Hầu hết chỉ đạt điểm trung bình, chỉ vài bé được 6,5 - 7 điểm. Đây là điều chưa từng có đối với một lớp được đánh giá là toàn học sinh khá giỏi này.
Nhiều phụ huynh cho biết đã "làm việc" với con về nguyên nhân điểm kém thì các bé nói rằng môn văn bây giờ học khó quá… Cô giáo "bắt" phải vào thư viện đọc sách, tài liệu, đọc trước bài học rồi liên hệ vận dụng thực tế. Với một học sinh lớp 7, ngoài môn văn còn phải học các môn khác nên yêu cầu của giáo viên như vậy là cao quá. Vì vậy, nhiều học sinh nản nên lơ đãng, thậm chí ngủ gật trong giờ học vì không hiểu bài. Đề thi thì yêu cầu làm bài nghị luận mà ở tuổi này, các bé chưa đủ cảm nhận sâu sắc để viết.
Phụ huynh bắt đầu công kích giáo viên, cho rằng với một môn học mà đa số học sinh đều có điểm kiểm tra thấp thì phương pháp giảng dạy có vấn đề. Lúc này, tôi mới bắt đầu quan tâm đến giáo viên môn ngữ văn của con mình. Tôi vào phần mềm học tập eNetViet, để ý những thông báo của cô giáo ngữ văn. Trong khi các môn khác ít khi có thông báo từ giáo viên thì tôi bất ngờ vì cô dạy môn văn rất cần mẫn cập nhật lời dặn dò, báo bài hằng ngày, hằng tuần. Đại khái: "Mỗi ngày các con hãy dành 15 phút cho môn văn bằng cách đọc bài mới ở sách giáo khoa, tra từ điển tiếng Việt, cuối tuần soạn các bài đã học, làm bài nhóm". Cô còn dặn dò về bút mực, cách viết câu cho đúng… Cô không quên gửi gắm: "Kính nhờ phụ huynh nhắc nhở con mình ôn tập, làm bài để quen dần với đề kiểm tra giữa kỳ" hay "Kính nhờ anh chị nhắc con ôn kỹ phó từ, dấu chấm lửng, chuẩn bị các chủ đề"... Tôi vội nhắn các phụ huynh hãy vào đọc những thông báo này trước khi trách hay đổ lỗi cho cô giáo.
Sau đó, chúng tôi đã lập một group để trao đổi về việc dạy và học môn ngữ văn với cô giáo. Cô cảm ơn phụ huynh đã lập nhóm để trao đổi với giáo viên. Việc trao đổi cởi mở, thẳng thắn, chân tình nhằm giúp đỡ học sinh trong mọi mặt. "Mong anh chị hãy dành thời gian ít nhất 5 phút cho con mỗi ngày. 5 phút ký vào vở là cách nhắc nhở hiệu quả nhất việc con mình có đọc bài trước khi lên lớp, có soạn bài, ghi bài hay không. Chính điều này quyết định việc khi lên lớp, các bé có học hành nghiêm túc hay không" - cô nhấn mạnh.
Những lời tâm huyết của cô giáo khiến chúng tôi giật mình xấu hổ. Trước giờ, chúng tôi đã không phối hợp với cô giáo dục con mình, để khi bé đạt điểm thấp thì lại nghe lời con trẻ đổ lỗi cho giáo viên.
Từ khi có group trao đổi, gần như ngày nào cô cũng nhắn báo bài, những việc cần làm để học sinh tiến bộ, những chủ đề cần tìm hiểu… Nhờ sự tận tâm của cô mà chúng tôi quan tâm hơn đến bài vở của con, cùng dành thời gian để trao đổi với con về cách học môn văn, về những bài văn hằng ngày bé đang học…
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mới triển khai được 2 năm, đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, không chỉ chăm chăm vào sách giáo khoa mà còn phải mở rộng kiến thức, vận dụng thực tế. Đây là một áp lực lớn cho giáo viên khi dạy nhiều lớp, với nhiều đối tượng học sinh, phải soạn bài, đọc thêm tài liệu, triển khai kế hoạch giảng dạy… Thế mà cô giáo dạy văn đã dành thời gian kết nối với phụ huynh, để cùng giúp học sinh tiến bộ là một nỗ lực rất lớn, rất đáng trân trọng.
Để việc học tập của trẻ hiệu quả, chắc hẳn không thể trông chờ vào nhà trường và giáo viên mà còn phải có sự quan tâm, đồng hành của phụ huynh. Như cô giáo dạy văn đã nhắn nhủ, phụ huynh chỉ cần dành 5 phút cho con trẻ mỗi ngày thì thái độ và kết quả học tập sẽ thay đổi.
Bình luận (0)