còn khá nhiều nhưng hầu hết là trường ở địa phương và trường ngoài công lập. Có lẽ đây cũng là đợt xét tuyển thử thách cho các trường CĐ để định lượng mức thu hút giữa các trường CĐ có uy tín với nhiều trường ĐH khác.
Lượng TS ảo giảm mạnh
Điểm tích cực nhất trong xét tuyển đợt 1 là tình trạng ảo chắc chắn sẽ giảm rất mạnh. Trong những năm trước đây, khi còn tuyển sinh “3 chung”, số lượt TS ĐKDT trong 2 đợt vào các trường thành viên ĐHQG TP HCM dao động từ 55.000-70.000 TS để tuyển khoảng 12.000 chỉ tiêu và khi gọi nhập học có những ngành phải gọi đến 150%-200% chỉ tiêu may ra mới gọi đủ TS. Trong xét tuyển đợt 1 vừa qua, chỉ có khoảng 18.000 TS ĐKXT cho hơn 12.000 chỉ tiêu. Việc xét tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1 với điểm chuẩn dự kiến của hầu hết các ngành từ 20 điểm trở lên là một khả năng chắc chắn và tỉ lệ ảo sẽ ở mức thấp nhất.
Bình luận (0)