Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa thông báo tuyển bổ sung 110 chỉ tiêu vào 5 ngành đào tạo: điều dưỡng, dinh dưỡng, kỹ thuật hình ảnh y học, khúc xạ nhãn khoa, y tế công cộng với mức điểm nhận hồ sơ từ 21,35 đến 24,9.
Trường lớn cũng phải tuyển thêm
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo tổ hợp B00 (toán, hóa, sinh). Riêng ngành khúc xạ nhãn khoa còn có thêm điều kiện điểm thi môn tiếng Anh đạt từ 7 trở lên.
Ngoài ra, nhiều trường ĐH công lập khác cũng đang ráo riết tuyển thêm sinh viên. Trường ĐH Quốc tế (thành viên ĐHQG TP HCM) thông báo tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu vào 6 ngành do trường cấp bằng và 480 chỉ tiêu vào 22 ngành chương trình liên kết quốc tế theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM tuyển bổ sung 525 chỉ tiêu vào 13 ngành theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2021. Học viện Hàng không Việt Nam tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu. Trường ĐH Ngân hàng TP HCM 30 chỉ tiêu...
Trường ĐH Xây dựng Hà Nội xét tuyển bổ sung 6 ngành với tổng cộng 120 chỉ tiêu, mức điểm xét tuyển từ 18 trở lên. ĐH Huế thông báo tuyển bổ sung 1.822 sinh viên cho 10/13 khoa, trường thuộc ĐH này. Trong đó, Trường ĐH Khoa học tuyển bổ sung nhiều nhất với 490 em, mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển dao động 15-20.
Ở khối trường ngoài công lập, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thông báo tuyển bổ sung tất cả các ngành đào tạo theo các phương thức xét tuyển như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu vào các ngành theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021, xét học bạ, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 do ĐHQG TP HCM tổ chức.
Thí sinh làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2020. (Ảnh: TẤN THẠNH)
Xin thêm chỉ tiêu để "vớt" thí sinh điểm cao
Trường ĐH Luật Hà Nội cho hay sẽ nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung 300 chỉ tiêu đến hết ngày 5-10. Trong số 300 chỉ tiêu này, có 250 chỉ tiêu tuyển sinh tại trụ sở chính của trường và tuyển sinh vào học chương trình liên kết với ĐH Arizona, 50 chỉ tiêu còn lại tuyển sinh tại phân hiệu của trường tại Đắk Lắk.
Theo TS Lê Đình Nghị, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, sau đợt tuyển sinh vừa qua, trường đã đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, xét thực tế nhiều thí sinh điểm cao nhưng không trúng tuyển nên hội đồng tuyển sinh nhà trường đã thống nhất đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năng lực hiện có cho phép trường tăng 10% chỉ tiêu đã xác định trong đề án tuyển sinh năm 2021.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp. Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết trường thông báo xét bổ sung đợt 2 căn cứ theo tình hình thí sinh trúng tuyển đợt 1 xác nhận nhập học. Ở một số ngành, tỉ lệ nhập học thấp so với chỉ tiêu cần tuyển. Theo ông Hiệp, những ngành tuyển bổ sung đều không có nhiều thí sinh đăng ký như các ngành khác của trường.
PGS-TS Phạm Hiếu Liêm, Phó trưởng Phòng Điều hành Phòng Quản lý đào tạo - Trường ĐH Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, lý giải chỉ tiêu tuyển bổ sung cao hơn các năm trước có lý do từ nguồn đào tạo theo địa chỉ. Những năm trước, chỉ tiêu tuyển sinh hệ đào tạo theo địa chỉ tách riêng nhưng năm nay thì phải nhập chung, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi gọi thí sinh trúng tuyển nhập học thì số thí sinh hệ đào tạo theo địa chỉ nhập học rất ít, chỉ có 7/40 (đối tượng đào tạo theo địa chỉ có điểm chuẩn thấp hơn 1 điểm so với hệ đại trà).
Ông Liêm cho rằng thí sinh diện đào tạo theo địa chỉ được ưu tiên về điểm chuẩn nhưng không nhập học làm ảnh hưởng đến cơ hội của các em khác. Vì vậy, để chủ động hơn, sang năm, trường sẽ xem xét có nên tuyển sinh hệ đào tạo theo địa chỉ hay không.
Không nhập học do... học phí thấp
Trường ĐH Quốc tế cho biết nhiều sinh viên trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học là nguyên nhân khiến trường phải tuyển bổ sung. Trong 6 ngành do trường cấp bằng, 3 ngành khó tuyển trong nhiều năm qua và 3 ngành mới nên thông tin đến với thí sinh chưa nhiều.
Với các ngành liên kết quốc tế, đối tượng tuyển sinh chủ yếu là học sinh tốt nghiệp chương trình phổ thông quốc tế tại các trường ở Việt Nam. Khi thí sinh trúng tuyển được trường thông báo mức học phí chương trình liên kết quốc tế khoảng 100 triệu đồng/năm, nhiều phụ huynh cho rằng học phí thấp thì không bảo đảm chất lượng nên không cho con em mình nhập học để tìm đến trường có mức học phí cao hơn (!).
Bình luận (0)